Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin).

Với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đề ra chỉ tiêu: Phấn đấu 50% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 20 - 30% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

{keywords}
Cơ sở hạ tầng của các trạm xá xã ngày một được đầu tư - Hình minh họa

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh trên địa bàn các huyện, xã, thôn thuộc Chương trình phù hợp quy hoạch dân cư và quy hoạch sản xuất, đảm bảo phục vụ có hiệu quả đời sống và phát triển sản xuất của người dân. Thu nhập của hộ gia đình tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tăng 20% - 25%/năm; bình quân mỗi năm có ít nhất 15% hộ gia đình tham gia dự án thoát nghèo, cận nghèo.

Hỗ trợ đào tạo nghề và giáo dục định hướng cho khoảng 20.000 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số. 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, trưởng thôn, bản được tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo. 100% cán bộ cấp xã làm công tác thông tin và truyền thông được đào tạo nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ thông tin tuyên truyền cổ động; 50% các xã nghèo có điểm thông tin, tuyên truyền cổ động ngoài trời; có 100 huyện và khoảng 600 xã được trang bị bộ phương tiện tác nghiệp tuyên truyền cổ động.

90% các hộ dân thuộc địa bàn huyện nghèo, xã nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; kinh nghiệm sản xuất; tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua các hình thức báo chí, các xuất bản phẩm và các sản phẩm truyền thông khác; Hỗ trợ phương tiện nghe - xem cho khoảng 10.000 hộ nghèo sống tại các đảo xa bờ; hộ nghèo thuộc các dân tộc rất ít người; hộ nghèo sống tại các xã đặc biệt khó khăn.

Để đạt được mục tiêu trên, các bộ, ngành và địa phương cần chủ động, quyết tâm, sáng tạo, quyết liệt và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tập trung vào một số nhóm giải pháp sau:

Tập trung truyền thông về ý nghĩa, tác động của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Các cơ quan thông tin, truyền thông và các ban, ngành chức năng đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền về nông thôn mới gắn với tuyên truyền kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 26/NQ-TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên các trang mạng xã hội, nhằm triển khai sâu rộng và thiết thực Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và phản ánh kịp thời thực tiễn xây dựng nông thôn mới của cả nước...

Tiếp tục triển khai hiệu quả Cuộc thi Báo chí viết về nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; tổ chức cho các phóng viên đi tìm hiểu thực tế tại các vùng, miền trên cả nước để phản ánh kết quả và đánh giá tác động của 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW; nghiên cứu tổ chức Giải báo chí viết về đề tài “Nông nghiệp, nông thôn”.

Rà soát, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; hướng dẫn và đôn đốc các địa phương triển khai hiệu quả các đề án xây dựng nông thôn mới đặc thù đã được Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; ưu tiên thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn; nhanh chóng tổ chức triển khai Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tập trung vào hình thành hệ thống quản lý, điều hành Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm; chủ động lựa chọn ít nhất 1 huyện để chỉ đạo thí điểm...).

{keywords}
Bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp là điều cần ưu tiên trong xây dựng nông thôn mới - Hình minh họa

Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn nông thôn, tập trung ở những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn; ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập người dân nông thôn một cách bền vững; chú trọng bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, hiện đại, hợp lý và giữ gìn được những đặc trưng và bản sắc nông thôn truyền thống xanh - sạch - đẹp; nâng cao chất lượng đời sống văn hoá và giữ gìn an ninh trật tự.

Gắn xây dựng nông thôn mới với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; khuyến khích và thường xuyên tổ chức các hoạt động xã hội, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, phòng chống tệ nạn xã hội, thu hút số lượng lớn người dân tham gia; tổ chức các hoạt động phát triển cộng đồng ở các thôn, bản, ấp nhằm phát huy và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp; xây dựng và thực hiện hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phát huy và nhân rộng các mô hình cụm liên kết về an ninh trật tự hoạt động thường xuyên, hiệu quả như “tổ tự quản về an toàn giao thông”, “tổ phòng chống tội phạm”, “tổ an ninh, hoà giải” góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội để thực sự tạo ra nông thôn mới bình yên.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới, từng địa phương phải xác định rõ các tiêu chí trọng tâm để tập trung chỉ đạo, nhất là các tiêu chí về đời sống người dân, môi trường, văn hoá và an ninh trật tự.

Đối với các xã đạt chuẩn cần tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới để nâng cao chất lượng các tiêu chí và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với các xã đang phấn đấu đạt chuẩn, phải bảo đảm chất lượng, thực chất, không chạy theo thành tích. Đối với các xã khó khăn, cần tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu và thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, ưu tiên tập trung đầu tư ở cấp thôn, bản.

Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp huy động và đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện Chương trình, bao gồm vốn từ ngân sách nhà nước trung ương, chính quyền địa phương, vốn từ trong dân, vốn từ các doanh nghiệp, tổ chức, xã hội.

Bài: Ngọc Châm - Ngọc Trâm - Nhóm PV
Ảnh: Phạm Duy Linh - Nhóm PV