Phát biểu khai mạc cuộc họp về phương án phân vùng giai đoạn 2021 - 2030 để triển khai thực hiện luật Quy hoạch hôm nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Bộ KH-ĐT đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và đề xuất các phương án phân vùng.

Sau khi tiếp thu ý kiến các bộ, ngành và địa phương, hiện nay tập trung vào 2 Phương án. 

Cần thiết phải mở rộng vùng Đồng bằng sông Hồng

Theo Phó Thủ tướng, phương án phân vùng cần tạo ra các không gian phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong thời kỳ mới.

Ví vụ như việc cần thiết phải mở rộng vùng Đồng bằng sông Hồng vì hiện vùng này có dân số đông nhất cả nước (21,6 triệu dân, bằng 22,78% so với cả nước), tuy nhiên diện tích lại nhỏ nhất (21.258 km2, chỉ bằng 6,42% so với cả nước).

{keywords}
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, phương án phân vùng cần bảo đảm sự gắn kết thực sự về kinh tế xã hội trong một vùng. Các vùng có khoảng cách quá lớn như vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (dài 1.300km) cần chia tách thành 2 vùng với sự gắn kết thực tế và phù hợp hơn về điều kiện tự nhiên, khí hậu.

Đồng thời, cần bảo đảm các yếu tố về văn hóa, xã hội, dân tộc, đời sống dân sinh,... để có những chính sách phù hợp đối với từng vùng như Tây nguyên, vùng núi phía bắc.

Trong đó, Phó Thủ tướng đề nghị tập trung tham gia ý kiến đối với phương án 2 là phương án đã được 10/14 Bộ, ngành và 49/59 địa phương chọn. 

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, phương án 2 dựa trên phân vùng hiện nay, tách vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thành 2 vùng: Vùng Bắc Trung Bộ và vùng Nam Trung Bộ. Ngoài ra, mở rộng vùng Đồng bằng sông Hồng thêm các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang để trở thành vùng Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ. Cả nước có 7 vùng.
 
Vùng Miền núi phía Bắc gồm 10 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La.

Vùng Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ gồm 15 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh.

Vùng Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Vùng Nam Trung Bộ gồm 8 tỉnh/thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh:  Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.

Vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh/thành phố: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. HCM.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh/thành phố: Thành phố Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Theo Thứ trưởng KH-ĐT, phương án này có tính kế thừa phương án phân vùng trước đây, tính ổn định cao và ít gây xáo trộn về vùng. Mở rộng không gian phát triển mới cho vùng Đồng bằng sông Hồng, hình thành vùng Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ và tạo điều kiện cho một số tỉnh trước đây thuộc vùng Trung du và Miền núi phía Bắc có điều kiện phát triển nhanh hơn.

Đây cũng là phương án khắc phục được hạn chế vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có khoảng cách quá dài. Tuy nhiên, theo phương án này, việc hình thành các vùng dựa nhiều vào sự tương đồng về trình độ, điều kiện phát triển. Vùng Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ mới gồm 15 tỉnh, quy mô khá lớn.

Đông Nam Bộ có thêm Lâm Đồng, Bình Thuận

Còn phương án 1 giữ nguyên 2 vùng (vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long).

Tách vùng Trung du và Miền núi phía Bắc hiện tại thành vùng Đông Bắc và Tây Bắc; tách vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung hiện tại thành Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ (tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa vào vùng Nam Trung Bộ), điều chỉnh 1 tỉnh (Bình Thuận) sang vùng Đông Nam Bộ và gộp 4 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lăk, Đắk Nông) vào vùng Nam Trung Bộ.

Vùng Đông Nam Bộ mới được hình thành trên cơ sở vùng Đông Nam Bộ hiện nay và bổ sung thêm 2 tỉnh (Lâm Đồng và Bình Thuận). Theo phương án này cũng có 7 vùng.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương

Vùng Đông Bắc gồm 7 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang.

Vùng Tây Bắc gồm 7 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình.

Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh.

Vùng Bắc Trung Bộ gồm 5 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Vùng Nam Trung Bộ gồm 12 tỉnh/thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông.

Vùng Đông Nam Bộ gồm 8 tỉnh, thành phố: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM, Lâm Đồng, Bình Thuận.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố: Thành phố Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Thứ trưởng KH-ĐT cho rằng, phương án 1 có tính đến yếu tố liên kết kinh tế giữa các địa phương trong điều kiện kinh tế thị trường, đặt tính liên kết vùng về kinh tế cao hơn tính tương đồng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội và dân cư. 

Trên cơ sở sự liên kết chặt chẽ các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ để hình thành vùng Nam Trung Bộ. Tỉnh Thừa Thiên - Huế có mối quan hệ với TP Đà Nẵng và các tỉnh vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung được đưa vào vùng Nam Trung Bộ. Vùng Đông Nam Bộ được mở rộng, bổ sung các tỉnh gắn kết chặt chẽ với vùng là Lâm Đồng và Bình Thuận.

Đây là phương án khắc phục được hạn chế vùng có khoảng cách quá dài, quy mô các vùng hợp lý hơn như: vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung tách thành vùng Bắc Trung Bộ gồm 5 tỉnh, vùng Nam Trung Bộ gồm 12 tỉnh (gộp 4 tỉnh Tây Nguyên vào 8 tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ); vùng Trung du và Miền núi phía Bắc tách thành vùng Đông Bắc (7 tỉnh) và vùng Tây Bắc (7 tỉnh).

Tuy nhiên khi triển khai phương án này sẽ có sự xáo trộn so với phương án phân vùng hiện nay.

Dù vậy, ông Phương bày tỏ lạc quan, hiện thông tin, dữ liệu cơ bản đã và đang được thống kê theo đơn vị hành chính cấp tỉnh nên việc thu thập, tổng hợp thông tin, dữ liệu theo các vùng mới không gặp nhiều khó khăn và chi phí không cao.

Thu Hằng

Tách nhập bộ máy văn phòng gây tốn kém và vất vả

Tách nhập bộ máy văn phòng gây tốn kém và vất vả

Chiều nay, UB Thường vụ QH xem xét việc tổng kết thực hiện thí điểm Nghị quyết 580 về thí điểm hợp nhất 3 văn phòng: Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND.