- ĐB Đỗ Văn Đương đề xuất chính sách thắt lưng buộc bụng. Để làm gương, ông hứa ngay tại QH, đến hết nhiệm kỳ, nếu "trời để sống", ông dứt khoát không đi nước ngoài.

Không thể bỏ qua bối cảnh tác động của Biển Đông đang dậy sóng như mọi ĐB phát biểu trước tại phiên họp sáng nay của QH, ĐB Đỗ Văn Đương bấm nút phát biểu đi ngay vào "bài toán khó" mà Chính phủ cần quan tâm giữa nhu cầu nhân dân, với giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, chủ quyền biển đảo với phát triển kinh tế, đặc biệt là chú ý không lệ thuộc vào nước láng giềng.

XEM CLIP:

Ông cũng nhấn mạnh ưu điểm đoàn kết trong nguy cơ đe dọa chủ quyền đất nước của cả dân tộc, mà ở đó sự hung hăng lấn tới của TQ càng nhiều thì chắc rằng lòng yêu nước càng trỗi dậy mạnh mẽ. Nhưng phải giữ sự bình tĩnh, sáng suốt cần thiết, cần có cảnh giác sâu sắc mang tầm chiến lược từ trong suy nghĩ, hành động trên đầy đủ lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh.

"Không mắc bẫy chủ nghĩa bá quyền để chúng dễ bề gặm nhấm biển đảo, tiến tới độc chiếm Biển Đông. Không để phần tử xấu lợi dụng tình hình, kích động gây rối làm phức tạp về an ninh chính trị, không để các loại tội phạm lợi dụng khó khăn về kinh tế để đục nước béo cò. Với suy nghĩ như vậy, tôi đề nghị trong nghị quyết của QH về kinh tế xã hội tới đây, cần có nội dung về tăng cường các biện pháp giữ vững chủ quyền, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế" - ông Đương phát biểu.

DN yêu nước nên đầu tư vào ngư dân

Một vấn đề kiến ĐB nghị trước phiên họp được truyền đi trực tiếp đến cả nước, đó là phải dành 16.000 tỷ đồng, thậm chí nhiều hơn nữa, cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư suốt ngày quần thảo với TQ trên Biển Đông.

{keywords}
ĐB Đỗ Văn Đương: Các ĐB rơi nước mắt nhiều nhưng có lẽ phải thể hiện bằng nghị quyết... Ảnh: Minh Thăng

"Tôi cho rằng, Chính phủ cần yêu cầu các địa phương tổng rà soát các dự án chưa thực sự bức xúc, chưa thực sự cần thiết, những dự án được cho rằng nhu cầu sử dụng dân sự được hình thành trong tương lai để tập trung nguồn lực, tiềm lực cho quốc phòng, an ninh, tăng cường sức mạnh cho quân đội và công an nhân dân".

Ông cũng chất vấn trách nhiệm bộ, ngành địa phương về phát triển công nghiệp phụ trợ, chế biến cho nền kinh tế - yếu tố quan trọng để giảm dần lệ thuộc vào TQ - vốn đã "nợ" lâu. "Các ĐBQH rơi nước mắt nhiều nhưng có lẽ cần phải thể hiện bằng nghị quyết với những chỉ tiêu định lượng cụ thể".

Mở rộng chuyển hướng thị trường xuất nhập khẩu để giảm dần sự lệ thuộc vào TQ, có chính sách thu hút nguồn lực để khai thác tài nguyên biển đảo, hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt công suất lớn, vừa bảo vệ ngư trường, vừa đánh bắt hải sản. 

Ông đề xuất ý tưởng các địa phương cũng nên kêu gọi nhân dân không có việc làm, công nhân không có việc làm đi học nghề đánh bắt hải sản, để cùng đi ra biển, giống như trước đây kêu gọi đi xây dựng kinh tế mới ở miền núi vậy.

Đối với ngân hàng, tăng cường đầu tư cho vay lãi suất thấp hơn, định mức vốn vay phải cao hơn, thời hạn vay phải dài hơn. Việc cho vay này phải trực tiếp đến từng địa chỉ chủ tàu, cấm qua trung gian.

"Các doanh nghiệp hãy bày tỏ lòng yêu nước bằng việc đầu tư kinh doanh, hợp tác làm ăn lâu dài với ngư dân như cung ứng hậu cần, tiêu thụ sản phẩm ngay trên biển,  đóng tàu cổ phần chia lợi nhuận. Chính quyền các địa phương sẽ ưu đãi về vốn, đất đai, thị trường tiêu thụ cho các doanh nghiệp, nhưng nghiêm trị hành vi trục lợi của các tổ chức cá nhân" - ông nói.

ĐB cũng kiến nghị Chính phủ nên có nghị quyết chuyên đề về siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính và kỷ luật thu chi ngân sách, kể cả trung ương và địa phương. Kiên quyết thu hồi các khoản chi sai mục đích, tổ chức kiểm điểm và truy cứu trách nhiệm người mắc sai phạm, dứt khoát làm mạnh mẽ hơn trước. Thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, nghiêm cấm mua xe công, hạn chế tối đa hội nghị, hội họp, lễ hội, giảm thiểu các đoàn ra nước ngoài.

Để làm gương, ĐB Đương hứa ngay tại QH, đến hết nhiệm kỳ, nếu "trời để sống", ông dứt khoát không đi nước ngoài.

L.Thư - H.Nhì - C.Quyên - D.Tiến - H.Duyên - Nguồn clip: VTV