Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký Công điện số 15 về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước.

{keywords}
Hà Nội yêu cầu các quầy hàng phải điều chỉnh giảm số lượng khách trong cùng thời điểm. Ảnh: Đoàn Bổng

Theo đó, TP Hà Nội yêu cầu dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu. 

Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ được hoạt động bao gồm: nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, điện, nước, nhiên liệu, xăng, dầu…).

Theo chỉ đạo, các cửa hàng dịch vụ ăn uống chỉ bán hàng mang về. Đồng thời, thành phố cũng yêu cầu, các quận, huyện giải tỏa dứt điểm các chợ tạm, chợ cóc, điểm kinh doanh tự phát trên địa bàn.

Tuy nhiên, trong chỉ đạo chung, Hà Nội yêu cầu các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, chợ đầu mối trên địa bàn tổ chức sắp xếp, chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày cho nhân dân trên địa bàn.

TP lưu ý việc sắp xếp, bố trí các quầy hàng phù hợp với quy mô, diện tích, điều chỉnh giảm số lượng khách trong cùng thời điểm, đảm bảo thực hiện 5K, hạn chế tối đa việc tiếp xúc gần khi giao dịch; khuyến khích mô hình giao hàng trực tuyến. Bố trí tăng cường cán bộ hướng dẫn nhân dân đến mua sắm hàng hóa đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch theo quy định ngay từ khu vực để xe, lối ra vào và trong cơ sở kinh doanh.

Quản lý số lượng người ra, vào trong chợ

Chủ tịch Hà Nội giao Sở Công Thương chỉ đạo việc vận chuyển, cung cấp hàng hóa về các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh đảm bảo đầy đủ các mặt hàng thiết yếu; chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát việc sắp xếp các quầy hàng thiết yếu trong các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.

Đồng thời, bố trí khu vận chuyển hàng hóa trung gian, đảm bảo giãn cách, hạn chế tiếp xúc trực tiếp; chỉ đạo Ban Quản lý chợ xây dựng phương án cụ thể quản lý số lượng người ra, vào trong chợ cùng một thời điểm; bố trí khu vực vận chuyển hàng hóa trung gian… và các công tác phòng, chống dịch khác.

Sở Công Thương phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra việc cung ứng hàng hóa, đảm bảo nhu cầu thiết yếu của nhân dân; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và yêu cầu đóng cửa các cơ sở kinh doanh không đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.

Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã được giao phối hợp các Sở Công Thương, Y tế, Giao thông vận tải và các đơn vị khác có liên quan đảm bảo hỗ trợ cho các doanh nghiệp lưu thông hàng hóa, nơi tập kết hàng hóa, bán hàng lưu động (nếu có)…phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt “4 tại chỗ” trong công tác phòng chống dịch đảm bảo đầy đủ nhu yếu phẩm cho nhân dân trên địa bàn, đặc biệt tại các khu vực bị cách ly, phong tỏa. Giải tỏa dứt điểm các chợ tạm, chợ cóc, điểm kinh doanh tự phát trên địa bàn.

TP Hà Nội lưu ý, đối với các phương tiện vận tải hàng hóa từ các tỉnh, thành phố khác chỉ giao hàng tại nơi đã đăng ký, thông báo với chính quyền cơ sở, khai báo y tế bắt buộc các địa điểm di chuyển từ điểm lấy hàng, quá trình di chuyển, các trạm dừng chân.

Với lái xe và người trên xe phải có xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR không quá 3 ngày; có cam kết chỉ dừng đỗ và hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp khi giao hàng, tiếp nhiên liệu; khai báo y tế bắt buộc và đảm bảo 5K.

Đồng thời, bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất; không “ngăn sông cấm chợ”; các phương tiện chuyên chở nông sản, nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa được hoạt động nhưng phải tuân thủ các yêu cầu về phòng, chống dịch.

Dự trữ đủ 17 nhóm hàng thiết yếu

Chiều 18/7, tại cuộc họp triển khai phương án bảo đảm hàng hóa thiết yếu, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan khẳng định, Hà Nội bảo đảm dự trữ đầy đủ 17 nhóm hàng thiết yếu, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của người dân khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại. 

Theo đó, lượng hàng hóa chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng khoảng 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố khoảng 21.500 tỷ đồng. 

Cụ thể, ngành Công Thương Hà Nội dự trữ 836.000 tấn gạo, 167.346 tấn thịt lợn, thịt trâu bò 48.150 tấn, 55.782 tấn thịt gia cầm, trên 1 triệu quả trứng gia cầm…

“Căn cứ theo mức độ lây lan của dịch đã xác định tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo cấp độ như sau: cấp độ 1 từ 20 ca nhiễm đến dưới 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên là 313,78 tỷ đồng; cấp độ 2 từ 1.000 - 3.000 trường hợp mắc là 1048,71 tỷ đồng; cấp độ 3 từ trên 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc là 5359,05 tỷ đồng”, bà Lan nêu rõ.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp bán lẻ trong quá trình vận chuyển hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, bà Trần Thị Phương Lan nêu rõ,  Sở Công Thương đã đề xuất UBND TP chấp thuận cho phép 132 xe ô tô, xe stec của 20 doanh nghiệp được hoạt động 24/7 cung ứng hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu nhân dân, bình ổn thị trường và công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ngoài ra, tiếp tục trình TP cho phép thống nhất phương án chấp thuận cho xe các tỉnh, TP và xe của doanh nghiệp lưu thông 24/7 ngày phục vụ vận chuyển hàng hóa phòng chống dịch.

Đồng thời, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an TP Hà Nội tạo điều kiện cho 495 xe ô tô chở hàng hóa, nông sản, nguyên vật liệu tỉnh Bắc Giang (đã bảo đảm các quy định phòng chống dịch về người, phương tiện, hàng hóa) được phép lưu thông trên địa bàn Hà Nội.  

Toàn văn Công điện số 15 của Chủ tịch Hà Nội xem TẠI ĐÂY

Cùng VietNamNet chung tay đẩy lùi dịch Covid-19

Tại nhiều bệnh viện đang thiếu trang thiết bị y tế, đồ bảo hộ trong khi ca nhiễm mới càng tăng lên. Nhiều địa phương giãn cách khiến người nghèo, người bệnh lâm cảnh khó khăn. Để hỗ trợ tuyến đầu chống dịch và các hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, các cá nhân tổ chức có thể tham gia chương trình tiếp sức phòng chống dịch Covid-19, xem chi tiết TẠI ĐÂY

Đổ xô đi mua hàng, siêu thị ở Hà Nội ken đặc người

Đổ xô đi mua hàng, siêu thị ở Hà Nội ken đặc người

Người dân Hà Nội từ chiều tối nay (18/7) ùn ùn đổ về các siêu thị mua sắm nhu yếu phẩm. Quầy thanh toán ken đặc người.

Hà Nội dừng hoạt động kinh doanh không thiết yếu, người dân không ra khỏi nhà

Hà Nội dừng hoạt động kinh doanh không thiết yếu, người dân không ra khỏi nhà

Từ 0h ngày 19/7, TP Hà Nội yêu cầu dừng các hoạt động kinh doanh không thiết yếu; mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết.

Hương Quỳnh