- Một chủ hiệu cầm đồ của thành phố Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đang bị hàng loạt nạn nhân tố cáo về hành vi lừa đảo.

Hợp đồng thế chấp biến thành hợp đồng mua bán

Gửi đơn tố cáo tới VietNamNet về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của ông Bùi Văn Bột (chủ hiệu cầm đồ tại thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên), ông Nguyễn Quang Tuyến cho biết mình đang là nạn nhân của vụ việc.

Theo ông Tuyến, ngày 31/7/2009, em vợ ông là vợ chồng ông Nguyễn Viết Cường – bà Phạm Thị Nga (trú tại tố 21 phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ) do phải thanh toán khoản nợ cho NH Công thương tỉnh Điện Biên đã đến vay ông Bùi Văn Bột – chủ hiệu cầm đồ số tiền 500 triệu đồng.

{keywords}
Ảnh minh họa

Theo yêu cầu của ông Bột là phải có tài sản thế chấp, ông Tuyến đã cho em vợ mượn ngôi nhà của mình tại địa chỉ số 27, tổ 23 phường Mường Thanh, TP Điện Biên.

Điều đáng nói, ngôi nhà nói trên vợ chồng ông Tuyến trước đó đã nhượng lại cho người em ruột là Nguyễn Tất Thành, tuy nhiên chưa sang tên sổ đỏ.

“Theo yêu cầu của ông Bột, tôi phải làm hợp đồng mua bán, công chứng tài sản cho ông Bột với giải thích đây là hợp đồng hình thức để đảm bảo khoản vay. Khi nào ông Cường, bà Nga trả hết tiền gốc và lãi, ông Bột sẽ trả lại giấy tờ nhà đất và hủy hợp đồng mua bán” – ông Tuyến trình bày.

Tuy nhiên sau đó, ông Bột đã sang tên sổ đỏ tài sản thế chấp sang tên mình mà vợ chồng ông Tuyến không hề hay biết.

Về phía vợ chồng ông Cường - bà Nga, sau thời hạn 2 tháng chưa thanh toán hết nợ và lãi, ông Bột đã khởi kiện; đồng thời ông Bột cũng kiện vợ chồng ông Tuyến - bà Oanh (người đang đứng tên sổ đỏ căn hộ là tài sản thế chấp) ra tòa.

Ngày 26/12/2013, TAND TP Điện Biên Phủ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự về việc “tranh chấp HĐ chuyển nhượng quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất” giữa ông Bùi Văn Bột và vợ chồng ông Nguyễn Quang Tuyến do ông Bột rút đơn khởi kiện.

Ngày 21/1/2014, TAND TP Điện Biên Phủ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa nguyên đơn Bùi Văn Bột và vợ chồng bị đơn Nguyễn Viết Cường - Phạm Thị Nga.

Theo nội dung thỏa thuận giữa các đương sự, vợ chồng ông Cường – bà Nga có trách nhiệm thanh toán số tiền cả gốc và lãi là 591.213.750 đồng cho ông Bột, trong đó tiền gốc 550 triệu; tiền lãi hơn 36 triệu đồng.

Cơ quan thi hành án TP Điện Biên Phủ đã tiến hành phát mại tài sản của vợ chồng bà Nga là căn nhà số 73 (tổ 21 phường Him Lam) để thực hiện thi hành án.

Trả nợ 2 lần?

Theo vợ chồng ông Tuyến, việc vay nợ của ông Cường – bà Nga đã được thực hiện, ông Bột phải có trách nhiệm trả lại giấy tờ, sổ đỏ căn nhà số 27 (tổ 23, phường Him Lam) là tài sản dùng để thế chấp do vợ chồng ông cho em mình mượn.

Tuy nhiên, ông Bột tiếp tục khởi kiện ra tòa về việc “đòi lại tài sản” đã mua bán giữa ông và vợ chồng ông Tuyến là căn hộ được dùng làm tài sản thế chấp, được “hợp pháp” bằng hợp đồng mua bán tài sản.

Cho rằng bị ông Bột chiếm đoạt tài sản bằng hình thức yêu cầu làm hợp đồng mua bán tài sản thế chấp khoản vay 500 triệu đồng của em vợ, ông Tuyến đã có đơn tố cáo gửi CQĐT công an TP Điện Biên Phủ, đồng thời yêu cầu TAND TP Điện Biên Phủ dừng việc thụ lý vụ án chuyển sang cơ quan công an.

Ngày 9/11/2015, TAND TP Điện Biên Phủ đã chuyển đơn của ông Tuyến sang CQĐT.

“Ông Bột đã lợi dụng việc thế chấp tài sản để vay nợ, ép em tôi phải làm hợp đồng bán tài sản là ngôi nhà do tôi đang đứng tên. Thế nhưng, khi em tôi đã trả hết nợ thì ông ấy không trả lại nhà như đã hứa mà lại khởi kiện yêu cầu tôi phải trả lại tài sản. Như thế khác gì em tôi phải hai lần trả nợ” - ông Tuyến bức xúc.

Cũng theo ông Tuyến, nếu như đó là hợp đồng mua bán tài sản, căn nhà số 27 của vợ chồng ông có giá trị hơn 1 tỷ đồng, lớn hơn nhiều lần so với khoản vay 500 triệu mà ông Bột cho vay, bắt phải thế chấp ngôi nhà nói trên.

“Giá trị hợp đồng chưa bằng ½ giá trị thật căn nhà. Hợp đồng chuyển nhượng có ghi là tôi phải chịu phí và lệ phí sang nhượng, tuy nhiên, ông Bột đã tự đóng khoản này khi tự ý sang tên cho mình. Tôi yêu cầu tòa án hủy hợp đồng mua bán vì không có giá trị pháp lý” - ông Tuyến nói.

Có dấu hiệu cho vay nặng lãi

Không riêng ông Bùi Quang Tuyến, nhiều gia đình khác cũng đã có đơn tố cáo hành vi cho vay nặng lãi, yêu cầu viết giấy mua bán tài sản thế chấp sau đó chiếm đoạt tài sản thành hợp đồng mua bán với giá rẻ mạt của ông Bùi Văn Bột.

Vợ chồng ông Nguyễn Tiến Đông – bà Vũ Thị Hương (trú tại tổ 16, phường Nam Thanh); bà Lê Thị Hảo (TP Điện Biên Phủ) cũng có đơn tố cáo ông Bột về hành vi tương tự.

Theo đó, vợ chồng ông Đông – bà Hương vay ông Bột số tiền 32 triệu đồng vào tháng 10/2012, thế chấp bằng tài sản là 2 chiếc xe máy, mức lãi 4.000 đồng/triệu/ngày. Ngày 5/11/2012, vợ chồng ông Đông tiếp tục vay 230 triệu đồng từ ông Bột và được yêu cầu thế chấp sổ đỏ ngôi nhà, viết hợp đồng mua bán. Sau đó, ông Bột cũng sang tên ngôi nhà thế chấp sang tên của mình.

“Ông Bột nói, hợp đồng mua bán này chỉ là hợp đồng để hợp thức hóa việc cho vay nặng lãi. Rất nhiều trường hợp ở TP Điện Biên Phủ đã trở thành nạn nhân với cách thức tương tự” – ông Tuyến cho hay.

Vụ tranh chấp tài sản giữa ông Nguyễn Quang Tuyến và ông Bùi Văn Bột sẽ được TAND TP Điện Biên đưa ra xét xử vào ngày mai, 16/12/2015.

Có dấu hiệu cho vay nặng lãi

Theo luật sư Nguyễn Thị Kim Liên (VP Luật sư Nam Hà Nội – Đoàn Luật sư Hà Nội), HĐ chuyển nhượng nhà đất được ký kết theo yêu cầu của ông Bột vào ngày 31/7/2013 là 600 triệu đồng, số tiền này tương đương với khoản vay cả gốc và lãi do ông Cường – bà Nga vay của ông Bột (tiền vay gốc là 500 triệu đồng).

Tính mức lãi suất 3.500 đồng/triệu/ngày tương đương với lãi suất 11%/tháng; 132%/năm.

Trong khi đó, QĐ số 2619/QĐ-NHNN ngày 5/11/2010 của Thống đốc Ngân hàng NNVN quy định mức lãi suất cơ bản bằng VNĐ là 9%/năm. Như vậy, ông Bột đã cho vay lãi suất vượt trần 123%. Trường hợp lãi suất cho vay đối với vợ chồng ông Nguyễn Tiến Đông – bà Vũ Thị Hương lãi suất 4.000/triệu/ngày, vượt lãi suất trần 99%. Ông Bột có dấu hiệu cho vay nặng lãi.

Nguyên An