Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tại Điện Biên, kinh tế tập thể, nòng cốt là các Hợp tác xã (HTX) đã có sự chuyển biến rõ nét.

Cụ thể, kinh tế tập thể góp phần tích cực vào công tác xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm cho các thành viên, người lao động là con em các dân tộc ở địa phương.

{keywords}
Điện Biên chú trọng phát triển kinh tế các vùng dân tộc thiểu số

Đến nay, toàn tỉnh đã có 196 HTX, trên 400 tổ hợp tác, với tổng số gần 17.000 thành viên. Tổng số vốn đăng ký và tổng tài sản của các HTX ước khoảng 430 tỷ đồng; doanh thu bình quân của mỗi HTX khoảng 1,6 tỷ đồng.

So với 15 năm trước thì doanh thu bình quân của một HTX tăng gấp 3 lần; tổng tài sản tăng gấp 25 lần. Các HTX hoạt động ở hầu khắp các lĩnh vực: nông – lâm – ngư nghiệp; công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; xây dựng; thương mại – dịch vụ; vận tải…

Nhiều HTX tích cực tham gia xây dựng, phát triển các công trình phúc lợi công cộng như: đường giao thông nông thôn, kênh mương thuỷ lợi, trạm y tế, nhà trẻ, giải quyết các vấn đề xã hội ở cơ sở...

Ghi nhận kết quả của Điện Biên, Thứ trưởng Lê Sơn Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chia sẻ, là địa phương có tỷ lệ dân tộc thiểu số cao, Điện Biên cần chú trọng phát triển kinh tế tập thể ở các vùng dân tộc, bởi đây sẽ là con đường giúp đồng bào phát huy những mặt mạnh là sản xuất những sản phẩm đặc thù, đặc sản có tính chất cổ truyền, dân tộc, qua đó giúp bà con có thêm điều kiện phát triển kinh tế ổn định và bền vững.

Bài: Duy Khánh - Nhóm PV
Ảnh: Hữu Hải - Nhóm PV