- Vang vọng anh hùng ca và thủ thỉ trữ tình. Có lời và không lời. Những Trường ca Sông Lô, Người Hà Nội... cất lên cùng với Bên kia Sông Đuống phổ thơ Hoàng Cầm...

Mùa thu Việt Nam, mùa gặt hái no ấm, mùa quả chín, mùa hạnh phúc lứa đôi, là mùa in dấu đậm nhất trong đời sống văn hóa của người Việt từ ngàn xưa. Từ Tháng Tám 1945,  mùa thu lại mang đến những cảm hứng hào sảng bất tận của một dân tộc nô lệ đứng lên giành lại nền độc lập cho Tổ Quốc, khởi đầu một thời kỳ biến động lớn lao hào hùng và bi tráng trong đời sống của đất nước.

Cho dù vật đổi sao dời như thế nào thì những giá trị tinh thần cao cả tạo ra trong thời kỳ này không thể phai mờ trong tâm hồn các thế hệ người Việt. Đó là những điều còn mãi. 

{keywords}

Phút thăng hoa của nhạc trưởng Lê Phi Phi và nghệ sĩ Bùi Công Duy tại Điều còn mãi 2013

Thấu hiểu và hòa đồng với nhịp đập của hàng triệu con tim, sáu năm trước đây, vượt ra khỏi chức năng của một báo điện tử, VietNamNet đã tổ chức chương trình âm nhạc Điều còn mãi.

Đó là chương trình âm nhạc trình diễn duy nhất một lần trong năm, vào một thời điểm và địa điểm không thay đổi, là 14h ngày Quốc khánh 2/9, trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình được truyền hình trực tiếp trong cả nước.

Ngay từ buổi đầu, Điều còn mãi đã gây xúc động sâu sắc trong công chúng đông đảo.

Điều còn mãi là một bó hoa đa sắc của nền âm nhạc Việt, nó  đã thoát ra khỏi cái nhìn định kiến biệt lập, để chọn lựa đưa vào chương trình biểu diễn gói gọn trong hai tiếng đồng hồ những sáng tác có giá trị nhân văn và chất lượng nghệ thuật cao, in đậm màu sắc tâm hồn Việt, đánh dấu những mốc son trên con đường trường chinh của dân tộc. 

{keywords}

Điều còn mãi 2013: "Cánh đồng bất tận" - sáng tác của nhạc sỹ Quốc Trung

Điều còn mãi cũng không bỏ sót những tâm tình riêng tư, đầy vơi thương nhớ của cá nhân người nghệ sĩ trong thời đại đó và một số sáng tác nước ngoài khác.

Vang vọng anh hùng ca và thủ thỉ trữ tình. Mượt mà sâu lắng dân ca và sôi nổi cách tân hiện đại. Có lời và không lời. Những Trường ca Sông Lô của Văn Cao, Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người của Trần Kiết Tường, Những ánh sao đêm của Phan Huỳnh Điểu... cất lên cùng với Hướng về Hà Nội của Hoàng Dương, Giọt nắng bên thềm của Thuận Yến, Bên kia Sông Đuống phổ thơ Hoàng Cầm...

Những sáng tác này được thể hiện bởi những nghệ sĩ hàng đầu, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Trung Kiên, Trọng Tấn, Đăng Dương, Phó An My... Họ khác nhau về phong cách, nhưng đều giống nhau ở nhạc cảm tinh tế, nhất là sự rung động sâu sắc với giá trị tinh thần của tác phẩm cộng hưởng với tâm thế của người nghe.

Sự hòa điệu tuyệt vời giữa tác phẩm, người biểu diễn và người nghe trong không gian âm nhạc trang trọng của Nhà hát Lớn Hà Nội, đã tạo nên sức truyền cảm mạnh mẽ của Điều còn mãi, vượt ra khỏi thính phòng, lan tỏa đến mọi miền đất nước qua làn sóng truyền hình.

Điều còn mãi đã khắc họa và ca ngợi vẻ đẹp của đất nước, ca ngợi những giá trị bất tử trong tinh thần người Việt là tình yêu quê hương, đất nước, yêu thương con người, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa cả. Điều còn mãi đánh thức những tình cảm cao thượng, lay động những giá trị sống tiềm ẩn sâu xa trong mỗi người, để họ nhìn sâu vào tâm hồn mình,  kiểm lại những điều còn mất, định lại những giá trị sống có những lúc đã bị khuất lấp trong cái xô bồ của cuộc sống hôm nay.

{keywords}

 Duyên Huyền và Đăng Dương với Trường ca sông Lô tại chương trình Điều còn mãi 2012

Điều còn mãi nhắc nhớ người già về một thời tuổi trẻ hào hùng, coi khinh mọi hiểm nguy, gian khổ, sẵn sàng xả thân vì Tổ Quốc. Nó nói với tuổi trẻ về cái giá của những hạnh phúc hôm nay. Nó khiến ta cảm nhận sâu sắc hơn niềm vui giản dị được sống trên quê hương mình và gợi lại trong tâm tưởng người xa quê hình ảnh mùa thu xứ sở. Điều còn mãi nhắc nhớ đến những người đã mãi mãi  ra đi,  những hoài niệm vui buồn, mất còn, thương nhớ một thời trong đời sống con người.

Điều còn mãi khiến chúng ta cảm nhận rõ hơn rằng mình đang là một phần sống động trong đội ngũ trùng điệp bất tận của dân tộc này, phía trước là bao nhiêu thế hệ đã ra đi và phía sau là những lứa trẻ sắp ra đời. Và chính lúc đó, những người đang sống càng cảm thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, sao cho máu của đồng bào, động đội đổ xuống không uổng phí, sao cho tinh thần Việt Nam được tiếp nối và phát triển trong các thế hệ mai sau.

Với những giá trị tinh thần và nghệ thuật của nó, Điều còn mãi đã tự khẳng định mình là hoạt động có ý nghĩa nhân văn được chờ đợi bậc nhất trong dịp Quốc khánh, nó khiến người ta sẵn lòng bỏ qua một số thiếu sót nhỏ có thể có.

Năm nay, Điều còn mãi sẽ trở lại, được nâng lên thành Hòa nhạc Quốc gia, với Ban chỉ đạo là Bộ Thông tin và Truyền thông.

Hy vọng rằng trong điều kiện mới, Điều còn mãi sẽ phát huy được những giá trị đã có của nó, trở thành một sự kiện âm nhạc lớn, góp phần vun trồng những giá trị mãi mãi trường tồn của dân tộc Việt Nam.

Bùi Đức Lại

Trân trọng cảm ơn Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam-VietinBank (nhà tài trợ Kim cương), Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài gòn - Sabeco (Tài trợ Đồng). Đơn vị hỗ trợ kinh phí tổ chức: Công ty Cổ phần Truyền thông VietNamNet (VIETNAMNET JSC). Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội tài trợ địa điểm Nhà hát Lớn Hà Nội.

Mời bạn xem thêm bài của cùng tác giả:

Đảng lãnh đạo trong chế độ dân chủ nhân dân

Cần một cương lĩnh xây dựng chế độ dân chủ nhân dân

Thể chế hóa chức danh Tổng bí thư

Nhận diện bệnh dân chủ hình thức

'Định vị' đúng vấn đề dân chủ