- Sau lời buộc tội của VKSND tỉnh Bình Phước, luật sư bảo vệ quyền lợi cho Lê Bá Mai đưa ra lập luận khẳng định bị cáo vô tội.

Có sai sót từ đầu…

Trong phần tranh tụng ngày thứ 2 phiên xét xử sơ thẩm vụ “kỳ án vườn mít”, các luật sư đã đưa ra lập luận cho rằng, ngay từ giai đoạn điều tra ban đầu (tháng 11/2004) điều tra viên đã mắc sai sót nghiêm trọng nên dẫn đến vụ án phải kéo dài đến tận hôm nay.

Phía luật sư bào chữa cho rằng, điều tra viên đã ép cung, mớm cung bị cáo là có thật, tại các phiên tòa xét xử trước đây, đại diện Viện KSND cũng đã thừa nhận việc này.

Luật sư: “…cáo buộc bị cáo Mai phạm hai tội là hết sức mong manh”

“Vụ án này vi phạm nghiêm trọng tố tụng, ngay từ ban đầu cơ quan điều tra đã dùng hình thức có đáp số rồi mới đi tìm lời giải cho đáp số đó” – luật sư Bùi Quang Nghiêm khẳng định.

Lý giải điều này, ông Nghiêm cho rằng, trong vụ “kỳ án vườn mít” ngay từ giai đoạn ban đầu, hai điều tra viên có nghiệp vụ quá yếu kém, thiếu khách quan, thiếu tập trung…

Do bị ép cung, Lê Bá Mai buộc phải thừa nhận hiếp dâm và giết nạn nhân Thị Út trong khu vực vườn mít, từ đó cơ quan điều tra mới đi thu thập chứng cứ nhưng công tác này còn sơ sài.

“Vụ án chỉ được điều tra theo 1 hướng, đó là cố buộc tội Lê Bá Mai” – luật sư Nghiêm nêu quan điềm.

Trước ý kiến này, đại diện VKS hứa sẽ xem lại: “Luật sư cho rằng kiểm sát viên tham gia tố tụng trước đây từng thừa nhận trong vụ án có mớm cung, ép cung. Vấn đề này tôi sẽ kiểm tra lại vì còn băng ghi hình, ghi âm tại các phiên xét xử trước…”.

Tư thù cá nhân?

Tranh tụng tại tòa, luật sư Bùi Quang Nghiêm trình bày, trước khi xảy ra vụ án, ông Điểu Ky (cha ruột của nhân chứng Thị Hằng) có mâu thuẫn, tranh chấp đất đai với gia đình ông Dương Bá Tuân (chủ trang trại thuê Lê Bá Mai).

Ngoài ra, công an viên Trần Văn Sinh cũng có mâu thuẫn với ông Tuân, bằng chứng là ông Sinh từng bị kỷ luật về việc này.

Ngày mai (5/1) nụ cười hay những giọt nước mắt sẽ đến với Lê Bá Mai ?
 

Luật sư Nghiêm cho rằng từ mâu thuẫn cá nhân mà nhân chứng Thị Hằng và các nhân chứng gián tiếp nghe Hằng kể lại đã cố gán tội cho Lê Bá Mai. Đó là chưa kể việc công an viên Trần Văn Sinh đã thiếu khách quan trong việc ghi lời khai của nhân chứng Hằng.

Lời khai, nhận định của ông Sinh lúc đầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến điều tra viên, đến quá trình điều tra vụ án.

Trình bày tại phiên tòa, ông Dương Bá Tuân – chủ trang trại khẳng định: “Ông Điểu Ky, ông Sinh và gia đình Út kết hợp với nhau để hãm hại tôi, hãm hại cháu Mai là người làm công cho trang trại…”.

Bảo vệ quan điểm buộc tội bị cáo, đại diện cơ quan công tố cho rằng, giữa công an viên Trần Văn Sinh và ông Tuân có mâu thuẫn với nhau, nhưng do mâu thuẫn này ông Sinh không dám ghi vào biên bản ban đầu rằng, người chở nạn nhân Thị Út là Lê Bá Mai, chỉ ghi là 1 người thanh niên.

Ngoài ra, việc đo vẽ hiện trường vụ án, thu thập chứng cứ còn sơ sót là do trình độ cơ quan điều tra, hoàn toàn không có “đạo diễn” và không làm thay đổi bản chất vụ án.

Về mấu chốt vụ án là vật chứng, công tác khám nghiệm hiện trường vốn được thực hiện một cách sơ sài, có dấu hiệu vi phạm mà ở các phiên tòa trước đại viện công tố cũng đã thừa nhận, các luật sư khẳng định, không thể dựa vào đó mà buộc tội Lê Bá Mai.

Ngoài ra, nhân chứng duy nhất là Thị Hằng cũng có nhiều điều…mờ ảo.

Hai luật sư cho rằng, lúc xảy ra vụ án, nhân chứng Thị Hằng mới 9 tuổi, còn hạn chế về nhận thức, nhận biết hiện trường xung quanh, đặc biệt nơi Lê Bá Mai chở Thị Út đi cách vị trí Hằng đứng khá xa.

“Tôi cho rằng lời luận tội của Viện KSND đối với bị cáo Mai, cho rằng Mai phạm hai tội là hết sức mong manh. Đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội, với lý do chứng cứ, lập luận của Viện KSND không thuyết phục, không đủ cơ sở để buộc tội bị cáo” – luật sư Trịnh Thanh nhận định.

Tuy nhiên, bảo lưu quan điểm, đại diện Viện KSND khẳng định, hiện trường phù hợp với lời khai của bị cáo Lê Bá Mai, đó chính là chứng cứ buộc tội.

Được nói lời sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án, Lê Bá Mai nói: “Bị cáo bác toàn bộ cáo buộc của VKSND tỉnh Bình Phước, bị cáo đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội”.

Ngày mai (5/1) tòa tuyên án. Số phận của Lê Bá Mai sẽ được phán quyết.

Đàm Đệ