- Thời gian gần đây, người dân tại địa bàn xã Sơ Pai, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai đổ xô lên rừng tìm lu về bán. Những chiếc lu ngộ nghĩnh, lạ lẫm, chứa nhiều bí ẩn đang là mốt được dân chơi đồ gỗ săn lùng…

1001 cách nói về lu

Đến nay, vẫn chưa có người lý giải được nguồn gốc xuất xứ của lu rừng, chỉ biết nó sùi ra từ thân cây gỗ bị bệnh.

Nói vui như anh Nam ở thôn 4, xã Sơ Pai thì “Con người bị bệnh bác sĩ gọi là u này, u kia. Cây cối bị bệnh mà sùi ra những hình thù ngộ nghĩnh, lạ mắt thì dân làm rừng gọi là lu”.

Anh Thủy ở thôn 8 thì cho rằng: “Nhiều cây rừng có một số bộ phận bị đá tảng, đá hòn chặn ngang khiến chỗ bị chặn không thể phát triển bình thường vì thiếu không gian, lâu dần chỗ ấy phình ra và ôm vào tảng đá phía trước, tạo nên những hình thù ngộ nghĩnh.

Chiếc lu ngậm ngọc trị giá trên 30 triệu của gia đình anh Hậu ở thôn 1
 

Cũng có thể cây gỗ không may bị một vết thương lớn, vết thương này không lành lại được nhưng vẫn tiếp tục nhận chất dinh dưỡng từ cây, theo thời gian vết sẹo lớn dần và tạo ra những hình thù ngộ nghĩnh, bắt mắt…”

Nhiều người chơi lu chỉ vì hiếu kỳ trước và thích sưu tầm “hàng độc”, nhưng cũng không ít người chơi lu với niềm tin sắt đá: Chơi lu để được may mắn, phát tài phát lộc…Người ta tin rằng, những chiếc lu có hình đầu lâu, hình mặt quỷ sẽ có tác dụng xua đuổi tà ma, đem lại bình an cho gia đình, con cháu được mạnh khỏe…

Với những chiếc lu thuộc bộ tứ linh hoặc mười hai con giáp, dân chơi đồ gỗ tin rằng, nếu có chiếc lu mang hình con vật đại diện cho năm mới thì cả năm gia đình sẽ được may mắn.

Chưa hết, dân chơi còn rỉ tai nhau về nguồn gốc mang khuynh hướng liêu trai của những chiếc lu hình tượng phật.

Họ tin rằng ngày xưa có phật ông, phật bà tu luyện những mấy ngàn năm dưới gốc cây nên mới xuất hiện những chiếc lu như vậy. Xét về góc độ tâm linh, gia đình nào may mắn có được chiếc lu hình phật trong nhà sẽ được tai qua nạn khỏi, cầu được ước thấy…

Đặc biệt, với chiếc lu độc nhất vô nhị, giang “tay” ôm gọn nhiều cục đá vào lòng, thì được dân chơi lu xướng cho cái tên mỹ miều: Lu ngậm ngọc. Gia đình nào may mắn sở hữu được chiếc lu này sẽ được thần tài thường xuyên gõ cửa…

Đi tìm lu như đi hội

Một ngày cuối tháng 3/2010, anh Thủy đi rừng vô tình cắt được chiếc lu bằng gỗ trắc mang về trưng trong nhà.

Đại gia Trung Con ở thôn 2 thấy chiếc lu ngộ nghĩnh, bắt mắt nên quyết định mua lại với giá 3 triệu đồng.

Sau đó ông Trung bán lại với giá 13 triệu. Phong trào chơi lu ở Gia Lai hình thành từ đó.

Mỗi ngày trên địa bàn xã Sơ Pai có hàng chục đội săn lu. Một đội có từ hai đến bốn người. Họ đi bằng xe máy, đến cửa rừng thì giấu xe rồi xách “đồ nghề” gồm: cuốc, xẻng, dao, kích, cưa xăng, rìu, dây chạc, dât chun và cả đèn pin đi tìm.

“Phải nói ngay rằng việc khai thác lu không phạm pháp vì người ta chỉ lấy những phần bệnh tật của cây, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây rừng. Hơn nữa, người dân chỉ đi tìm lu vào thời điểm nông nhàn nên chính quyền không can thiệp…” - anh Thủy quả quyết.

Anh Hưởng ở thôn 8 thao thao kể về hành trình vất vả từ khi tách một chiếc lu ra khỏi thân gỗ đến khi vận chuyển lu ra đến bìa rừng: “Khi gặp những lu có trọng lượng trên dưới 100 kg nhưng nằm ở thế kẹt, đầu tiên phải tìm thế rồi khoanh vùng xem những phần nào cần cắt. Nếu cưa xăng không tiếp cận được thì phải dùng rìu chặt, dùng kích để bẩy.

Sau khi tách được lu ra khỏi thân cây thì chặt bỏ những phần không có giá trị sử dụng, sau đó cột lại, xóc đòn vào và thay nhau khiêng. Phải có một người đi trước phát quang cho những người khiêng dễ đi, đường rừng hiểm trở, nhấp nhô nên cứ đi được vài chục mét lại phải nghỉ.

Ra đến bìa rừng thì đặt lu lên xe máy, với những lu to vài trăm cân thì phải chở bằng xe độ…”.

Lu hình Rùa trong gia đình đại gia Trung Tuyến ở thôn 2
 

Khi mới lấy ở rừng về lu còn rất hoang sơ, người chơi phải thực hiện nhiều công đoạn như cắt, gọt, chà nhẵn, đánh bóng, phun vecni…mới có giá trị trưng bày.

Nhiều gia đình dù kinh tế không thật khá nhưng khi chiếc lu của họ được dân chơi phát giá 30 triệu, 50 triệu, thậm chí là 120 triệu cũng nhất quyết không bán.

Họ quan niệm, tiền xài bao nhiêu cũng hết trong khi thứ đồ gỗ đặc biệt này không phải lúc nào cũng dồi dào. Hơn nữa, rất có thể họ đang sở hữu những chiếc lu độc nhất vô nhị!

Thường thì các đại gia đặt lu ở phòng khách hoặc những nơi sang trọng nhất trong nhà. Sự ngộ nghĩnh, khác biệt của lu rừng cộng hưởng với sự tinh tế, bắt mắt của bàn ghế gốc, lục bình, tượng phật, thần tài, đồ thờ cúng bằng gỗ sẽ tạo nên một không gian trang hoàng, bề thế cho gia chủ…

Nguyễn Văn Hải