- Lúa đang trổ bông thì bị nhiễm mặn khiến hạt lép hoàn toàn. Giờ chỉ còn cắt đem cho vịt ăn.

Ngồi phơi đống lúa lép cho vịt giữa trời nắng gắt, ông Đặng Văn Nhữ (59 tuổi, ngụ xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) buồn vô hạn.

Cả tháng nay, hai vợ chồng ông bỏ ăn bỏ ngủ vì lúa chết hết, tiền phân bón nợ lên đến hơn chục triệu đồng. Lúa chết chẳng còn trông vào đâu để trả nợ.

Chỉ tay ra cánh đồng lúa bị chết do hạn, mặn sau nhà, ông Nhữ nói chưa bao giờ người dân ở đây chịu cảnh hạn, mặn khắc nghiệt như năm nay.

{keywords}

{keywords}
Lúa chết cả loạt vì ngập mặn ở Bến Tre

“Chính quyền làm sao giúp sớm có nước ngọt để còn xạ lúa và có nước để sinh hoạt, chứ dân ở đây “túng” nước lắm rồi đó. Khổ lắm rồi mấy chú ơi. Ngoài đồng thì lúa chết cháy đen, trong nhà kiếm cốc nước ngọt uống cũng không ra”.

Lão nông xót xa hàng triệu đồng bỏ vào mua lúa giống, phân bón, thuốc trừ sâu…, nhưng giờ không thu hoạch được bất cứ thứ gì.

“Lúa đang trổ bông thì bị nhiễm mặn khiến hạt lép hoàn toàn. Giờ cắt đem vô cho mấy con vịt nó ăn”.

Tình cảnh của ông Nhữ cũng giống như nhiều hộ khác trồng lúa ở Bến Tre. Không khí buồn tẻ, ảm đạm như vây bủa khắp các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Nhiều nhà cửa đóng then cài, ngoài đồng lúa, cây ăn trái chết khô vì hạn, mặn.

{keywords}

{keywords}

{keywords}

{keywords}
Đồng ruộng của tỉnh bị cạn khô mấy tháng nay.

Vỡ nợ

Theo các hộ dân ở 3 huyện, vụ Đông Xuân những năm trước đây thường cho năng suất cao, trung bình đạt 6,5 - 7 tấn/ha nên các gia đình đều hăng hái làm. Đợt hạn, mặn kỷ lục năm nay khiến diện tích lúa thiệt hại rất lớn, nhiều gia đình vỡ nợ vì tiền thuê đất, chi phí sản xuất, phân bón.

Đứng chờ chực con nước lớn để bơm lên cứu lúa suốt mấy ngày nay, bà Nguyễn Thị Liệp (65 tuổi, ngụ xã Phú Thuận, huyện Bình Đại) than vãn toàn bộ diện tích vụ lúa của gia đình đến nay gần như bỏ trắng. 7 công đất thuê để làm lúa do nước mặn lên sớm không trổ bông nổi.

"Suốt mấy ngày nay, tôi chờ con nước lên là bơm vào ruộng, vớt vát được phần nào hay phần ấy, nhưng cũng bơm nước mặn thôi nên không hi vọng nhiều”, bà Liệp chua chát nói.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Liệp thẫn thờ trên 7 công lúa bị nhiễm mặn, đang dần chết khô.
{keywords}
Bà Liệp cố mua xăng về bơm nước vào cứu lúa, nhưng nước bà bơm vào đã bị nhiễm mặn nên hoàn toàn không có hi vọng.

Ông Trương Văn Mỹ ở huyện Ba Tri có tình cảnh thê thảm không kém. Cả gia sản chỉ trông vào 2 công ruộng để kiếm ăn và lo cho 4 cái “tàu há mồm” ăn học, vậy mà lúa chết không còn một bụi.

“Lỗ gần 5 triệu đồng, nợ nần chồng chất nên thằng nhỏ xin nghỉ học. Nếu hạn, mặn kéo dài thì thằng nhỏ cũng nghỉ học thôi”, ông thở dài.

Ở xóm nhà ông Mỹ, nhiều thanh niên mùa màng thất bát đã kéo nhau lên Sài Gòn, hay đi Bình Dương làm thuê, kiếm tiền lo cho gia đình. Có nhà đi cả gia đình.

“Dọc đường nhìn hai bên thấy nhà nào cửa đóng then cài là cả gia đình bỏ xứ đi làm thuê rồi đó. Người dân ở đây chủ yếu trồng lúa, mà giờ mặn không trồng được thì phải đi xứ khác làm thuê thôi", ông Mỹ nói giọng thở hắt.

{keywords}
Lúa nhà ông Đặng Văn Nhữ làm hoàn toàn không có một hạt chắc, hạt lép 100%.

Cầm cố sổ đỏ

Men theo con kinh từ ấp 4 sang ấp 5 của xã An Hiệp (huyện Ba Tri), ghé thăm hỏi nhiều nhà dân, ai ai cũng nói: “Đói, khát trên vựa lúa mấy chú ơi”.

Nhà bà Hai (ấp 5) có gần 10 miệng ăn trông chờ chủ yếu vào hơn 4,5 công lúa nhưng giờ đổ nợ vì làm ruộng. Vụ này bà bỏ hơn 10 triệu đồng để gieo sạ lúa. Ban đầu lúa phát triển bình thường, bụi cao khỏe, nhưng tới lúc làm đòng thì “dựng cờ trắng”, lép hạt hoàn toàn và chết khô dần.

{keywords}
Đi trên mảnh ruộng khô cằn, nứt toác khiến lúa chết hết, ông Trương Văn Mỹ chỉ biết thở dài.
{keywords}
Ông Mỹ nói: “Người dân ở đây chủ yếu trồng lúa, mà giờ mặn không trồng được thì họ phải đi xứ khác làm thuê thôi…

“Dòng họ nhà tui làm ruộng mấy chục năm nay chưa từng thấy năm nào thời tiết khắc nghiệt như bây giờ. Mấy tháng trời không một giọt mưa, nước mặn thì vô sâu trong ruộng, lúa chết bạt ngàn cả cánh đồng.

Đau nhất là miếng ăn tới miệng rồi mà còn mất. Bao nhiêu công sức, tiền của đổ vào đám ruộng, thu lại là đóng lúa cháy khô, vậy sao cam lòng được hả mấy chú”, bà Hai gạt nước mắt nói.

Bước vào nhà bà Huỳnh Thị Phượng, gia chủ xòe tay giơ ra một nhúm gạo được xay từ lúa nhiễm mặn để dùng.

Bà kể, mấy năm trước làm lúa xong là để dành bao, xay gạo. Mùa này không có một bao, phải đi mua gạo ăn hàng ngày. Đợt hạn hán này ai cũng lâm nợ, nhiều nhà đã mang sổ đỏ đi cầm để lấy tiền trả nợ.

“Thằng con tôi năm nay học lớp 11, tối qua nó nói, mẹ cho con nghỉ học đi theo mấy anh lên Sài Gòn làm kiếm tiền phụ giúp mẹ. Nghe nó nói mà tôi rớt nước mắt, cả đời cha mẹ đã dốt nát nên nuôi con ăn học tới đó mà nghỉ vì hạn, mặn thì tức lắm”, bà Phượng buồn nói.

Một đại đại lý phân bón, thuốc trừ sâu lớn ở huyện Ba Tri cho biết, có gần 500 người trong các xã chưa trả xong nợ với tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Tình hình này cũng kéo theo nhiều đại lý vừa và nhỏ có thể bị phá sản vì không thu được nợ.

Bán tháo, đổ đồng bò vì lúa chết

Vụ Đông Xuân này, Bến Tre xuống giống 14.759ha, đến nay đã thiệt hại hơn 13.845ha do hạn, mặn. Đặc biệt, tỉnh có lượng đàn bò lớn nhất vùng ĐBSCL với khoảng 200.000 con, vì vậy lúa chết dẫn đến không có rơm cho bò ăn.

“Rơm giờ còn quý hơn vàng. Gia đình tôi phải mua rơm cuộn từ nơi khác về với 26.000 đồng/cuộn (12kg), trung bình 2kg rơm bằng 1kg lúa đó. Mà bò có giá tôi cũng chịu bỏ tiền mua rơm cho nó ăn, nhưng giờ lúa chết, không có rơm, cỏ cho nó ăn nên ai cũng ùn ùn bán tháo, bán đổ. Trước bò cái tơ 20 triệu đồng/con, giờ 10 triệu cũng không ai mua”, ông Phan Văn Nho (huyện Bình Đại) cho biết.

{keywords}
Giá 2kg rơm cho bò ăn hiện ở Bến Tre bằng 1kg lúa.
{keywords}
Do thiếu rơm để ăn nên đàn bò của ông Nho ốm nhom.

Cố thuê nhân công cắt đám lúa bị nhiễm mặn ngoài đồng để lấy rơm cho 6 con bò ăn, nhưng ông Nhữ nói: “Thua rồi! Rơm cũng mặn chát nên bò cũng chê. Sáng nay, tôi vừa thuê xe chạy gần 20km ra chỗ người ta chuyển rơm ở Đồng Tháp về, mà giá đắt như vàng vậy đó. Mua về phải đem vô nhà sau cất chứ để khơi khơi trước sân thế nào tối cũng trộm lấy hết”.

Bà Liệp thì cho hay, cách duy nhất để cứu đàn bò là trộn nước ngọt và nước mặn.

“Nhà tôi vay gần trăm triệu đồng để mua bò về nuôi, giờ mà bán thì lỗ nặng. Cho chúng ăn uống cầm chừng chờ qua đại hạn này rồi tính tiếp. Mà mấy bữa nay bò của tôi ốm nhom rồi, không biết sống nổi không nữa”, bà cho biết.

Hoài Thanh - Đinh Tuấn

Kỳ tới: Vựa lúa khốn khó: Tiệc cưới đìu hiu không ai đến dự