- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UB TƯ MTTQ VN Vũ Trọng Kim trao đổi thẳng thắn với báo chí bên lề Đại hội Đảng 12 sáng nay về công tác chuẩn bị nhân sự cho khóa 12 của Ban chấp hành TƯ khóa 11, đặc biệt là 4 vị trí chủ chốt.

Ông cho biết:

Ban chấp hành TƯ đã chuẩn bị kỹ vấn đề nhân sự trong 3 hội nghị TƯ: 12, 13 và 14. Đặc biệt, hội nghị TƯ 14 chuẩn bị nhân sự cho 4 vị trí chủ chốt mà dư luận quan tâm.

Trong Bộ Chính trị đã thảo luận rất kỹ, từng trường hợp một. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được Bộ Chính trị giới thiệu 100%, tức mỗi người giới thiệu cho ông đều có sự tín nhiệm hoàn toàn.

Một số vị khác được giới thiệu nhưng đã tự nguyện xin không làm ứng cử viên để dồn sự tín nhiệm cho đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phát biểu tại hội nghị TƯ 14, tôi rất hoan nghênh đồng chí Nguyễn Tấn Dũng và các đồng chí khác trong Bộ Chính trị đã tự nguyện xin không làm ứng cử viên để dồn sự tín nhiệm cho đồng chí Nguyễn Phú Trọng.

Đó là trách nhiệm rất cao, sự thống nhất và đặc biệt là sự chia sẻ trách nhiệm lớn lao với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành TƯ và toàn Đảng trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn cần các đồng chí lãnh đạo cấp cao phải gương mẫu.

Như vậy, nội bộ Bộ Chính trị rất ổn. Đó là sự công khai của Bộ Chính trị ra cho Ban chấp hành TƯ.

{keywords}
Ông Vũ Trọng Kim trao đổi với báo chí bên lề Đại hội Đảng.

Giới thiệu cho vị trí Tổng bí thư, ngoài đồng chí Nguyễn Phú Trọng còn 4 đồng chí nữa, trong đó có đồng chí Tô Huy Rứa, thì đã phải 3 lần bỏ phiếu. Như thế dân chủ quá rồi.

Lần thứ nhất là chọn phương án nào, giữ lại một ví trị là Tổng bí thư, hay giữ lại hai vị trí là Tổng bí thư và Chủ tịch nước, hay giữ lại ba vị trí là Tổng bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ. Hội nghị thảo luận và TƯ đã biểu quyết chọn phương án một.

Lần thứ hai là giới thiệu, đề cử các đồng chí vào các chức danh, đưa ra để Hội nghị TƯ cho ý kiến đồng chí nào nên ở lại. Lần này, tất cả các đồng chí đó đồng ý xin không ở lại.

Lần thứ ba là biểu quyết riêng đối với đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Lần này đa số ý kiến TƯ đồng ý giữ lại đồng chí để giới thiệu ra Đại hội 12 xem xét.

Về nhân sự chủ chốt làm như thế là quá kỹ. Không còn ý kiến khác nữa, không còn cách nào để thể hiện thái độ của TƯ nữa. Dân chủ rất cao.

Tôi tham gia 14 lần kiểm phiếu chỉ cho một vấn đề là chuẩn bị cho 4 chức danh đó.

Trước hết phải thống nhất quy trình, phương án, sau đó đi vào nhân sự, đề cử rồi bớt ra, đống ý bớt ra rồi đưa vào chủ chốt. Các đồng chí đưa vào quy hoạch vị trí chủ chốt đều được tín nhiệm cao, các vị trí Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội đều cao.

Tôi nghĩ, Ban chấp hành TƯ là cơ quan lãnh đạo giữa hai kỳ Đại hội đã làm hết trách nhiệm của mình, làm tròn trách nhiệm đối với Đại hội về vấn đề chuẩn bị nhân sự cho Đại hội.

Phát biểu bế mạc (hội nghị TƯ 14), đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nói: Chúng ta đã có một sự tín nhiệm rất tập trung, hội nghị rất thành công. Đó là một thông điệp rất tốt gửi đến toàn dân, toàn quân, toàn xã hội về vấn đề chuẩn bị nhân sự.

Tôi rất tin tưởng các đại biểu của Đại hội, ủng hộ sự chuẩn bị kỹ đó. Vì đó là những người ưu tú trong các tổ chức Đảng, với sinh hoạt trong Đảng đề cao nguyên tắc số một, bất di bất dịch, là nguyên tắc tập trung dân chủ.

Khi đã dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, bằng lá phiếu của mình đã quyết định, thì sự thống nhất và đoàn kết trong Đảng rất cao. Bên ngoài người ta có nói thế này thế kia là luận điệu của kẻ xấu hoặc của những người thiếu thông tin chính thống...

Ông nói các hội nghị TƯ đã đạt được sự thống nhất, dân chủ rất cao. Ông có thể tiết lộ số phiếu đề cử của Tổng bí thư không?

Tôi không nhớ thật chính xác, nhưng số phiếu cao.

Khi muốn rút là không sẵn sàng

Ông có nghĩ đến phương án tại Đại hội, một đại biểu ngoài TƯ giới thiệu lại 4 đồng chí đã xin rút?

Tôi nghĩ có thể không mà cũng có thể có. Đại biểu có thể giới thiệu hoặc không, đó là ý chí, nguyện vọng, quyền của đại biểu. Nếu có người giới thiệu 4 đồng chí đó ra thì Đại hội sẽ quyết định cuối cùng, theo số đông, lấy đa số, có thể biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín.

Quy chế bầu cửa của Đại hội đã được thông qua. Nhưng ý kiến cá nhân của các đồng chí đó rất quan trọng (các đồng chí đã chủ động xin rút và được tổ chức đồng ý cho rút).

Nghĩa là anh không sẵn sàng tham gia khóa mới, và tổ chức thấy hợp lý, cần thiết thì đa số đại biểu Đại hội sẽ nhất trí cho rút thôi.

Ngoài Ban chấp hành TƯ, các Đảng bộ trực thuộc có thể tự do đề cử. Nhưng cuối cùng, số dư không vượt quá 30% vì Đại hội đã quyết định như thế.

Các cương vị chủ chốt bầu có số dư không, thưa ông?

Hội nghị thứ nhất của Ban chấp hành TƯ khóa mới sẽ bầu Bộ Chính trị, Tổng bí thư.

Hiện TƯ giới thiệu 4 vị trí chủ chốt là 4 người nhưng Đại hội hiện tại chỉ quan tâm là vị trí người đứng đầu Đảng. Các chức danh khác của nhiệm kỳ hiện nay ổn định cho tới tháng 7, khi có kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới, bầu các chức danh của Nhà nước nhiệm kỳ mới.

Đại hội chỉ bầu Tổng bí thư. Các chức danh kia là thủ tục của Nhà nước.

Trúng cử phải có số phiếu cao

Trong trường hợp nhân sự được bỏ phiếu mà không quá bán thì sao?

Có những người trên quá bán mà vẫn không vào được TƯ, vì lấy từ số 1 đến số 180 ủy viên chính thức. Lấy đủ, nếu quá bán mà sau 180 thì cũng không được. Bầu cử phải tuân theo luật như thế.

Đại hội có hơn 1.500 đại biểu, chỉ có 200 ủy viên Trung ương, nếu vẫn xảy ra tình huống bầu không quá bán thì phải có phương án?

Quyền lãnh đạo Đại hội là của Đoàn Chủ tịch nên câu hỏi đó thì Đoàn Chủ tịch sẽ trả lời. Xử lý tình huống đó của Đoàn Chủ tịch nhất định sẽ hỏi ý kiến toàn bộ Đại hội trong các trường hợp nhân sự cụ thể, tình huống thế nào thì không thể nói trước.

Hôm nay, các đại biểu có thể giới thiệu thêm những người mà họ cho là ưu tú vào Ban chấp hành TƯ khóa mới. Những người được giới thiệu sau có được đảm bảo công bằng như những người được TƯ giới thiệu?

Không có sự phân biệt người giới thiệu sau với trước, hoàn toàn phải như nhau. Đại biểu có quyền lựa chọn nhưng cuối cùng người trúng cử là người có số phiếu cao hơn.

Liệu tại Đại hội, các đại biểu sẽ giới thiệu nhiều nhân sự hơn sự giới thiệu của Ban chấp hành TƯ?

Dân chủ thẳng thắn, các đại biểu đều có quyền giới thiệu. Tôi cũng vừa mới thực hiện công việc đó tại đoàn, anh em vẫn giới thiệu. Nhưng giới thiệu ra thì có lẽ các cá nhân đó sẽ xin rút, cũng có thể là còn lại trong danh sách. Số dư danh sách là không quá 30 % so với số lượng được bầu.

Chung Hoàng - Xuân Linh