Chỉ còn gần 2 tuần nữa đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, người lao động bắt đầu kế hoạch trở về quê nghỉ Tết.

Lo ngại vùng dịch, nhiều địa phương vận động, viết thư ngỏ kêu gọi người dân không về quê nếu không cần thiết, hay yêu cầu cách ly tại nhà như một số địa bàn ở Thanh Hoá, Vĩnh Phúc, Sơn La, Quảng Nam, Yên Bái, Hưng Yên…

{keywords}
Người dân trở lại Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch. Ảnh: Đình Hiếu

Việc "mỗi nơi một kiểu" đang gây khó khăn cho người dân, đặc biệt là những người lao động xa quê chỉ mong trở về bên gia đình vào mỗi dịp Tết đến Xuân về. 

Với người dân đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, nhiều người đều cảm thấy khó hiểu với những quy định mà quê mình đưa ra.

Quê ở TP Thanh Hóa - nơi có thư ngỏ kêu gọi người dân tạm thời không trở về quê nếu không thực sự cần thiết, chị Trần Thị Thanh (trú tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy - hiện đang là khu vực cấp độ 3) cho biết, do dịch bệnh nên cả năm qua gia đình chị không thể về quê thăm bố mẹ được; chính vì vậy không có lý do gì mà Tết lại không về.

“Những người ở nước ngoài về đã xét nghiệm âm tính, tiêm đủ mũi vắc xin cũng chỉ cách ly 3 ngày, vậy mà người dân trong nước đã tiêm đủ mũi, xét nghiệm âm tính lại phải cách ly tại nhà 7 ngày. Như vậy là không nhất quán”, chị Thanh nói.

Theo chị Thanh, tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, điều địa phương cần làm là yêu cầu người dân về quê thực hiện nghiêm 5K, chứ không phải kỳ thị.

Chị cũng cho rằng, Chính phủ nên có chỉ đạo thống nhất với mọi tỉnh, thành điều kiện về quê ăn Tết.

Anh Nguyễn Văn Bình (trú tại quận Nam Từ Liêm), quê tại Hưng Yên nói: “Không thể hiểu tại sao các địa phương lại ra quy định như vậy?”

Theo anh, Chính phủ đã ra Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch Covid-19 trong đó nới lỏng tất cả các hoạt động kể cả đi lại, kiểm soát rủi ro. Vì vậy địa phương không thể “ngăn sông cấm chợ” được, việc vận động hay ra quy định là làm khó người dân về quê dịp Tết.

Chỉ cách ly, xét nghiệm với trường hợp Bộ Y tế đã quy định

Liên quan vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, việc cách ly, xét nghiệm đối với người từ địa phương khác về thì Bộ Y tế đã có quy định cụ thể. 

Theo đó, không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân, chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ như sốt, ho, khó thở… hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

“Tại Hà Nội không có địa bàn nào ở cấp độ 4. Hà Nội đi lại giữa các vùng bình thường, sao các nơi lại lo lắng, kỳ thị?”, ông Trần Đắc Phu nêu ý kiến.

Ông cho biết, ngay với Hà Nội, dù có số ca nhiễm cao, nhưng cũng là nơi có tỷ lệ bao phủ vắc xin cao, tỷ lệ ca mắc chủ yếu nhẹ. Vì vậy, các địa phương tuyệt đối không nên lo lắng, kỳ thị… và cần tạo điều kiện cho người dân, lao động ở các thành phố lớn về quê ăn Tết.

Song, ông cũng lưu ý, trong thời gian về quê ăn Tết, người dân không nên lơ là các biện pháp phòng bệnh, phải thực hiện tốt 5K mọi chỗ, mọi nơi, xem bản thân mình có an toàn để về quê hay không, được đi lại hay không, lựa chọn phương tiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Ngoài ra, hạn chế tiếp xúc với đám đông, đi nhiều nơi không cần thiết, không tổ chức các hoạt động đông người không cần thiết, không tổ chức ăn uống linh đình, hạn chế thăm nom, tụ tập…

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết thêm, Hà Nội vẫn đang kiểm soát được dịch. Số ca nhiễm có tăng nhưng chủ yếu ca nhẹ, ca nặng và tử vong thấp. Kịch bản Hà Nội đang triển khai là hợp lý. 

Tuy vậy, dịch còn diễn biến phức tạp, khó lường, người dân không được lơ là, chủ quan vì Hà Nội là địa bàn nguy cơ cao; cần chú ý phòng dịch trước, trong và sau Tết, tránh tụ tập đông người, thực hiện tốt 5K…

Hương Quỳnh

Cần chỉ đạo thống nhất từ Chính phủ sau vụ khóa cổng cách ly dân về quê ăn Tết

Cần chỉ đạo thống nhất từ Chính phủ sau vụ khóa cổng cách ly dân về quê ăn Tết

Tin từ một lãnh đạo Chính phủ cho biết, Chính phủ sẽ sớm có công điện gửi các địa phương chỉ đạo về việc này.