Sáng 23/9, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về vai trò và hiệu quả của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Tại hội nghị, Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) Dương Quyết Thắng cho biết, vốn tín dụng chính sách xã hội đã đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc.

Cũng theo ông Thắng, giai đoạn 2016 đến 31/8/2019, đã có gần 8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, với doanh số đạt trên 221.600 tỷ đồng. Từ đó, góp phần giúp trên 1,4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 775.000 lao động; gần 200.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 4,9 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; trên 108.000 căn nhà ở cho hộ nghèo.

Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao (chương trình hộ nghèo, học sinh - sinh viên và giải quyết việc làm), đến nay tín dụng CSXH đã và đang triển khai thực hiện hơn 20 chương trình và một số chương trình, dự án do các địa phương, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủy thác cho NHCSXH thực hiện.

{keywords}
Chuyển cách làm từ “cho con cá bằng đưa cần câu” sẽ thúc đẩy người nghèo. Ảnh minh họa

Đến hết tháng 8/2019, tổng nguồn vốn đạt 207.708 tỷ đồng, tăng 63.052 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 199.823 tỷ đồng, tăng 57.295 tỷ đồng so với cuối năm 2015, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 9,7%, với trên 6,6 triệu khách hàng còn dư nợ.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định khẳng định, các chương trình tín dụng chính sách xã hội được ban hành đã thể hiện sự đột phá trong tư duy lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Đó là, chuyển cách làm từ “cho con cá bằng đưa cần câu” đã thúc đẩy người nghèo và đối tượng chính sách tìm cách làm ăn, sử dụng vốn có lợi nhất, bớt dần sự ỷ lại để vươn lên thoát nghèo.

Theo lãnh đạo Hội Nông dân, 5 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách được ủy thác qua Hội đã giúp cho trên 3 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất; 132.472 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, tạo việc làm cho trên 12 nghìn lượt lao động, trên 2 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường và hơn 115 nghìn căn nhà cho hộ nghèo được xây dựng,… góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 từ 5,97% xuống còn 5,5% vào cuối năm 2018 và thiết thực đóng góp xây dựng nông thôn mới.

Chung quan điểm trên, ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đánh giá chương trình tín dụng của NHCSXH đã tạo sự thay đổi lớn cho bộ mặt vùng dân tộc thiểu số, vùng nông thôn. Đây là một trong 4 trụ cột quan trọng để giảm nghèo (bao gồm đất đai, sức lao động, trí lực và điều kiện hạ tầng kinh tế, tín dụng).

Mặt khác ông Thành cũng cho rằng, cho vay dự án phát triển sản xuất theo chuỗi phải trở thành hệ thống chính sách; gắn cho vay với các hoạt động tổ chức sản xuất, tập huấn phải gắn với cầm tay chỉ việc; các mô hình liên kết cho vay tín dụng sản xuất phải đi theo hướng hỗn hợp gồm cả hộ giàu, hộ khá, hộ nghèo; có chính sách tín dụng phù hợp cho từng vùng, lưu ý đối với một số vùng khó khăn cần áp dụng chính sách tín dụng linh hoạt, tín dụng nhỏ; giảm hỗ trợ có điều kiện.

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết “Quá trình tổ chức thực hiện, đã có nhiều mô hình, sáng kiến giảm nghèo được hình thành và nhân rộng, nhiều gương điển hình vươn lên như tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo đã trở thành "điểm sáng" trong cả nước”.

Bài: Văn Dương - Nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Thảo - Nhóm PV