- Điểm quan trọng trong dự án luật Khí tượng thủy văn chưa đề cập đến chính là việc quy định trách nhiệm khi dự báo sai.

Chiều nay, sau hơn 20 năm, lần đầu tiên dự án luật Khí tượng thủy văn (KTTV) được xây dựng trình QH cho ý kiến.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm UB Khoa học - Công nghệ & Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng, việc ban hành luật KTTV sẽ tạo ra những thay đổi cơ bản trong công tác quản lý nhà nước về KTTV, huy động được nhiều nguồn lực từ xã hội để đầu tư thiết bị, giúp hoạt động cung cấp thông tin chính xác và kịp thời hơn.

Tuy nhiên một điểm quan trọng trong dự án luật chưa đề cập đến chính là việc quy định trách nhiệm khi dự báo sai.

Theo ông Dũng, thông tin dự báo, cảnh báo KTTV có tác động rất lớn đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân. Thông tin không chính xác về các hiện tượng KTTV nguy hiểm có thể gây thiệt hại lớn đến kinh tế - xã hội.

{keywords}
Ảnh: Minh Thăng

Cơ quan thẩm tra luật đề nghị ban soạn thảo bổ sung điều, khoản quy định về trách nhiệm dự báo, cảnh báo KTTV trong trường hợp thông tin dự báo, cảnh báo không chính xác, gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của nhân dân.

Vấn đề này khiến dư luận nhớ lại câu chuyện của bão Chan chu năm 2006 hay bão Sơn Tinh năm 2012.

Thời điểm bão Chan chu đổ bộ, do dự báo sai hướng đi của bão, nên thay vì cho tàu chạy tránh bão, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân Quảng Nam và Quảng Ngãi lại chạy vào khu vực bão và bị nhấn chìm khiến hơn 300 người thiệt mạng.

Đến 2012, cơ quan dự báo bão Sơn Tinh sẽ đổ bộ miền Trung khiến các tỉnh từ Đà Nẵng - Quảng Ngãi căng mình chống bão, tuy nhiên tối cùng ngày, bão bất ngờ đổ bộ Hải Phòng - Nam Định với sức gió cấp 11-12 khiến các địa phương này không kịp trở tay.

Thúy Hạnh