HTML clipboard

- “Họ chỉ có hai người con bên đó mà làm được như thế thì sao chúng ta có tới 3 người sao lại không xây lăng hoành tráng được?”. “Con gà tức nhau tiếng gáy” là một trong những nguyên do khiến những ngôi mộ bạc tỷ mọc lên ngày càng nhiều nơi đây.


Trưởng thôn An Bằng tên Đoàn nói với chúng tôi rằng, ông chẳng thể nhớ mình đã xây dựng bao nhiêu lăng mộ ở ngôi làng tỷ phú này nữa. Cũng như việc chính quyền cơ sở chẳng thể quản lý được tình trạng này. Khắp nghĩa trang chẳng còn mấy bãi đất nào trống. Mạnh ai nấy chiếm, mạnh ai nấy xây. Cùng với đó là tình trạng ganh đua trong việc xây lăng, có những ngôi mộ hàng trăm triệu bị phá để xây lại chỉ vì kém đồ sộ hơn ngôi bên cạnh trong khi tiền chẳng ít hơn.

Câu chuyện “một miếng giữa làng” của người dân nơi đây khiến cho tình trạng đua nhau xây dựng lăng mộ càng trở nên ồ ạt hơn.

Lăng càng to hiếu càng 'dày'?

Những ngày đầu tháng tư, khi cái nắng bắt đầu lan tỏa trên cồn cát làng biển An Bằng cũng là thời điểm bắt đầu mùa xây dựng lăng mộ của người dân nơi đây. Cả khu nghĩa địa dài 5km, rộng 800m sôi động không khí xây dựng.

Người dân dựng lán trại, ăn ở ngay trong khu nghĩa địa để xây lăng. Những người thợ tinh xảo nhất của các xã lân cận được mời gọi. Chúng tôi dần hiểu ra vấn đề khi gặp một người dân đang tiến hành xây lăng cho bố mẹ mình để báo hiếu.

Ngôi mộ 800 triệu đang xây của bố mẹ anh Văn Công T.. Để có vật liệu trang trí, anh T. phải mua bình, bát gốm từ Huế về rồi cắt, đánh vỡ làm miếng trang trí trên khu mộ.

Chúng tôi gặp anh Văn Công T. ở giữa nghĩa trang An Bằng khi anh đang tiến hành xây lăng mộ cho bố mẹ mình. Công việc chính của anh làm nghề sửa máy. Anh là con thứ 7 trong gia đình 8 anh chị em. Trong những cuộc vượt biên đầu thập niên 80, gia đình anh cũng có một số người ở lại được nước ngoài.

Khi kinh tế đã khá giả, do nguồn tiền từ nước Mỹ gửi về, phong trào xây lăng mộ trong ngôi làng biển này bỗng dưng trở nên bức bách.

Nhà nào chưa xây được cho những người đã khuất ngôi mộ đàng hoàng thì cảm thấy khó chịu. Thế nên ngày còn sống, bố anh đã tự chọn đất và xây mộ cho mình. Khi ông mất ngôi mộ chỉ mới xong phần móng.

Anh T. được sự ủy thác của anh chị em nên đứng ra trông coi việc xây lăng cho bố mẹ, kinh phí thì chủ yếu do anh em bên nước ngoài gửi về. Anh dự tính ngôi mộ đang xây cũng phải hết 800 triệu mới đẹp được.

Những người thợ miệt mài trang trí mảnh gốm trên cột rồng ở lăng mộ bố mẹ anh Văn Công T.

“Nhiều gia đình xây mộ cho ông bà từ lâu rồi, nay lại làm ăn được thì nghĩ đến việc xây lại mộ cho ông bà nên đập mộ cũ đi xây lại to, hoành tráng hơn. Như mộ của ông đầu phái trong họ tôi do con cháu không đồng lòng nên vẫn chưa xây lại, nếu con cháu mà đồng thuận thì chắc phải xây to gấp 3 lần mộ của bố mẹ tôi”, anh T. cho biết.

Rồi anh T. tiếp tục nói: Ngày xưa làm gì có mà xây như thế này hả anh? Anh biết trước đây làng chỉ làm biển, mỗi tháng chỉ đi được 5 ngày còn 20 ngày còn lại là biển động. Ngày xưa làng này đói nhất xã. Thế nên giờ con cháu làm ăn được thì phải báo hiếu những người đã mất bằng việc xây lăng mộ to đẹp.

“Đất này không có phép, như các anh ở đâu đến thì phải xin, còn người trong làng thì chúng tôi tự lấy rồi khoanh lại. Nhiều người sợ mất đất đã xây bao và để mộ gió, nhiều người xây hoàn thiện rồi chờ. Có sự cạnh tranh trong việc xây mộ, nhiều nhà không có tiền đành phải ngậm đắng nuốt cay”.

Đất ở nghĩa trang An Bằng chẳng còn mấy chỗ trống. Hình ảnh những ngôi mộ gió chiếm ngự trong các khuôn viên được rào lại cho thấy tình trạng mạnh ai nấy chiếm, mạnh ai nấy xây ở đây.

Qua lời anh T. chúng tôi mới được biết, những khu đất được xây bao lại, trong khuôn viên có vài ba nấm mồ không có tên chính là mộ gió mà người dân nơi đây đến chiếm để xây lăng mộ cho người nhà mình sau này. Cũng có những gia đình sợ bị tranh mất nên phải tiến hành xây lăng từ khi người còn sống, hoàn thiện rồi để đó, chờ ngày được trở về với cát bụi với quan niệm “sống gửi thác về”.

Làng ăn xin trở thành làng tỷ phú

Qua câu chuyện với ông Lê Đoàn, trưởng thôn An Bằng chúng tôi mới được biết, người dân An Bằng có tới 90% gia đình có người đi Mỹ. Nhiều nhất phải kể đến gia đình ông Lê B., cả 13 người con của ông đều ở bên Mỹ. Đây chính là nguyên do dẫn tới sự thay da đổi thịt mạnh mẽ của ngôi làng này.

Một chiếc xe trâu kéo đang đi lấy cát ở bờ biển về bán cho những người xây lăng đổ nền. Bên cạnh đó là hình ảnh chiếc thuyền một thời là biểu tượng cho làng chài An Bằng nay rách nát, phơi nắng phơi sương trước lăng mộ, nhà thờ.

Làng An Bằng trước đây vốn rất nghèo khổ, ông bà tổ tiên quanh năm thiếu thốn, nhiều người phải đi ăn xin, làm thuê cho các vùng lân cận. Có gia đình dắt díu nhau lên Huế, có gia đình thì đi xa hơn, vào miền Nam. Có những thời điểm cả làng vắng hoe vì đến cả trẻ con cũng theo bố mẹ đi ăn xin.

Nhưng rồi việc ăn xin cũng chẳng thể đưa lại cho họ thoát khỏi cái đói nghèo. Rồi một số người đã không chịu được đã liều dùng thuyền nhỏ vượt biên, lúc đó họ không biết là sẽ đi đâu vì từ trước đến nay nước ngoài đối với họ vẫn là một điều gì đó rất xa vời.

Ông Đoàn còn nhớ, đầu những năm 80, người dân An Bằng bắt đầu vượt biên.

Những lăng mộ cao ngút vẫn tiếp tục mọc lên không chỉ ngoài nghĩa trang mà còn xen kẻ trong khu dân cư.

Cũng có những người 'thành công', nhưng cũng có nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển cả khi thuyền gặp bão. Ông Đoàn còn nhớ rõ chiếc thuyền của ông Phan Kh. chở 50 người dân đã gặp bão trên biển, cái đói cái khát đã cướp đi sinh mạng của 5 con người.

Nay thì làng An Bằng đã trở thành làng tỷ phú khi những đồng tiền được gửi về từ nước ngoài. Ông trưởng thôn nhẩm tính, cả làng biển nay chỉ còn khoảng 5- 7 chiếc thuyền thường xuyên hoạt đông, nhiều người dân sống bằng tiền viện trợ đã bỏ đi biển từ lâu. Còn những hộ nghèo thì cũng chỉ đưa cho có tên trong danh sách.

Lọt thỏm giữa rừng lăng mộ đồ sộ

Phú quý sinh lễ nghĩa, khi dân làng An Bằng bắt đầu có nhiều tiền, việc đầu tiên họ nghĩ đến là xây lăng mộ cho tổ tiên để báo hiếu. Rồi dần dần việc làm ý nghĩa này bị biến tướng khi xảy ra hiện tượng đua nhau xây mộ.

Trưởng làng An Bằng cũng phải lắc đầu trước tình trạng người dân trong làng đua nhau xây lăng mộ. Ông Tâm lý giải: Có sự cạnh tranh nhau trong việc xây lăng mộ. Như có gia đình có tới 3 người con đi nước ngoài, đã xây lăng mộ cho ông bà mình từ lâu. Nay thấy hàng xóm chỉ có hai người đi nước ngoài nhưng xây lăng mộ hoành tráng hơn, thế là đành bàn với nhau xây lại lăng cho người thân của mình.
 

“Họ chỉ có hai người con bên đó mà làm được như thế thì sao chúng ta có tới 3 người sao lại không xây lăng hoành tráng được?”. “Con gà tức nhau tiếng gáy” là một trong những nguyên do khiến những ngôi mộ bạc tỷ mọc lên ngày càng nhiều nơi đây.

Duy Tuấn (còn nữa)

Bài 1: Sửng sốt ở nghĩa địa xa hoa nhất VN