- EVN, Vinashin có điểm giống nhau là thiếu sự công khai minh bạch. Nếu không xử lý nhanh chóng thì nhân dân còn bức xúc.


Trao đổi với ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam), ủy viên thường trực UB Pháp luật, người từng chất vấn Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cách đây đúng 2 năm về giá điện:

Lương cao không cần biết lỗ lãi

Việc kinh doanh thua lỗ, “bưng bít” cách tính giá điện của EVN từ lâu đã khiến dư luận bức xúc, nhất là sau kết luận mới đây của Thanh tra Chính phủ rằng tiền xây sân tennis, mua xe hơi, xây dựng biệt thự đều được tính vào cơ cấu giá điện. Ông nghĩ sao về kết luận này?

Đúng là về EVN mấy năm nay nghe rất nhiều chuyện, từ giá điện cứ tăng mà lúc nào cũng thấy bảo chưa đạt giá thị trường, chưa đảm bảo giá thành, không có lãi.

Tiếp đến là báo lỗ liên tục nhưng đề nghị quỹ phúc lợi, khen thưởng cho cán bộ nhân viên, cán bộ quản lý lại được trích % thưởng lớn. Liên tục cử tri kêu và QH cũng thấy băn khoăn về công khai minh bạch về giá điện.

{keywords}
ĐBQH Ngô Văn Minh: Không nên biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp. Ảnh: Lê Anh Dũng


Thực tế này cho thấy điều gì đang diễn ra ở EVN, thưa ông?

Điều đó cho thấy cơ chế quản lý hiện nay với tập đoàn này có vấn đề, chưa công khai minh bạch.

Việc qua thanh tra, kết luận cho thấy có những chi phí bất hợp lý như đưa cả tiền mua sắm xe, xây sân gofl, giảm giá cho doanh nghiệp FDI… đều đưa vào giá thành sản phẩm.

Theo tôi tìm hiểu, trong kinh doanh của tập đoàn này, không cần biết lỗ hay lãi họ vẫn chi theo mức lương được duyệt.

Mức này được duyệt thì phải từ cơ quan có thẩm quyền, tức Bộ LĐ-TB-XH, để có mức lương hợp lý. Nhưng hợp lý hay không hợp lý anh phải dựa trên doanh thu, lợi nhuận, phải có lãi thì mới được hưởng lương cao như vậy.

Tất nhiên còn nhiều vấn đề của tập đoàn này nhưng điểm qua như thế thì tôi thấy hết sức lo lắng. Nếu không được xử lý nhanh chóng thì nhân dân còn bức xúc, ĐBQH không yên tâm, nhất là trong giai đoạn ta đang chấn chỉnh, hoạt động thoái vốn ra khỏi các lĩnh vực không phải đầu tư sản xuất kinh doanh chính của các tập đoàn. Ta phải khẩn trương xử lý với các tập đoàn có vấn đề này.

Cơ sở pháp lý nào?

Từ lâu dư luận đòi hỏi EVN phải công khai cách tính giá thành điện theo đúng quy tắc tính giá thành sản phẩm của doanh nghiệp, nhưng EVN không làm được?

Tôi chưa thấy có báo cáo gì về cách tính giá thành điện của EVN. Đây là vấn đề hết sức quan trọng. Cần công khai minh bạch, gắn liền với tái cơ cấu ngành điện thế nào cho hợp lý.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Điện lực đã có hiệu lực từ tháng 1/7/2013 nhưng đến nay cả 10/10 văn bản hướng dẫn thực hiện luật sửa đổi, bổ sung vẫn chưa được ban hành. Đây là sự vi phạm pháp luật, trách nhiệm chắc chắn QH sẽ bàn.

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định các văn bản chi tiết hướng dẫn phải được ban hành đồng thời với thời điểm luật có hiệu lực. Vậy thời gian vừa qua, EVN điều hành trên cơ sở pháp lý nào, trong đó có vấn đề thị trường điện cạnh tranh thì sao?

EVN hay kêu đang bán điện dưới giá thành, nhưng tôi đề nghị những khu vực vùng sâu vùng xa EVN bán điện dưới giá thành thì cần tách riêng ra, không được bù chéo như hiện nay sinh ra nhiều bất cập, không minh bạch.

ĐBQH cũng đã nhiều lần nói EVN cần công bố giá thành là bao nhiêu, gồm các chi phí hợp lý theo luật, đừng để gộp cả chi phí bất hợp lý như Thanh tra Chính phủ đã nêu, kể cả tiền lương và thu nhập của cán bộ.

Độc quyền nhà nước thành độc quyền DN


EVN đầu tư ngoài ngành vượt quá vốn điều lệ 45.000 tỷ đồng và tính ra đã lỗ hơn 2.000 tỷ đồng. Việc thoái vốn khỏi các lĩnh vực ngoài ngành đầu tư chính của EVN (và các tập đoàn khác) cần phải làm thế nào để đảm bảo không thất thoát vốn Nhà nước?

Vốn, tài sản Nhà nước trong các tập đoàn, tổng công ty phải có lộ trình để cổ phần, xử lý cho tốt chứ không thể bán vội vã, gây thất thoát. Nếu không xử lý tốt mối quan hệ này thì không khéo vấn đề chuyển từ thái cực này sang thái cực khác, dẫn đến bán đổ bán tháo vốn, tài sản của Nhà nước thì không được.

Tất cả các vấn đề này phải được đặt lên bàn để xử lý nhanh chóng, mọi việc tôi nghĩ không riêng gì EVN mà với tất cả tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều cần 4 chữ công khai minh bạch, từ giá điện, xăng, dầu, than. Không nên làm méo mó, biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp.

EVN có nhiều vấn đề lớn khiến dư luận bức xúc nhưng vì sao chưa lần nào bị xử lý? Những vấn đề xảy ra ở EVN sẽ do ai chịu trách nhiệm?

Đúng là việc xử lý những vấn đề ở EVN còn chậm, nhưng QH chưa thấy có báo cáo vì sao lại xử lý chậm. Tôi cũng chờ đợi nếu Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra được những tồn tại ở EVN thì cũng sẽ chỉ ra được địa chỉ cụ thể phải chịu trách nhiệm.

Vinashin đã bị “xóa sổ”. Theo ông, những vấn đề xảy ra ở EVN có điểm tương đồng nào với Vinashin hay không? EVN cần rút ra bài học kinh nghiệm nào từ sự thất bại đau đớn của “quả đấm thép” Vinashin?

Việc ở EVN với việc ở Vinashin có thể nói có điểm giống nhau là thiếu sự công khai minh bạch. Ở Vinashin có sự thiếu kiểm soát, giám sát chặt chẽ nên xử lý không kịp thời, dẫn đến hậu quả. Nếu với EVN mà cũng không có những biện pháp công khai minh bạch, kiểm soát chấn chỉnh kịp thời thì cũng có thể có kết cục giống như Vinashin.

Cần tăng cường giám sát với các tập đoàn Nhà nước, các “quả đấm thép” trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng. Đừng để những “quá đấm thép” này “chảy nước”, nhân dân không biết kêu vào đâu, thất thoát tiền của của Nhà nước, của nhân dân rất lớn.

Cẩm Quyên