- Bổ sung mới nhất vào dự thảo luật Cư trú về việc người xuất cảnh từ 2 năm trở lên sẽ bị xóa đăng ký thường trú đã nhận được nhiều phản hồi của độc giả.

Tạo cơ hội nhũng nhiễu

Đa số bạn đọc ngỡ ngàng với quy định mới của dự thảo luật, có người còn phàn nàn sẽ không dám cho con đi du học vì sợ khi về nước sẽ không còn được công nhận là công dân Việt Nam. Một số bạn cũng đặt vấn đề phải chăng đưa ra quy định như vậy để tạo cơ hội cho nhũng nhiễu. Nhiều hệ lụy khác cũng được chỉ ra như chảy máu chất xám…

Độc giả Dân Bình (minhsnb7@...) phân tích, xin đừng quay lại thời "xưa" làm khổ người dân vì chuyện hộ khẩu. Bởi hộ khẩu chỉ là một phương tiện để quản lý chứ không phải là quyền lợi gì lớn lao nhằm ban phát cho dân. 

"Người dân đâu muốn mang theo mình một quyển hộ khẩu. Việc quy định đi nước ngoài hai năm cắt hộ khẩu sẽ ảnh hưởng lớn đến những người lao động xuất khẩu, cán bộ ngoại giao và đặc biệt là học sinh, sinh viên. Hộ khẩu khó khăn có thể khiến họ ngại quay về quê hương sau khi học tập", bạn Dân Bình nói.

  Luật Cư trú thông thoáng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công dân đăng ký lưu trú. Ảnh minh họa: An ninh Thủ đô

Độc giả Hoàng Anh Hùng (hung20041983@...) mong Nhà nước đừng đặt thêm quy định phiền hà làm khó cho dân.

"Những người đi lao động nước ngoài hết hạn 3 năm thì nhất định sẽ về quê hương chứ chúng tôi đi đâu được, vậy mà giờ có quy định này thì thật không ổn. Luật thì phải hợp lòng dân, muốn đất nước phát triển thì phải để công dân Việt Nam đi học tập, nghiên cứu và lao động ở nước khác mới theo kịp thế giới nhưng người đi được 2 năm thì ở nhà cắt hộ khẩu thế là thành vô gia cư... Tôi thấy điều này không ổn", bạn Hùng viết.

Bạn Nguyễn Ngọc Hùng (hung51946@...) góp ý, tại sao phải tính chuyện "xóa đi" để rồi sẽ nhập lại, vừa khó cho người dân, trái với Hiến pháp, lại vừa tạo đất cho hối lộ.

Theo độc giả Nguyễn Nam (nam22341@...), cơ quan quản lý nói rằng sẽ cho nhập khẩu lại dễ dàng nhưng đó chỉ là lý thuyết vì thực tế nhiêu khê ra sao chỉ người dân mới biết. “Trong giai đoạn chưa được nhập lại hộ khẩu, họ sẽ là những công dân sống ngoài vòng pháp luật hay sao?”, bạn Nam nêu câu hỏi.

Nhiều độc giả phân tích, cứ cho rằng Nhà nước không chủ ý đưa ra điều cấm nọ kia để tạo điều kiện cho cán bộ nhũng nhiễu thì rõ ràng quy định tách rồi lại nhập như thế này không hề giúp ngành công an thuận lợi hơn mà chỉ tạo thêm gánh nặng số lượng công việc cần phải xử lý.

Chưa kể, với các du học sinh và cán bộ đi công tác nước ngoài, không lẽ cứ 2 năm một lần phải quay về trình diện để không bị cắt hộ khẩu. Như vậy lại càng khiến thêm phiền hà, tốn kém không đáng có. Vì thực tế các trường hợp rời khỏi nơi cư trú như lâu nay vẫn đang được quản lý bằng các hình thức đăng ký tạm trú, tạm vắng.

Đa số độc giả tán thành với phân tích của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng về việc không nên hạn chế quyền công dân.

Định nghĩa lại về hộ khẩu

Nhân chuyện "xóa hộ khẩu", nhiều độc giả cũng than phiền những chuyện rầy rà liên quan đến quyển sổ nhỏ mà rất quan trọng này, chẳng hạn chuyện tiêu cực, chuyện khó khăn khi nhập khẩu vào các đô thị lớn...

Độc giả ở địa chỉ vietha12@ nói, "nên định nghĩa lại khái niệm về hộ khẩu sao cho bớt nặng nề với dân". Cũng theo độc giả này, mỗi lần tách nhập hộ khẩu là lại liên quan đến túi tiền, lại mất tiền chui, không đơn giản chút nào.

Bạn Trần Quốc Tuấn (tranquoc2703@...) góp thêm, những người cư trú ở nước ngoài như chúng tôi mong muốn sau này về già nghỉ hưu và chết ở quê cha đất tổ, mà mất hộ khẩu thường trú, thử hỏi sau này chúng tôi phải như thế nào.

"Nhiều thủ tục phiền phức ở VN vẫn diễn ra hàng ngày. Do vậy xin Nhà nước hãy tạo điều kiện thuận lợi cho những người con xa quê sau này trở về không bị nhiều phiền phức nữa. Chúng tôi là người VN mà mất hộ khẩu ở ngay chính quê hương của mình do quy định của pháp luật là sao, thật khó hiểu", bạn Tuấn viết.

Nhiều độc giả ủng hộ với luận điểm chỉ đạo của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, đó là, soạn luật phải thuận theo lòng dân, phải tôn trọng quyền tự do công dân và tạo điều kiện tốt nhất cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú, học tập, lao động thay vì chỉ ban hành những quy định có lợi cho người quản lý.

Nói như độc giả ở địa chỉ edelstein38@..., hãy trưng cầu dân ý sẽ biết ngay cái gì là đúng, sai. Có như vậy mới tránh được tình trạng ban hành luật kiểu "trên trời", mới chỉ ở dạng ý tưởng dự thảo thôi mà đã khiến dân kêu trời vì bất hợp lý.

Ngọc Lê