- Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử khẳng định dứt khoát phải kiện TQ, chỉ có kiện mới giải quyết được vấn đề. 


LTS: Hội thảo quốc tế "Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử", diễn ra hôm nay tại Đà Nẵng quy tụ 34 học giả, chuyên gia nghiên cứu Việt Nam và quốc tế, thảo luận các chủ đề: Sự thật tranh chấp tại hai quần đảo và những tác động đến hòa bình, an ninh khu vực; Triển vọng giải quyết tranh chấp Hoàng Sa - Trường Sa trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Chiều qua, trao đổi với báo chí trước thềm hội thảo, GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử VN, chia sẻ những thách thức khi biến những bằng chứng lịch sử thành chứng cứ pháp lý trong trường hợp VN kiện TQ ra tòa về những hành động xâm phạm chủ quyền.

{keywords}
GS. Nguyễn Quang Ngọc: Phải kiện vì nói mãi TQ không nghe. Ảnh: Phương Mai

Nhận định trong thời đại này, đấu tranh thông qua các tòa án quốc tế là cách đấu tranh văn minh nhất, GS. Ngọc chỉ ra, nói bằng các hình thức khác không bao giờ TQ nghe.

"Chúng ta cứ nói mãi nhưng kẻ đi chiếm đất của chúng ta không bao giờ thừa nhận hành động đó, thậm chí nói ngược là chúng ta chiếm của họ. Tôi kinh ngạc khi họ vẽ một cái lưỡi bò mà không có một cơ sở gì cả rồi bảo đã có chủ quyền từ 2000 năm nay. Họ cũng chẳng có tư liệu hay tư cách để nói Biển Đông là lợi ích cốt lõi của họ", ông Ngọc nói.

Thấy TQ có thể lúc này lúc kia lùi một bước, nhưng lùi là để tiến nhằm hiện thực hóa đường lưỡi bò, Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử khẳng định "dứt khoát phải kiện, chỉ có kiện mới giải quyết được vấn đề".

Nhưng kiện vào lúc nào, theo GS. Nguyễn Quang Ngọc, phải kết hợp nhiều yếu tố: "Ví dụ lúc TQ vu vạ chúng ta ở LHQ, đưa ra một loạt tư liệu để nói là họ có chủ quyền, thì đó là lúc chúng ta cũng nên đưa hết tất cả những bằng chứng của chúng ta ra để cho họ biết".

Nhưng việc cần tính toán kỹ hơn cả thời điểm, chính là việc chuẩn bị cơ sở tư liệu, về lịch sử và pháp lý.

Là người đem bộ Atlas thế giới của Philippe Vandermaelen về Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử chỉ ra: Tư liệu ta có đầy đủ, nhưng giải thích trên cơ sở luật pháp quốc tế thì phải có trình độ chuyên môn của những người làm về luật.

"Dưới góc độ người làm sử, với tư cách và trách nhiệm của người làm sử, tôi có thể nói những tư liệu này khẳng định chủ quyền của chúng ta và phủ định chủ quyền của TQ", ông Nguyễn Quang Ngọc nói.

"Nhưng để xây dựng thành hồ sơ thì chúng tôi không có chuyên môn, phải là những chuyên gia về luật, luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật biển, có kinh nghiệm và biết cách tổ chức hồ sơ. Chúng ta phải nghiên cứu kỹ lưỡng và lý giải theo tinh thần của luật pháp quốc tế", GS. Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh.

Chung Hoàng (ghi)