“Tôi mong mọi người hiểu và thông cảm vì tôi không tư lợi một đồng nào mà chỉ chi cho tập thể. Hơn 20 năm làm giám đốc mà nhà tôi cũng chả có gì”, ông Phú chia sẻ.

Nhiều ngày qua, dư luận tại Nghệ An vẫn không ngớt bàn tán xôn xao xung quanh thông tin Giám đốc và Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An ăn chặn gần 800 triệu đồng tiền trợ cấp của các đối tượng xã hội.

Đa phần mọi người khi biết sự việc đều có chung cảm giác phẫn nộ, oán trách. Để cung cấp cho độc giả cái nhìn đa chiều, khách quan, PV đã tìm gặp, ghi nhận những chia sẻ thật lòng của người trong cuộc, người thân khi nói về 2 nhân vật này.

“Có lúc tôi đã nghĩ đến đường cùng để giải thoát”

PV tìm gặp người phụ nữ được xác định chịu trách nhiệm chính trong vụ sai phạm gần 800 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Thu Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An.

Được biết, những ngày qua nhiều ý kiến dư luận khiến bà mệt mỏi.Vì trong thời hạn bàn giao công việc nên hiện tại bà Phương vẫn đang sinh hoạt trong căn phòng nhỏ được cấp tại Trung tâm Bảo trợ.

Nhiều nhân viên trong trung tâm cho biết, vốn là một người hòa đồng, vui vẻ nhưng mấy ngày qua bà Phương chỉ đóng cửa và thu mình lại trong gian phòng nhỏ. Bà chỉ ra ngoài mỗi lúc có việc cần đến bàn giao công việc tại trung tâm.

{keywords}

Bà Nguyễn Thị Thu Phương tâm sự với PV sau sự việc vừa qua.

Theo bà Phương, mấy ngày qua gia đình bà thực sự bị đảo lộn.

Không chỉ mình bà phải chịu sức ép từ dư luận mà ngay cả người thân, chồng và chính người mẹ đẻ của bà cũng phải chịu sự “khủng bố” bằng những tin nhắn bêu riếu và xúc phạm khiến bà Phương thêm chán nản.

Nói về bản kết luận thanh tra, bà Phương xin nhận sai về những điều làm chưa đúng trong quá trình công tác của mình. Tuy nhiên, bà cho biết có nhiều điểm trong bản kết luận chưa đúng, dù bà đã giải trình nhưng không được công nhận.

Cụ thể, khoản tiền ăn sáng của các đối tượng, nhiều người đề xuất xin được nhận tiền để phù hợp với khả năng ăn uống của mình và có người giám hộ, ký nhận, điểm chỉ đầy đủ. Tuy nhiên khi giải thích, thanh tra không chấp nhận vì sai quy định.

Vậy nên, khi trả tiền truy thu, bà Phương phải bỏ tiền túi ra trả. Bà mong muốn sẽ được thanh tra công nhận và trả lại những khoản tiền đó.

“Tôi sai khi đã làm không đúng quy định nhưng tôi nào có tư lợi hay bỏ đồng nào vào túi riêng. Tiền tôi chi cho các đối tượng rồi nên tôi phải bỏ tiền túi và vay mượn bạn bè mới có để nạp truy thu.

Mấy ngày qua gia đình tôi cũng bị đảo lộn. Có lúc tôi cũng đã nghĩ đến đường cùng để giải quyết”, bà Phương tâm sự.

"Tôi không tư lợi, không ăn tiền của các đối tượng xã hội đâu!"

Tiếp chúng tôi với vẻ mặt buồn bã, mệt mỏi, ông Nguyễn Xuân Phú - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An cho biết, mấy ngày qua ông không ăn, không ngủ được cũng chỉ vì lo lắng, tâm trạng băn khoăn sau sự việc.

Nói về bản kết luận của thanh tra Sở LĐTBXH vừa công bố, ông Phú cho biết đến thời điểm hiện tại ông chỉ mới được nghe đến số liệu, còn thực tế văn bản ông chưa được nhận nên không thể nắm rõ cụ thể từng nội dung.

{keywords}

Mấy ngày qua ông Phú buồn bã, mệt mỏi vì dư luận sau vụ việc sai phạm gần 800 triệu đồng tại Trung tâm bảo trợ xã hội.

Trong suốt cuộc trò chuyện, ông Phú luôn khẳng định trong số tiền sai phạm gần 800 triệu đó, ông không hề tư lợi một đồng mà chỉ là vận dụng, chi sai mục đích vào việc tập thể của cơ quan.

Chia sẻ cụ thể về những khoản tiền sai phạm trong 5 năm liên tiếp, ông Phú cho biết, do hàng năm Trung tâm có rất nhiều việc cần phải chi thường xuyên và phát sinh. Trong khi đó nguồn kinh phí cấp có hạn nên ông đã dùng tiền để chi vào công việc của Trung tâm.

Video Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội chia sẻ sau vụ việc:

“Mấy ngày vừa qua, tôi rất buồn, gia đình, vợ con cũng thế. Nhiều người thân, bạn bè cũng gọi điện đến chia sẻ, hỏi thăm và động viên.

Tôi biết dù thế nào tôi cũng sai và xin nhận trách nhiệm. Nhưng tôi xin khẳng định tôi không hề tư lợi một đồng nào trong đó mà chỉ là chi việc chung, vì công việc của Trung tâm.

Tôi làm giám đốc hơn 20 năm nay, nếu có tư lợi cá nhân thì giờ tôi đã khác, có lẽ gia đình tôi không phải ở căn nhà cấp 4 rộng chỉ 45m2 trên lợp ngói, dưới láng nền bê tông nữa.

Tôi chỉ mong mọi người hiểu và chia sẻ. Tôi sai khi chi không đúng quy định, tôi xin nhận trách nhiệm”, ông Phú chia sẻ câu chuyện với PV.

{keywords}

Ông Phú cho chúng tôi xem những giấy tờ công tác phí của cơ quan. Dù đã giải trình nhưng không được thanh tra chấp nhận vì chi sai quy định.

Gia cảnh của Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội

Nằm sau con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo ở Thị trấn Đô Lương (Đô Lương, Nghệ An), tư gia của ông Nguyễn Xuân Phú càng thêm ủ rũ, buồn bã sau mấy ngày xảy ra sự việc.

{keywords}

Ngôi nhà cấp 4 của gia đình ông Phú.

Căn nhà lợp ngói chỉ rộng chừng mấy chục mét vuông, không có nhiều tài sản có giá trị, phía trong căn nhà cũng chẳng có gì ngoài chiếc tủ, giường, bàn ghế cũ kỹ đã được gia chủ sắm từ rất lâu.

Ngồi lặng lẽ bên bàn nước, 2 mẹ con bà Nguyễn Thị Hường (vợ ông Phú) tỏ vẻ mệt mỏi, buồn chán. Thỉnh thoảng có hàng xóm đến động viên, chia sẻ, bà Hường lại sụt sùi nước mắt.

Ông bà sinh được 2 người con, do chưa có nhà riêng nên lập gia đình rồi mà 2 vợ chồng người con gái đầu vẫn ở chung với bố mẹ.

Bà Hường hiện đang là nhân viên văn phòng Ủy ban huyện. Khi chồng xảy ra sự việc, bà Hường cũng chịu nhiều tai tiếng. Tuy nhiên, ở nhà, hàng xóm láng giềng lại gần gũi và động viên gia đình bà gắng vượt qua khó khăn trước mắt.

{keywords}

Trong nhà không có tài sản gì đáng giá ngoài chiếc tivi cũ, bàn ghế, tủ cũng đã sờn màu theo năm tháng.

“Thương anh ấy lắm. Anh ấy than vãn là vì bố sơ suất một tý mà ảnh hưởng đến mẹ con, gia đình. Tôi chẳng biết làm gì chỉ biết động viên chồng cố gắng lên và mong mọi người sẽ hiểu và thông cảm cho công việc của anh ấy.

Đừng nghĩ chồng tôi tư lợi làm giàu cho gia đình chứ thực sự có được cái gì đâu. Bao năm nay gia đình tôi vẫn sống trong căn nhà cũ cấp 4 thế đó”, bà Hường sụt sùi nước mắt.

(Theo Trí thức trẻ)