- Trước nhiệm vụ kinh tế - xã hội "nặng nề" mà QH giao trong tình hình ngân sách khó khăn, Chính phủ dự kiến thực hiện các biện pháp triệt để tiết kiệm.

Tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2015 giữa Chính phủ và các địa phương hôm nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên nhắc lại một số chỉ tiêu chủ yếu của năm 2015: GDP tăng 6,2%; xuất khẩu tăng 10%; nhập siêu chỉ 5%; CPI tăng 5%; đầu tư phát triển toàn xã hội 30%-32% GDP; hộ nghèo giảm 1,7%-2%; tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động; thất nghiệp dưới 4%... Chính phủ nhận định nhiệm vụ này là rất nặng nề.

{keywords}

Thủ tướng: Thành tích của năm 2014 chính là ta giữ được chủ quyền thiêng liêng, giữ được hòa bình, ổn định. Ảnh: VGP

Để đạt các chỉ tiêu trên, Chính phủ đề ra giải pháp đầu tiên là thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước giữ vai trò chủ trì trong điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá, quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, bổ sung dự trữ ngoại hối, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, bảo đảm tuyệt đối an toàn hệ thống...

Bên cạnh chính sách tài khóa chặt chẽ, Chính phủ nhấn mạnh việc quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính.

Cụ thể, Bộ Tài chính có trách nhiệm đảm bảo kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, sử dụng nguồn tăng thu ngân sách nhà nước năm 2014 để ưu tiên trả nợ và tăng chi đầu tư phát triển, không đề xuất, ban hành chính sách mới làm giảm thu ngân sách nhà nước... Cùng với đó là chống thất thu ngân sách, trốn thuế, quản lý chặt chẽ nợ công...

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương "tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý nhà nước, sự nghiệp công; cắt giảm tối đa và công khai các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình và đi công tác nước ngoài; không mua xe công trừ khi bất khả kháng".

Chính phủ muốn "dừng triển khai và thu hồi các khoản kinh phí mua sắm, sửa chữa, đầu tư đến ngày 30/6/2015 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương".

Chính phủ cũng yêu cầu theo dõi diễn biến tình hình biến động giá dầu, sản lượng khai thác, đánh giá các tác động ảnh hưởng đến tăng trưởng, đầu tư, lạm phát và đề xuất giải pháp ngay từ đầu năm.

Để làm được những việc này, Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu cải cách hành chính và chống tham nhũng. Theo đó, Bộ Nội vụ phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó là xác định vị trí việc làm, đổi mới đánh giá cán bộ, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng thi tuyển...

{keywords}

Còn việc phòng, chống tham nhũng là của tất cả các bộ, ngành, địa phương. "Triển khai hiệu quả luật Phòng, chống tham nhũng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về phòng chống tham nhũng; tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm trong hoạt động công vụ..." là những giải pháp CP đề ra.

Không chủ quan

Một giải pháp quan trọng mà Chính phủ nhấn mạnh là đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhận định một trong những đặc điểm của năm 2014 chính là sự kiện TQ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN hồi đầu tháng 5, sau đó là những ảnh hưởng của việc một số đối tượng lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân để gây rối tại một số địa phương...

"Khi đó Bộ Chính trị đã đề ra 3 nhiệm vụ: bảo vệ chủ quyền, giữ môi trường hòa bình ổn định, thực hiện được mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. Thành tích của năm 2014 chính là ta giữ được chủ quyền thiêng liêng, giữ được hòa bình, ổn định, tạo được sự đoàn kết, nhất trí, đồng thuận của đồng bào trong và ngoài nước", Thủ tướng nhận định qua đó mà VN được bạn bè quốc tế ủng hộ, thể hiện ở đầu tư nước ngoài và giải ngân ODA tăng lên.

Do đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Quốc phòng và Công an tiếp tục đảm bảo những yêu cầu này trong năm 2015. Bộ Quốc phòng phải chủ động và có các giải pháp phù hợp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các hoạt động khảo sát, thăm dò dầu khí trên biển; bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho các nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm cho các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Cùng với đó là bảo đảm quốc phòng của các địa phương trên địa bàn chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

Còn Bộ Công an phải đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động; giữ vững an ninh, trật tự trên các địa bàn chiến lược, trọng yếu; bảo vệ tuyệt đối an toàn những mục tiêu và các sự kiện quan trọng của đất nước. Đồng thời phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật, kiềm chế gia tăng tội phạm, tăng tỷ lệ khám phá vụ án hình sự, nhất là tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng...

"Ta đề cao cảnh giác, không chủ quan", Thủ tướng nhấn mạnh.

Chung Hoàng