Đánh giá của Ban Chủ nhiệm chương trình Khoa học công nghệ phục vụ Nông thôn mới cho thấy, xây dựng nông thôn mới đã tạo thêm động lực mới cho tái cơ cấu ngành và tăng trưởng nông nghiệp. Tính đến tháng 10/2019, cả nước đã có 4.554 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tương đương tỷ lệ 51,16%, bình quân cả nước mỗi xã đạt 15,32 tiêu chí nông thôn mới /xã. 

{keywords}
Nhờ tích cực xây dựng nông thôn mới, thu nhập của người dân nông thôn bình quân cả nước tăng từ năm 2010 đến 2018 tăng 2,79 lần.

Năm ngoái là năm nông nghiệp đạt tăng trưởng cao nhất trong hơn 10 năm qua. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung, cao nhất trong giai đoạn 2012-2018.Trong năm 2018, có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Thu nhập của người dân nông thôn bình quân cả nước tăng khá nhanh, từ năm 2010 đến 2018 tăng 2,79 lần (từ 1,07 triệu đồng/người/tháng lên 2,99 triệu đồng/người/tháng). Tiêu biểu tại vùng Đồng bằng sông Hồng, đến hết năm 2018 thu nhập của người dân nông thôn trong vùng đạt 4,834 triệu đồng/người/tháng, tuy đứng thứ 2 sau Đông Nam bộ với 5,71 triệu đồng, nhưng tốc độ tăng là cao nhất, gấp 3,06 lần so với 2010. Tỷ lệ hộ nghèo của cả nước cũng giảm nhanh trong 10 năm (2008-2018), bình quân giảm 1,5%/năm, đến nay chỉ còn khoảng 4,5%.

Đáng chú ý, sản xuất tiếp tục được tổ chức lại và tăng dần quy mô. Trong đó, số Hợp tác xã nông lâm thủy sản tăng từ 6.302 đơn vị năm 2011 lên 13.856 năm 2018. Chất lượng hoạt động của các hợp tác xã từng bước nâng cao.

Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được đẩy mạnh, ngày càng đa dạng, đặc biệt là liên kết góp vốn đầu tư sản xuất và liên kết bao tiêu sản phẩm. Các địa phương đã tập trung đầu tư và phát triển được 3.854 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, mô hình ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng. Tính đến cuối năm 2017, trên phạm vi toàn quốc đã xây dựng thành công 3.162 địa điểm bán sản phẩm kiểm soát theo chuỗi cung ứng nông lâm và thuỷ sản an toàn.

Cùng với đó, xây dựng nông thôn mới còn tạo điều kiện thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa sản xuất. Trong đó, việc áp dụng Quy trình VietGAP ngày càng được mở rộng cả về số lượng đơn vị và diện tích sản xuất. Năm 2016, cả nước có 1.495 đơn vị được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương. Đồng thời, việc sử dụng nhà lưới, nhà kính, nhà màng trong sản xuất được ứng dụng ở nhiều địa phương.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực như vậy, nhưng nói cho sòng phẳng, chúng ta vẫn còn thiếu chiến lược hoàn chỉnh thúc đẩy kết nối nông thôn – đô thị để hỗ trợ xây dựng nông thôn mới Việt Nam.

Kinh tế nông nghiệp chưa chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng kinh tế tổng hợp, kết nối với kinh tế phi nông nghiệp, dịch vụ, du lịch…Đồng thời, tăng trưởng nông nghiệp chưa ổn định, chưa đồng đều giữa các địa phương. Khả năng cạnh tranh của nhiều nông sản chưa cao; giá trị gia tăng còn thấp, chất lượng và thương hiệu nông sản chưa tương xứng với quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu.

Đáng chú ý, còn chậm trong phát triển kinh tế hộ chuyển dịch lên quy mô lớn, trang trại, doanh nghiệp. Phần lớn hộ nông dân (trên 70%) có quy mô sử dụng đất nông nghiệp dưới 2ha, kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao. Sản xuất quy mô lớn theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với bảo quản, chế biến và tiêu thụ chưa trở thành chủ đạo.

Chênh lệch thu nhập giữa nông thôn - thành thị tuy giảm về tỷ lệ tương đối nhưng khoảng cách tuyệt đối ngày càng cao. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững...

Bởi vậy, xây dựng Nông thôn mới trong hoàn cảnh mới đòi hỏi giai đoạn tới cần tìm kiếm những động lực, cơ chế, chính sách, giải pháp khoa học công nghệ mới. Trên cơ sở đó, Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng Nông thôn mới xác định nhiệm vụ quan trọng cần triển khai, đặc biệt là vấn đề về cơ chế, chính sách.

Cụ thể, tăng cường nghiên cứu, đề xuất, xây dựng khung thể chế, chính sách để triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Trong đó, xây dựng cơ chế, chính sách cho các nhóm nông thôn đặc thù, đặc biệt còn gần 50% xã chưa đạt chuẩn, các vùng khó khăn, miền núi.

Đặc biệt, đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ, chuyển giao các mô hình, hướng đến xu thế phát triển mới như nông nghiệp hữu cơ; tăng cường chuyển giao, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, tập trung cho các vùng sản xuất hàng hóa lớn, hướng đến thị trường xuất khẩu.

Bài: Đỗ Hữu Duyên - Nhóm PV
Ảnh: Hồ Thị Nhụy - Nhóm PV