Sau 10 năm triển khai, Đề án 1956 “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, đã đạt được những kết quả khả quan, đặc biệt là trong việc tạo cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo và các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho thấy, đến hết tháng 9/2019 có trên 9,2 triệu lao động được học nghề; trong đó có 5,3 triệu người đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo chính sách của Đề án 1956.

Sau học nghề, số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn đạt trên 80,4%. Lao động nữ nông thôn được hỗ trợ học nghề chiếm 59,4% vượt mục tiêu đề ra.

{keywords}
Giảm nghèo bền vững, thu nhập cao hơn nhờ học nghề. Ảnh minh họa

Gần 65% lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề; trên 35% lao động nông thôn học nghề nông nghiệp để tiếp tục làm nghề nông nghiệp có năng suất, thu nhập cao hơn.

Các địa phương đã thống kê có gần 350 nghìn hộ nghèo có người tham gia học nghề có việc làm đã thoát nghèo, chiếm 61,5% số người nghèo tham gia học nghề; gần 300 nghìn hộ có người tham gia học nghề, có việc làm, thu nhập cao hơn mức thu nhập bình quân tại địa phương và trở thành hộ có thu nhập khá; gần 200 nghìn người sau học nghề đã thành lập tổ hợp tác, doanh nghiệp, hợp tác xã.

Nhiều mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, thực hiện mỗi làng một sản phẩm và thực hiện tiêu chí nông thôn mới.

Nhận thức của người dân về học nghề có sự chuyển biến căn bản, từ chỗ tham gia học nghề để được hỗ trợ tiền ăn, học cho biết chuyển sang học nghề để nắm bắt khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, để có kiến thức, kỹ năng tìm việc làm có thu nhập cao, làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Kết quả trên đã góp phần thực hiện các tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 28% năm 2009 lên 59,5% cuối quý I/2019. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội từ 51,5% làm nông nghiệp năm 2009, xuống còn khoảng 35,4% cuối quý I/2019. Nâng năng suất lao động từ 37,9 triệu đồng năm 2009 lên đạt 102,2 triệu đồng năm 2018…

Bài: Đinh Thị Hải Linh - nhóm PV
Ảnh: Lê Thị Thúy - Nhóm PV