- Các bộ ngành, địa phương phải nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác giảm nghèo, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, là tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của các cấp ủy, chính quyền và cán bộ chủ chốt, lãnh đạo - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.

>> Giảm nghèo: Giảm cho không, tăng cho vay
>> Làm sao để người nghèo tránh 'bẫy nghèo' vì ốm đau
>> 'Nghèo mà lười lao động không nên được hỗ trợ'

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về kết quả thực hiện công tác giảm nghèo mà Chính phủ thực hiện với 63 tỉnh, thành ngày 5/2 tập trung thảo luận giải pháp đảm bảo các chính sách sẽ thúc đẩy người nghèo thoát nghèo thay vì ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước.

Tại hội nghị, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết đến cuối năm 2014, tỉ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,8-2%, còn 5,8-6%. "Khả năng đến hết 2015 tỉ lệ nghèo chung cả nước sẽ hạ xuống dưới 5%, đạt mục tiêu QH đề ra", bà lạc quan.

{keywords}

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng LĐ-TB-XH, cái khó là giải quyết được các trường hợp lợi dụng chính sách, không có ý chí vươn lên, không muốn thoát nghèo. Đây cũng là vấn đề được nhiều địa phương và bộ ngành chia sẻ tại hội nghị.

Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội QH Đỗ Mạnh Hùng chỉ ra thực tế tình hình giảm nghèo bằng công thức "ba ra một vào" - cứ 3 hộ thoát nghèo thì 1 hộ tái nghèo hoặc phát sinh mới. Đại diện Đồng Tháp chia sẻ nhận định này: các chính sách hiện tập trung cho hộ nghèo, khi họ thoát nghèo là rút chính sách, khiến họ dễ tái nghèo.

Theo ông Hùng, để khắc phục tình trạng này, đồng thời tránh tư tưởng trông chờ ý lại chính sách, tăng cường vốn tín dụng phải trở thành  trụ cột trong tổng thể chính sách giảm nghèo. Đồng Tháp cũng đề nghị tiếp tục hỗ trợ bằng tín dụng để người dân không lo lắng. Đại diện Quảng Bình thậm chí đề nghị các ngân hàng cho người nghèo vay vốn sản xuất với lãi suất bằng 0.

Đại diện Ngân hàng chính sách xã hội sẵn sàng tăng cho vay nhưng không đồng tình lãi suất bằng 0. "Không có lãi suất thì hàng tháng ngân hàng không tiếp xúc, từ đó giám sát người vay, sẽ khiến họ càng ỷ lại. Lãi suất dù thấp vẫn phải có để hai bên còn có sự giao tiếp hàng tháng", vị đại diện này cho biết.

Đại diện Mặt trận Tổ quốc cũng cho biết tới đây, việc tổ chức Ngày vì người nghèo và huy động cho Quỹ vì người nghèo cũng sẽ thay đổi cách hỗ trợ, gắn việc hỗ trợ với trách nhiệm thoát nghèo của người nghèo.

Trao đổi với các bộ ngành, địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh giảm nghèo sẽ tiếp tục là trọng tâm của Đảng và Nhà nước.

"Giảm nghèo, đảm bảo công bằng xã hội, là giá trị cốt lõi của nhân loại, một trong 8 mục tiêu thiên niên kỷ mà VN thực hiện nổi bật, được quốc tế ca ngợi. Tới đây, các mục tiêu mới của thế giới vẫn sẽ quan tâm hàng đầu là giảm nghèo. Đảng, Nhà nước cũng coi đây là mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, thể hiện tính ưu việt của chế độ", Thủ tướng nói.

Từ đó, Thủ tướng nhắc nhở các bộ ngành, địa phương phải nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác giảm nghèo, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, là tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của các cấp ủy, chính quyền và cán bộ chủ chốt, lãnh đạo.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tiếp tục hỗ trợ giảm nghèo theo hướng hỗ trợ sản xuất thay vì hỗ trợ đời sống - tập trung vào "cần câu" thay vì "con cá": hỗ trợ đất sản xuất cho người dân trồng trọt; cung cấp gia súc như bò, trâu, dê cho người dân  chăn nuôi; chuyển rừng từ các lâm trường, ban quản lý sang cho đồng bào, cộng đồng bảo vệ và khai thác; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn để giải quyết việc làm...

Cùng với đó là giúp họ tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, y tế, giáo dục, thông tin... theo hướng hỗ trợ chứ không phải bao cấp. Các chính sách này phải tập trung cho "lõi nghèo" - vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiếu số, Thủ tướng lưu ý.

Yêu cầu các địa phường tiết kiệm để cùng ngân sách trung ương cung cấp nguồn lực cho công tác giảm nghèo, Thủ tướng cũng ủng hộ tăng tín dụng cho các vùng nghèo, tập trung cho hộ nghèo và hộ cận nghèo, giúp họ vươn lên thoát nghèo bằng sản xuất và không để họ tái nghèo.

Chung Hoàng