Năm 2022, Hà Nội thực hiện điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung theo Luật Quy hoạch đô thị và Quy hoạch Thủ đô theo Luật Quy hoạch 2019. Làm thế nào để đảm bảo tiến độ và chất lượng các bản quy hoạch?

Ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 06 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết 06 đánh giá: công tác quy hoạch đô thị còn “chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp; việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, nhiều nơi việc điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện; trình độ, năng lực của phần lớn cán bộ, công chức, viên chức quản lý đô thị còn yếu” (*).

Đối chiếu với thực trạng Hà Nội, thấy rõ những hạn chế từ việc lập quy hoạch đến thực hiện không đạt kết quả.

Sau hơn 10 năm thực hiện quy hoạch chung xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 vẫn còn thấy rõ “đầu tư còn dàn trải, thiếu đồng bộ; chưa phát huy và khai thác tốt các nguồn lực của chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị; sai phạm về quản lý đất đai trong phát triển đô thị diễn biến phức tạp”. (*)

Nguyên nhân chất lượng quy hoạch yếu kém là do dữ liệu chất lượng thấp và phương pháp vẽ quy hoạch chưa đạt yêu cầu.

{keywords}

Bộ TN-MT chủ trì họp 12 lần Ủy ban Bảo vệ Môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy (2009-2020), đầu tư hơn 1 tỷ USD. Kết quả, sông Nhuệ ô nhiễm nặng thêm, sông Đáy cạn dần; khảo sát thô sơ, thông tin sơ sài, đầu tư vô bổ, bản đồ nghèo nàn. Bản vẽ Quy hoạch sông Hồng (2021) copy, cắt ghép các hình ảnh mầu mè trên mạng. Nguồn: Hanoidata- City Solution ST&BT

Tháng 3/2020, Hà Nội khởi động lập Quy hoạch Thủ đô theo Luật Quy hoạch 2019.  Loại hình quy hoạch tích hợp đa ngành còn quá mới mẻ với cả bộ máy quản lý, thực hiện, tư vấn nên sau 2 năm (2020 - 2022) quy hoạch Thủ đô vẫn chưa được phê duyệt.

Để đáp ứng yêu cầu, Hà Nội chỉ còn mỗi cách “vượt lên chính mình” để hoàn thành bản quy hoạch Thủ đô với chất lượng cao nhất. 

Bài học từ Nhật Bản 

Từ năm 2015, nhiều đoàn Việt Nam đã tới Nhật Bản để tham quan, học hỏi kinh nghiệm quy hoạch và đã được giới thiệu tư liệu “Tích hợp đa ngành” trong Atlas Quốc gia Nhật Bản.

Chất lượng quy hoạch dựa trên nền tảng tổng hợp thông tin đa dạng, căn cứ vào đó để phân tích tính toán, lựa chọn phương án tối ưu chứ không phải vẽ ra viễn cảnh viển vông, bất khả thi.

{keywords}
Trích Atlas Nhật Bản, mục Sông hồ: Địa hình các dòng sông chảy từ núi ra biển với thống kê lượng nước 12 tháng/năm - Phóng to địa hình thoát nước/úng ngập. Tổng hợp chi phí khắc phục hậu quả thiên tai từng lưu vực sông. Mức độ ô nhiễm nước của từng sông ảnh hưởng tới ô nhiễm đất và gạo. (Nguồn: Hanoidata - City Solution ST&BT)

Năm 1949, Nhật Bản công bố “Luật khảo sát” nhằm đảm bảo sự chính xác, đồng bộ và tiến hóa không ngừng cho kho tàng dữ liệu quốc gia - điều hành bởi Viện khảo sát địa lý có năng lực điều hành phối hợp với tất cả các bộ, ngành, địa phương.

Từ năm 1960, Nhật Bản hợp tác toàn cầu để hiện đại hóa bản đồ quốc gia. Năm 1971, Chính phủ hỗ trợ Ủy ban Bản đồ quốc gia (một tổ chức tập hợp tất cả các nhà khoa học hàng đầu thuộc các lĩnh vực) thực hiện "Tập bản đồ quốc gia của Nhật Bản" xuất bản năm 1977 và cập nhật 5 năm/lần.

Là dữ liệu quốc gia, tập bản đồ cỡ A2 gồm 351 trang, 276 bản đồ chuyên đề và mô tả 15 lĩnh vực khác nhau như: thiên nhiên, phát triển và bảo tồn, xã hội và văn hóa… được biên tập, giám định và ấn loát theo quy trình nghiêm cẩn.

Từ năm 1984, Nhật Bản cho xuất bản dưới tên gọi “Tập bản đồ cho quy hoạch vùng - điều kiện thực tế và thay đổi các khía cạnh trên đất Nhật Bản”.

{keywords}
Trích Atlas Nhật bản, mục vận tải đường sắt 1977. Quy hoạch giao thông cần có bản đồ dữ liệu chính xác thay vì vẽ ra viễn cảnh cầu đường phi thực tế. Minh họa này không thể hiện nội dung lãnh thổ, biên giới quốc gia (Nguồn: Hanoidata- City Solution ST&BT)

Dữ liệu tin cậy 

Từ đầu thế kỷ 20, các kỹ sư Địa lý – Thủy lợi Pháp đã khảo sát, tập hợp tư liệu suốt 40 năm (1886 -1926) để hoàn tất Bản đồ địa hình/thủy hệ lưu vực sông Hồng - Thái Bình làm cơ sở để Nha Công chính thiết kế hệ thống đê điều và tiến hành thi công quy mô lớn. Tổng khối lượng đào đắp 305 triệu m3 (trong giai đoạn 1885-1941).

Hiện nay, rất khó tìm thấy Bản đồ Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình (Bộ NN&PTNT hoàn thành 2016) hoặc không thể tìm thấy “bản đồ Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050” do Bộ TN-MT đã phê duyệt từ 2018.

Nhưng nhiều công ty công nghệ Việt Nam đã ứng dụng thành công việc khai thác bản đồ viễn thám chất lượng cao kết hợp với công nghệ số/trí tuệ nhân tạo (AI) để cung cấp bản đồ hiện đại, có độ chính xác cao, hỗ trợ đưa ra kết quả dự báo tin cậy về diện tích  ngập nước hay nguy cơ khô hạn, nhu cầu dùng nước cho tưới tiêu, sinh hoạt…

Trong lĩnh vực giao thông đô thị đã ứng dụng công nghệ số để phân tích hiện trạng, chỉ ra những bất lợi/xung đột gây ùn tắc hoặc dự báo lợi ích từ các mô hình tổ chức luồng tuyến giao thông đô thị tối ưu.

{keywords}
Bản đồ dùng mô hình số để phân tích lợi ích dự án giao thông công cộng Đà Nẵng do chuyên gia Đại học GTVT thực hiện 2016. (Nguồn: Hanoidata-City Solution ST&BT)

 

{keywords}
Bản đồ dùng mô hình số mô tả các điểm tắc nghẽn giao thông Hà Nội 2019. Dự báo cải thiện vào năm 2025-2030 nếu hạn chế phương tiện cá nhân vào trung tâm Thành phố do chuyên gia Đại học GTVT thực hiện 2020. Citysolution đề xuất xây dựng kịch bản mô phỏng hiệu ứng rối loạn, ùn tắc giao thông khi xây dựng cầu nổi Trần Hưng Đạo 6 làn ô tô, tốc độ 80Km/h đi thẳng vào trung tâm TP. (Nguồn: Hanoidata-City Solution ST&BT)
{keywords}
Bản đồ địa hình và hệ thống đê lưu vực sông Hồng - Thái Bình (1905-1926). Bản đồ viễn thám chất lượng cao và kết xuất kết quả biến diện tích đổi đất ngập nước do ATCom thực hiện năm 2020. (Nguồn: Hanoidata-City ion ST&BT)

Hà Nội đang đứng trước nhiệm vụ lập quy hoạch Thủ đô trong khi nguồn nhân lực thực hiện không có (chưa từng được đào tạo/thực hiện), lại thiếu dữ liệu tích hợp mà vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ “xây dựng hệ thống dữ liệu toàn quốc về quy hoạch phát triển đô thị; ứng dụng rộng rãi hệ thống thông tin địa lý (GIS) và công nghệ số, nền tảng số trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị” (*).

Trước mắt, Hà Nội cần triệt để khai thác năng lực của các tổ chức, cá nhân có năng lực làm chủ công nghệ hiện đại hỗ trợ đắc lực cho việc hoàn thành quy hoạch Thủ đô với chất lượng cao nhất. 

Vội vã 'vẽ' thành phố bên sông khi không rõ sông Hồng có bao nhiêu nước?

Vội vã 'vẽ' thành phố bên sông khi không rõ sông Hồng có bao nhiêu nước?

Nhiều nội dung trong Quy hoạch 1259 sau 10 năm không thực hiện đã lỗi thời, thậm chí cản trở tiến trình phát triển thì sẽ phải điều chỉnh như thế nào?  

KTS Trần Huy Ánh  - Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội 

(*) Nghị quyết 06 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị ngày 24/1/2022.