- Sau phần chất vấn sôi động GĐ Sở Quy hoạch - Kiến trúc, phần trả lời của GĐ Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Sửu dường như quá "nhẹ nhàng", dù cũng về một chủ đề khá nóng: Vì sao các dự án xã hội hóa (XHH) bệnh viện, trường học trên địa bàn thành phố bị chậm?


Dù có tới 10 câu hỏi, nhưng thực chất nhiều ĐB đứng lên không phải với tư cách đại biểu mà là lãnh đạo ngành, như GĐ Sở Y tế Lê Anh Tuấn, Phó GĐ Sở Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Thị Bài, khiến chủ tọa - Chủ tịch HĐND Ngô Thị Doãn Thanh phải "nhắc" các ĐB thực hiện đúng chức năng chất vấn của ĐB HĐND, chỉ khi được lãnh đạo UBND phân công mới thực hiện nhiệm vụ trả lời.


Chưa kể, phần lớn các câu hỏi thật sự mang tính chất tái chất vấn lại cực kỳ ngắn gọn, khiến cảm giác chung về phiên chất vấn là cơ hội để các lãnh đạo ngành trao đổi nhiều hơn.


"Hà Nội đi đầu"


GĐ Sở Nguyễn Văn Sửu dẫn hàng loạt nghị định, quyết định, thông tư của chính phủ, cũng như nghị quyết của HĐND và quyết định của UBND thành phố, để khẳng định sự quan tâm sát sao từ trung ương đến địa phương với vấn đề XHH, vốn được xác định là một trong năm nhiệm vụ trọng tâm của thành phố giai đoạn 2005 - 2010.


Theo khẳng định của GĐ Sở, "Hà Nội đi đầu trong việc thực hiện chế độ, cơ chế chính sách đối với vấn đề XHH".


ĐB Vũ Đức Tân: Cần việc phân định rõ trách nhiệm để chậm trễ

Riêng về nguyên nhân các dự án triển khai chậm, GĐ Sở Kế hoạch - Đầu tư liệt kê hàng loạt lý do, từ nhận thức trong một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa đúng mức, do mở rộng địa giới hành chính nên nhiều dự án phải dừng để chờ quy hoạch chung, do khả năng ngân sách chưa thể tạo được quỹ đất sạch, do thủ tục hành chính, cơ chế quản lý còn bất cập, đến cả nguyên nhân suy thoái kinh tế thế giới năm 2008, rồi lĩnh vực y tế, giáo dục kém hấp dẫn các nhà đầu tư hơn so với công nghiệp, đô thị...


Người bấm nút chất vấn đầu tiên lại là... GĐ Sở Y tế Lê Anh Tuấn để làm rõ thêm những thành tích trong công tác XHH của ngành y tế: hiện có 15 tổ chức xin xây bệnh viện, trong đó 4 dự án đã được giao quyền sử dụng đất, đang xây dựng tầng hầm, móng và hoàn thiện, 7 bệnh viện đang giải phóng mặt bằng.


Ông Tuấn đề xuất thành phố phải chọn khâu đột phá là cải cách thủ tục hành chính, bởi với quy trình hiện tại thì có bệnh viện mất 6, 7 năm để giải phóng mặt bằng. Ông Tuấn cũng đề nghị công khai việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, cũng như phải có quy định sau khi giao đất rồi, nếu bao lâu không thực hiện được thì phải thu hồi đất "bởi rất nhiều bệnh viện công lập còn đang thiếu đất để mở rộng quy mô".


Riêng ĐB Bùi Thị An không đồng tình với cách GĐ Sở Kế hoạch - Đầu tư xếp thứ tự các nguyên nhân cũng như giải pháp khắc phục, bởi theo bà không thể xếp nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự chậm trễ trong công tác XHH. "Nếu đặt thế này thì không bao giờ giải quyết được, bởi lỗi trước hết lại do nhân dân. Trong khi đây là chuyện điều hành vĩ mô, nhìn các vị tư lệnh ngành đều "ngời ngời", cử tri hy vọng các đông chí tham mưu thật tốt cho thành phố".


Dễ thì để tổ chức xã hội


Trước quan tâm, xoay trở của các ĐB Đào Xuân Dương (Phó ban VH - XH của HĐND), ĐB Vũ Đức Tân về việc phân định rõ trách nhiệm của các sở, các cấp trong việc để chậm trễ, bởi nói như ĐB Tân, "tôi xem trong các nguyên nhân thì không kể nguyên nhân đầu tiên, 3 nguyên nhân tiếp theo đều thuộc chức năng nhiệm vụ của chính quyền", GĐ Nguyễn Văn Sửu lại cho rằng: "Đa số các dự án đều triển khai tốt. Việc một vài dự án cụ thể bị triển khai chậm thì quyết định 25 của UBND thành phố đã quy định trách nhiệm rất cụ thể".


GĐ Sở Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Văn Sửu: Y tế, giáo dục kém hấp dẫn các nhà đầu tư hơn so với công nghiệp, đô thị

ĐB Nguyễn Hoài Nam hỏi thành phố đã dành được bao nhiêu quỹ đất có được từ việc thu hồi sau khi di dời các nhà máy lớn (thuốc lá Thăng Long, rượu bia, dệt Minh Khai...) cho việc xây dựng các công trình phúc lợi, "hay chỉ chăm lo xây nhà để bán", GĐ Sở KH - ĐT dẫn chứng chuyện đất thu hồi khi di dời Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo ngoài dành cho trung tâm thương mại Vincom thì có dành một phần đất cho một trường tiểu học và một trường trung học cơ sở.


"Thành phố đang làm quy hoạch di dời, đều dành đất cho các công trình phúc lợi. Như tới đây chuẩn bị di dời nhà máy dệt 8/3 và Hanosimex, đất thu hồi tới 36 ha, cũng có đặt bệnh viện cỡ 300 giường phục vụ nhân dân theo cơ chế XHH", GĐ Sửu hứa.


ĐB Lê Văn Điềm, GĐ Bệnh viện Xanh Pôn lại quan tâm đến khía cạnh cụ thể: các dự án có nguồn vốn XHH trong bệnh viện công lập. Theo ông, với những dự án đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cao, quy định của thành phố yêu cầu phải có sự kết hợp của cả nguồn ngân sách nhà nước (60%) và ngân sách XHH (40%), nhưng thủ tục lại quá lâu, quá chậm, khiến các nhà đầu tư XHH nản, rút vốn.


Đề nghị của ông Điềm là nên tách bạch riêng dự án 100% vốn ngân sách, hoặc dự án 100% vốn XHH để tiến độ dự án được đẩy nhanh. Đề xuất này được GĐ Sở Y tế "xác nhận" là đã tháo gỡ, điều chỉnh, "những thiết bị gì khó đầu tư thì ngân sách nhà nước sẽ lo, còn cái gì dễ hơn thì để các tổ chức xã hội, các cá nhân, kể cả nhân viên bệnh viện góp vốn".


Riêng với câu hỏi của ĐB Phạm Thị Thành về việc có quy định định mức tối đa cho tiền thu dịch vụ của các bệnh viện tư không, GĐ Nguyễn Văn Sửu khẳng định phải chấp nhận cơ chế thị trường, nhà đầu tư sẽ quyết định mức thu phí, nhưng hàng năm phải báo cáo Sở Y tế cũng như cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn quận, huyện. "Phải để họ thu hồi vốn khi đầu tư vào bệnh viện. Nhưng cũng không thể thu giá quá cao, vì nếu thế bệnh nhân sẽ chỉ đến một lần", ông Sửu giải thích.


Kết thúc phiên thảo luận, Chủ tịch HĐND Ngô Thị Doãn Thanh khẳng định chưa thể bằng lòng với những kết quả XHH y tế, giáo dục vốn có tiềm năng rất lớn và nhu cầu của người dân ngày càng cao. Bà đề nghị thành phố công khai quy hoạch, cũng như rà soát lại danh mục các dự án đã kêu gọi đầu tư trước đây để xem bao nhiêu dự án đã được triển khai, bao nhiêu dự án cần tiếp tục kêu gọi.


  • Khánh Linh - Ảnh: Lê Anh Dũng