Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị TP không cho phép nhà thầu trồng cây xanh tham gia thêm bất kỳ dự án trồng cây xanh nào trên địa bàn Hà Nội.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, Sở Xây dựng đề nghị Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT) – chủ đầu tư dự án đường Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm – khắc phục ngay hiện tượng cây chết khô trên tuyến đường này; nghiêm khắc kiểm điểm các tập thể, cá nhân để xảy ra sai sót. 

Đồng thời, đề nghị thành phố không cho phép nhà thầu trồng cây xanh trên tuyến này tham gia thêm bất kỳ dự án trồng cây xanh nào trên địa bàn Hà Nội.


{keywords}

Có tổng cộng 79 cây bị chết trên tuyến đường Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm

Sau khi có một số cơ quan báo chí phản ánh thông tin “cây mới trồng chết khô hàng loạt trên đường Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm (thuộc địa bàn huyện Thanh Trì và các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân)”, thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội đã vào cuộc kiểm tra.

Kết quả kiểm tra cho thấy, hệ thống cây bóng mát trồng 2 bên đường Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm (lý trình Km25+125 – Km28+463), thuộc dự án: “Xây dựng giai đoạn I – đoạn Mai Dịch – Pháp Vân, thuộc đường vành đai III – thành phố Hà Nội” có chủ đầu tư là Bộ GTVT; đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Thăng Long.

Biên bản kiểm tra hiện trường ngày 26-10 ghi nhận, có tổng cộng 79 cây bị chết trên tổng số 520 cây trên tuyến đường đường này. Ngoài ra, có 8 cây chết ngọn; 7 cây còi cọc, chậm phát triển. Số cây sống phát triển bình thường là 426 cây/520 cây.

Bác bỏ thông tin số cây xanh này đã được chủ đầu tư ban giao về cho thành phố, đại diện Phòng Hạ tầng Kỹ thuật – Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tại thời điểm hiện nay, hệ thống cây bóng mát 2 bên đường Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm chưa bàn giao cho thành phố quản lý, duy trì.

Tại buổi kiểm tra, đại diện Ban QLDA Thăng Long đã cam kết đôn đốc nhà thầu thu hồi toàn bộ các cây đã chết trước ngày 29-10-2016 để trồng thay thế. Ngày 27-10, trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô về hướng khắc phục số cây chết trên tuyến đường vành đai III nói trên, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục nhấn mạnh, chủ đầu tư phải thực hiện việc thu hồi cây đã chết và trồng cây mới trong thời gian sớm nhất có thể, không đợi đến ngày 29/10. 

“Cây trồng mới phải được trồng đúng quy hoạch, quy chuẩn và quy định của thành phố. Sau khi trồng, chủ đầu tư và đơn vị trồng phải có trách nhiệm theo dõi, chăm sóc, đảm bảo cây sinh trưởng tốt; đồng thời sớm hoàn thiện thủ tục bàn giao cho thành phố quản lý” – ông Lê Văn Dục nói.

Về xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị để xảy ra sai sót dẫn tới hiện tượng cây chết khô hàng loạt, ông Lê Văn Dục chia sẻ, dù đây là dự án do Ban QLDA Thăng Long làm chủ đầu tư và cơ quan này tự triển khai việc trồng cây trên tuyến, tuy nhiên, với trách nhiệm quản lý Nhà nước trên địa bàn, Sở Xây dựng đề nghị, bên cạnh việc sớm thay, trồng cây mới, chủ đầu tư cần nghiêm khắc kiểm điểm các tập thể, cá nhân để xảy ra sai sót này, nhất là nhà thầu thực hiện việc trồng cây là Công ty cây cảnh Nam Điền. 

Đặc biệt, Giám đốc Sở Xây dựng sẽ kiến nghị thành phố không cho phép đơn vị này tham gia thêm bất kỳ dự án trồng cây xanh nào trên địa bàn Hà Nội.

Trên thực tế, hiện tượng cây chết trên tuyến đường vành đai 3 do Ban QLDA Thăng Long làm chủ đầu tư không phải lần đầu xảy ra. Trước đó, ngày 11/5/2016, Sở Xây dựng đã có văn bản yêu cầu Ban QLDA Thăng Long kiểm tra, rà soát, thay thế ngay những cây đã bị chết, trồng bổ sung cây vào hố trống, vị trí trống bằng cây Sấu, đường kính từ 10cm trở lên, đảm bảo đồng đều về khoảng cách và chiều cao, phù hợp với cây hiện trạng trên tuyến; tiếp tục theo dõi, bảo hành cây trồng theo quy định và hoàn thiện hồ sơ hoàn công, đề xuất, báo cáo UBND TP Hà Nội cho phép bàn giao về Sở Xây dựng quản lý, duy trì theo phân cấp.

Từ ngày 13/5 đến ngày 14/5/2016, nhà thầu đã cho thay trồng bổ sung vào vị trí trống và trồng thay thế cây chết trên tuyến với số lượng 108 cây Sấu. Tuy nhiên, sau đó, những cây mới trồng lại tiếp tục chết (79 cây) như đã nói ở trên.

(Theo An ninh thủ đô)