- Hà Nội sẽ sớm bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ hàng năm. Nếu hai năm tín nhiệm thấp là thay, một năm thấp cũng thay, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi - Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nói.

Ông Phạm Quang Nghị trao đổi với báo chí sáng nay (18/9), ngay sau khi Hà Nội kết thúc đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân Ban Thường vụ Thành ủy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4.

Đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, kéo dài 10 ngày được Hà Nội thực hiện theo tinh thần "sâu sắc và nghiêm túc".

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Thay thế cán bộ ít được tín nhiệm không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đề cập công tác cán bộ, Bí thư Hà Nội cho hay, đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình lần này, Hà Nội quán triệt tinh thần, sau nhận thức những thiếu sót phải là hành động khắc phục kiểm điểm. Trong đó, những "địa chỉ" trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể, đơn vị được nêu rõ.

Có 12 sở, ngành bị chỉ điểm đích danh cho đợt tự phê bình và phê bình lần này. Cuộc sinh hoạt chính trị không chỉ thực hiện kiểu đóng cửa nội bộ mà có cả lãnh đạo Thành ủy tham dự và chỉ đạo trực tiếp.

Theo Bí thư, vừa qua, Ban cán sự đảng đã yêu cầu các sở, ngành giải trình và bản báo cáo tổng hợp về đợt sinh hoạt này cuối cùng dài lên đến 39 trang, trong đó chỉ rõ đích danh những địa chỉ, trách nhiệm của cá nhân, tập thể cho những thiếu sót, yếu kém hay những khuyết điểm khác.

Như tinh thần chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị kiểm điểm của Hà Nội, Bí thư Thành ủy cho hay thành phố sẽ đẩy mạnh công tác cán bộ thời gian tới.

Tinh thần làm mạnh không chỉ luân chuyển, thay thế cán bộ trong nội bộ ngành mà có thể từ ngành này sang ngành khác.

Nếu một cán bộ bị đánh giá làm việc không tốt sẽ cho chuyển sang làm việc khác. Và biện pháp cao hơn, mạnh tay hơn đối với những cán bộ không được việc là "xử lý kỷ luật".

Đề cập việc trên, ông Phạm Quang Nghị cho hay, thực tế, thời gian qua, Hà Nội làm đã thường xuyên nhưng gắn với tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, Hà Nội sẽ thực hiện mạnh mẽ hơn nữa.

Theo đó, Hà Nội sẽ sớm thực hiện cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ hàng năm, trước hết thực hiện đối với các chức danh do HĐND, cấp ủy bầu.

"Trước kia hết nhiệm kỳ mới quy hoạch, rồi làm công tác giới thiệu nhân sự, bầu cử để thay thế, hay cán bộ hết tuổi thì nghỉ hưu... Nhưng bây giờ việc xem xét, đánh giá sẽ thường xuyên từng năm một. Nếu hai năm tín nhiệm thấp là thay, 1 năm tín nhiệm thấp cũng thay, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi" - Bí thư Hà Nội khẳng định.

Quy trình thủ tục thực hiện cơ chế này sẽ chặt chẽ nhằm đảm bảo khách quan. Từ nay đến tháng 11, thành phố sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các cấp tiến hành thực hiện, từ cấp cao đến từng cơ sở, địa phương.

Không hài lòng mức độ cạnh tranh

Ông Phạm Quang Nghị cũng nhận định, thành phố chưa hài lòng với mức độ, chỉ số tín nhiệm về cạnh tranh của Hà Nội so với các địa phương khác trong cả nước.

Chính vì vậy, tại cuộc kiểm điểm tự phê bình và phê bình lần này, các sở ngành nào liên quan đến những chỉ số, điểm cạnh tranh thấp của Hà Nội cũng được chỉ đạo giải quyết những thiếu sót, yếu kém cũng như khắc phục khuyết điểm.

"Từng tập thể, cá nhân phải có giải trình và cam kết khắc phục sửa chữa bao giờ thì xong..." - ông nói.

Bí thư Hà Nội nói, ông bỏ ngỏ ba chấm (...) sau danh sách 12 sở, ngành trong diện kiểm điểm lần này, tức việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình không dừng ở 10 ngày qua. Việc này sẽ được Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, sâu sắc ở tất cả các ngành, các cấp.

Đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình lần này cũng chỉ ra hàng loạt những công việc cụ thể, từ những việc không có gì ghê gớm, khó khăn để phát hiện nhưng tồn đọng lâu nay do khâu giám sát không chặt, xử lý không nghiêm như việc lát vỉa hè, công viên Tuổi trẻ sử dụng sai mục đích....

Linh Thư