- Rau cải, rau muống phủ xanh um những rẻo đất trống trong nghĩa địa xóm Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Rau ở đây được người dân tích cực chăm bón để mỗi ngày mang ra chợ đầu mối lớn tiêu thụ.

Theo tìm hiểu của PV, tại đội 1, xóm Quỳnh Đô, người dân trồng rau trong nghĩa địa nhiều năm nay. Các loại rau được trồng nơi đây chủ yếu là rau muống, rau cần, cải xoong, cải vồng… Rau trồng ở khu vực này phát triển tốt, xanh non nhìn rất bắt mắt.

{keywords}

Rau được trồng kín các rẻo đất trống quanh các ngôi mộ

Diện tích trồng rau ở đây ước chừng khoảng hơn 2ha, là đất trống xen kẽ các ngôi mộ, hoặc đất của các ngôi mộ đã bốc. Thậm chí, nhiều người dân tận dụng phần đất trên chính ngôi mộ để trồng rau. Có những ngôi mộ rau mọc xanh tốt đến nỗi nhìn vào chẳng còn nhận ra đó là phần mộ.

Clip rau xanh mơn mởn mọc kín nghĩa địa:

Cô N.T.N, một người dân đang chăm sóc ruộng rau muống chia sẻ: “Vừa thu hoạch xong vụ rau cần và cải xoong, giờ mọi người chuyển sang trồng rau muống và rau cải”.

Khi phóng viên thắc mắc về độ an toàn khi trồng rau trên khu đất có nhiều mồ mả như vậy thì cô N. trả lời: “Ôi giời, ở đây người ta ăn bao nhiêu năm nay có bị làm sao đâu mà lo”.

{keywords}
Rau xanh đủ loại trồng xen kẽ các ngôi mộ

Được biết, rau ở đây được người dân đem ra chợ cách đó khoảng gần 1 km để bán. Ngoài ra, hàng ngày người dân còn thu hoạch rau rồi mang trực tiếp lên chợ đầu mối Long Biên tiêu thụ.

{keywords}

Ruộng rau muống xanh um, chuẩn bị được thu hoạch

{keywords}

{keywords}

Hàng ngày vào khoảng 2-3 giờ sáng, rau ở xã Vĩnh Quỳnh được đưa ra chợ bán buôn (ảnh trên). Người dân còn gom mang lên chợ đầu mối Long Biên tiêu thụ (ảnh dưới)

Trao đổi với PV VietNamNet, bà Nguyễn Thị Thu Hồng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội cho biết: Ở xã Vĩnh Quỳnh 100% diện tích đất là nông nghiệp, người dân ở đây không có nghề phụ.

Lý giải việc trồng rau cạnh các ngôi mộ, vị chủ tịch cho biết: “Hoa màu ở đây tự mọc lên chứ không phải người ta trồng để ăn vì ở địa phương tôi chuyên trồng lúa”.

Rau trồng ở nghĩa địa có phải 'rau bẩn'?

GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam:

Nhiều người đặt vấn đề kim loại nặng ở nghĩa địa nhưng kim loại nặng là do đất, chứ không phải cứ có nghĩa trang là có kim loại nặng. Người dân sợ rau ở đó về mặt tâm linh vì đó là nghĩa trang chứ không phải "rau bẩn".

Nguồn nước gần nghĩa địa, nếu dùng để ăn uống mới đáng lo ngại, còn tưới cho rau không quá lo vì rau cũng hấp thụ có chọn lọc, không phải chất nào cũng đưa vào cây. Tuy nhiên để hạn chế các vi sinh vật và ký sinh trùng gây bệnh, nên rửa rau bằng nước sạch.

Ông Hoàng Trung, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT:

Chất lượng rau ngoài phụ thuộc vào đất còn phụ thuộc vào giống rau, quy trình chăm sóc (như bón nhiều phân hóa học, phun thuốc trừ sâu...)

Trồng rau ở nghĩa địa không phổ biến, chủ yếu người dân tận dụng trồng rau cho lợn. Trường hợp sử dụng cho người rất ít, người dân cũng không nên quá lo lắng vì ở các nghĩa trang, hài cốt thường được chôn sâu 1,5-2m nên kim loại nặng nếu có sẽ ngấm vào mạch nước ngầm, nguy cơ ảnh hưởng nguồn nước thôi chứ ít ảnh hưởng đến bề mặt đất.

Thúy Hạnh

Đoàn Bổng