Tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND tỉnh sáng nay, Sở LĐ-TB&XH cho hay, Hà Tĩnh đang có gần 68.000 người đang làm việc tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó tập trung ở châu Á và các nước châu Âu. Lượng ngoại tệ do người lao động gửi về nước là trên 4.500 tỷ đồng/năm.

Toàn tỉnh có trên 35.000 người đang làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài. Trong đó có khoảng 5.000 lao động vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài, số còn lại là lao động di cư tự do ra nước ngoài và không có giấy phép lao động.

{keywords}
Ông Nguyễn Trí Lạc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh

Theo ông Lạc, những năm gần đây số lao động đến các nước Hàn Quốc, Nhật bản chiếm số lượng rất lớn. Tại thị thị trường Hàn Quốc, ngoài các chương trình ký giữa hai quốc gia Việt Nam và Hàn Quốc, hiện Bộ LĐ-TB&XH cho phép Hà Tĩnh kết giao với một số tỉnh thành ở Hàn Quốc để hợp tác đưa một lượng lớn lao động sang nước này.

Tuy nhiên, hiện tượng các lao động của Hà Tĩnh sau khi tham gia các chương trình ký kết giữa hai nước đã bỏ trốn tại Hàn Quốc khiến cho cơ quan chức năng đang đau đầu. Việc người Việt bỏ trốn ra ngoài khá nhiều khiến chính phủ Hàn Quốc cấm lao động tại 5 huyện ở Hà Tĩnh không cho tham gia chương trình EVS.

Khó xử phạt lao động bất hợp pháp tại nước ngoài

Đại biểu Đào Thị Anh Nga nêu câu hỏi, hiện nay một số lượng lớn người lao động tại nước ngoài khi hết hợp đồng lao động đã bỏ trốn ra ngoài không về nước, việc này đã làm mất hình ảnh quê hương, con người Hà Tĩnh. Trước sự việc trên thời gian qua Sở đã xử phạt được bao nhiêu trường hợp bỏ trốn ở lại nước ngoài.

{keywords}
ĐB Đào Thị Anh Nga

Đại biểu Trần Hậu Tám đặt vấn đề, số người lao động bất hợp pháp ở nước ngoài khá lớn, trong số này không chỉ một bộ phận đi du lịch, thăm người thân, khám chữa bệnh để ở lại mà có hay không có các đường dây đưa người đi lao động chui. Sở và các ngành liên quan để điều tra, ngăn chặn các đường dây đưa người trái phép ra nước ngoài, tránh như sự việc đáng tiếc như vụ 39 người tử nạn ở Anh vừa qua.

{keywords}
Đại biểu Trần Hậu Tám

Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết, số người lao động khi đi theo các chương trình bỏ ra làm việc ngoài do năng suất lao động ở nước ngoài rất cao, thu nhập mỗi tháng bình quân từ 70 đến 80 triệu đồng. Hơn nữa, các nước sở tại có lao động bỏ ra ngoài cũng không kiểm soát gắt gao đối với số lao động này.

Đối với những người đi theo một số chương trình sang Hàn Quốc phải đóng cọc 100 triệu đồng để tránh bỏ trốn ra ngoài. Tuy nhiên, sau khi đến nơi bỏ ra ngoài làm việc lương rất cao, bình quân thu nhập từ 70 đến 80 triệu đồng nên số tiền đóng cọc không đủ để buộc người lao động về nước.

“Việc quản lý, xử phạt người dân lưu trú tại nước ngoài rất khó khăn, vì lao động khi bỏ trốn tại nước ngoài họ không về nước. Phía chính quyền cũng rất khó quản lý vì người dân đi đâu, làm gì cũng không báo cáo, rất khó khăn” – ông Lạc nói.

Liên quan đến việc điều tra, ngăn chặn các đường dây đưa người đi vượt biên chui, do hết giờ chất vấn nên việc này sẽ được Sở báo cáo đến đại biểu bằng văn bản sau.

{keywords}
Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn

Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho biết, Hà Tĩnh là một trong những địa phương có lượng người đi xuất khẩu đứng đầu cả nước. Xuất khẩu lao động góp phần nâng cao đời sống người dân và góp phần phát triển kinh tế tỉnh. Nhưng không ít trường hợp ra nước ngoài lao động để lại hậu quả hết sức đau lòng.

“Vừa Ban thường vụ tỉnh ủy đã có chủ trương đề nghị UBND xây dựng đề án phát triển và quản lý xuất khẩu lao động. Tỉnh sẽ rà soát, đánh giá toàn diện về đề án này” – ông Sơn nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ 5 con đường lao động nước ngoài hợp pháp

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ 5 con đường lao động nước ngoài hợp pháp

Bộ trưởng LĐTBXH hướng dẫn người đi lao động ở nước ngoài hợp pháp theo 5 hình thức và khuyến cáo không nên đi theo con đường bất hợp pháp.

Lê Minh