Sáng 28/9 tại thành phố Hà Tĩnh, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

{keywords}
Hà Tĩnh: "Nâng đầu đỡ cuối, tất cả cùng tiến bộ, phát triển"

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ và lãnh đạo một số bộ, ban ngành Trung ương.

Trước khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bình quân mỗi xã của Hà Tĩnh chỉ đạt 3,5 tiêu chí, không có xã đạt trên 10 tiêu chí; có đến 183 xã đạt dưới 5 tiêu chí, trong đó có 20 xã không đạt tiêu chí nào.

Tổ chức sản xuất, sản xuất nông nghiệp tăng trưởng chậm, thiếu bền vững, bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt dưới 2%. Thu nhập bình quân toàn tỉnh đạt 14 triệu đồng/người/năm, trong đó khu vực nông thôn 8,46 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo 23,91%.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Hội nghị Trung ương 7 khoá IX về “tam nông” trong đó xác định chương trình xây dựng nông thôn mới là giải pháp quan trọng, tỉnh Hà Tĩnh đã nâng cao năng lực, trình độ sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2010 - 2018 đạt trên 3,7%/năm (cả nước 2,9%).

Đến tháng 9/2019, Hà Tĩnh có 173 xã đạt chuẩn (chiếm 75,5% tổng số xã), dự kiến đến cuối năm 2019 có trên 188 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 83% tổng số xã). Bình quân tiêu chí/xã của Hà Tĩnh đạt 18,3/19 tiêu chí, dự kiến đến cuối năm 2019 đạt 18,9 tiêu chí (tăng 15,4 tiêu chí so với năm 2010), không còn xã dưới 12 tiêu chí (chỉ tiêu đến năm 2020 của Trung ương không còn xã dưới 5 tiêu chí).

Một nét đặc trưng trong xây dựng nông thôn mới của Hà Tĩnh là cách thức triển khai khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu. Mô hình này đã tạo điều kiện tối đa cho người dân phát huy vai trò chủ thể của mình, tạo động lực trực tiếp cho người dân và cộng đồng dân cư tham gia, bởi lợi ích thiết thực, thiết thân mang lại, kinh tế hộ gia đình phát triển, môi trường sống được cải thiện, tình làng, nghĩa xóm gắn kết mật thiết hơn, từ đó đã tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn và cộng đồng dân cư, tạo ra xã đạt chuẩn nông thôn mới thuyết phục và bền vững hơn.

Mô hình này hiện có 1.686/1.715 thôn triển khai xây dựng (chiếm 98% tổng số thôn), trên 9.000 vườn triển khai thực hiện, trong đó có 298 khu dân cư, 3.000 vườn mẫu đạt chuẩn, được nhiều tỉnh thành trên cả nước tới học tập kinh nghiệm.

Ngoài ra, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng chương trình của Chính phủ, Hà Tĩnh cũng quan tâm triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao với 3 xã đạt chuẩn, và dự kiến cuối năm 2019 có  ít nhất 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là các xã đạt được tiêu chuẩn về kinh tế - xã hội - văn hóa - môi trường cao hơn các xã nông thôn mới khác.

Tốc độ tăng trưởng thu nhập người dân nông thôn ở Hà Tĩnh cao hơn ở khu vực thành thị. Nếu như 10 năm qua, thu nhập của người dân thành thị tăng 2,9 lần lên mức gần 50 triệu đồng/người thì khu vực nông thôn tăng 3,6 lần để đạt 30,5 triệu đồng/người. Đến nay có 207/229 xã đạt tiêu chí thu nhập, đạt 90% (tăng 61% so với năm 2010). Tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 5,82% (giảm 18,09% so năm 2011 và giảm 5,58% so năm 2015).

Bài học mà tỉnh Hà Tĩnh rút ra trong xây dựng nông thôn mới theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn là quyết liệt triển khai, cụ thể hoá các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. “Phương châm thực hiện là dựa vào dân để lo cuộc sống cho dân”, "Nâng đầu đỡ cuối, tất cả cùng tiến bộ, phát triển", "Dừng lại là rớt chuẩn", "Nông thôn mới có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc".

Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc vận động hướng vào mục tiêu xây dựng NTM thiết thực như cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, phong trào “5 không, 3 sạch”, “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”, “Cựu chiến binh thi đua làm kinh tế giỏi”, “Phụ nữ tích cực xây dựng nhà sạch, vườn đẹp, tham gia bảo vệ môi trường, chung sức xây dựng NTM”, “Tuổi trẻ chung sức xây dựng NTM”, “Toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chung sức thực hiện tái cơ cấu ngành, xây dựng NTM giai đoạn 2017 - 2020”…

Trong giai đoạn 2010- 2019, Hà Tĩnh đã huy động được gần 70.000 tỷ đồng trong xây dựng nông thôn mới, trong đó vốn tín dụng chiếm hơn 49%, vốn nhân dân đóng góp bằng nhiều hình thức khác nhau chiếm 22%, còn lại là vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và vốn lồng ghép các chương trình mục tiêu.

Bài: Nguyễn Thị Vân Anh - nhóm PV
Ảnh: Tạ Ngọc Huy Linh - nhóm PV