Con tàu CSB – 8002, lớp tàu DN – 2000 là thế hệ tàu tối tân nhất của Cảnh sát biển Việt Nam, mới hạ thủy cuối năm 2014, vừa kết thúc chuyến hải trình hơn 2.000 hải lý trên biển. Chuyến đi này có nhiều đặc biệt, bởi là chuyến “thử lửa” đường dài đầu tiên của 8002 cùng Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng.


Đoàn công tác, đứng đầu là Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng Quốc phòng; Trung tướng Phạm Ngọc Minh, Phó Đô đốc, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam; Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển cùng đại diện lãnh đạo nhiều cục, ngành, đơn vị trong và ngoài quân đội đi thăm và kiểm tra xuyên suốt các đảo miền trung và Tây Nam phần lãnh hải Việt Nam, rồi quay lại tuần thám vùng biển Trường Sa…

{keywords}

Tàu CSB -8002, tàu tuần thám đa năng hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á chuẩn bị cập cảng Phú Quốc


Những điều ngạc nhiên từ con số 8002…

Con tàu 8002 khởi hành tại Nhà máy đóng tàu Sông Thu (Đà Nẵng) trong một ngày đẹp trời. 8002 là lớp tàu đa năng, sức giãn nước hơn 2.000 tấn, có thể hoạt động liên tục 40 ngày trên biển với tầm kiểm soát 5.000 hải lý. Tàu có thể hoạt động được ở sóng cấp 12, được trang bị nhiều thiết bị tiên tiến để tuần thám và cứu hộ cứu nạn được từ 180 – 200 người…

Đây là tàu đa năng thứ hai được đóng mới trong nước, dưới sự hợp tác của chuyên gia Hà Lan, và có một số điểm cải tiến đúc rút từ tàu 8001 (là lớp tàu cùng thế hệ, đóng tại Hải Phòng, hạ thủy tháng 10-2013). Một điểm trùng hợp nữa, hai con tàu nghìn tỷ này (8001, 8002) đều được trao vào tay hai Thuyền trưởng… cùng tên Đức Tuyên, chỉ khác nhau về họ (thuyền trưởng 8001 là Thiếu tá Nguyễn Đức Tuyên; thuyền trưởng 8002 là Đại úy Vũ Đức Tuyên).

Điểm đến đầu tiên của hải trình là đảo Lý Sơn, sau đó là Phú Quý, Côn Đảo, Thổ Chu, Phú Quốc. Nghĩa là, nó đi từ biển miền trung đến vùng biển biên giới Tây Nam, qua ba quân khu, hai vùng biển Hải quân, ba vùng Cảnh sát biển. Rồi quay trở lại vùng biển Trường Sa, khu vực DK 1 và kết thúc hải trình tại vùng Cảnh sát biển 2 (Quảng Nam).

Suốt chuyến đi, thuyền trưởng Vũ Đức Tuyên luôn thường trực nụ cười trên môi, các sĩ quan, chiến sĩ đều tuổi cuối 7x, đầu 8x, trẻ trung, tươi tắn. Nhưng khi xuất bến Lý Sơn, cập cảng Thổ Chu… thời tiết đột ngột biến đổi xấu, chúng tôi mới chứng kiến được sự dứt khoát nhà nghề, rắn rỏi mạnh mẽ của những người chiến sĩ trên biển.

Hỏi chuyện thượng úy Phạm Văn Chuyền, lái chính của tàu mới biết, (trừ Thuyền trưởng, Thuyền phó lúc đó bận đi học) cả kíp tàu 8002 đều đã từng kinh qua cuộc đấu tranh pháp lý trên biển giữa năm ngoái để đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương 981 khỏi lãnh hải Việt Nam. Thượng úy Chuyền lúc đó là thuyền phó tàu 4033, tàu đầu tiên bị tàu hải cảnh Trung Quốc khiêu khích đâm hỏng. Tổng cộng thời gian, Phạm Văn Chuyền ở liên tục 62 ngày trên biển trong “chiến dịch” này để cùng đồng đội thực thi chủ quyền.

Thấy tôi khen con tàu 8002 này chạy trên biển sóng cấp 5 cấp 6 mà êm như đi trên phà sông, Chuyền cười nhẹ: “Thì anh đang đi trên con tàu đa năng hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á mà, chứ anh đi trên tàu nhỏ như chúng em năm ngoái thì trải nghiệm nó khác…”. Lúc đó tôi mới thấm hiểu, bên ngoài vẻ hiền lành của các sĩ quan, chiến sĩ trên tàu, là những “bộ lõi thép” đã được tôi luyện, hàng tháng trời ăn lương khô với nước lã, tinh thần chiến đấu thường trực cao độ để đối phó với đối phương.

Đại tá Đào Hồng Nghiệp, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, cũng đi trên tàu 8002 (năm ngoái ông là Tổng chỉ huy lực lượng đấu tranh thực thi chủ quyền trên biển, trực tiếp trên biển 35 ngày) kể khá nhiều chuyện về năm 2014, ông kết luận: Khi ra biển, chứng kiến tinh thần của anh em chiến sĩ mới thực sự xúc động sâu sắc tinh thần dũng cảm và kiên quyết, khôn khéo của chiến sĩ ta… Ấy vậy mà bình thời, tôi để ý thấy cứ lúc rảnh rỗi, các sĩ quan Nguyễn Văn Tài, Phùng Hưng lại ra sau tàu thăm nom… chim chào mào! Hóa ra đi biển dài ngày vậy mà hai anh vẫn mang theo mỗi người một lồng chim, để giờ nghỉ thì chăm chút và nghe chim hót! Đấy, bản lĩnh của con người Việt Nam là thế!

Đi trên tàu 8002 lần này, may mắn là một chuyến du hành trên biển “nhàn”, nhưng tôi cũng đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, càng hiểu thêm câu thơ của nhà thơ Huy Cận ca ngợi con người Việt Nam: “Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa…/Sống hiên ngang mà nhân ái, chan hòa”!

{keywords}

Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng nghe diễn văn tưởng niệm, chuẩn bị thắp hương trước đài tưởng niệm tại nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo


'Biển đảo là sinh mạng, là con mắt, bàn tay'

Anh Phạm Cường, 40 tuổi, người dân xã An Vĩnh có một mảnh đất trồng hành tỏi ngay trước cửa Ban Chỉ huy a uân sự huyện đảo Lý Sơn. Tranh thủ lúc đoàn đang làm việc với Ban Chỉ huy, tôi ra hỏi chuyện anh lúc anh đang tưới hành, mới biết anh thuộc dòng họ Phạm, một trong thất tộc (bảy dòng họ gồm hai dòng họ Phạm Văn, Phạm Quang, hai dòng họ Võ Xuân, Võ Văn và ba họ Lê, Nguyễn Trần) từ làng An Vĩnh trong đất liền ra Cù lao Ré (đảo Lý Sơn) lập làng từ đầu thế kỷ 16.

Tổ tiên anh Cường nhiều đời từng có người đi lính thuộc hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Anh Cường cho biết, hiện nay, đất trên đảo rất ít, chỉ được cấp hơn 100 m2 đất một khẩu. Gia đình anh có năm lao động mà chỉ có 600 m2 đất, mùa đông trồng tỏi, mùa xuân, hạ trồng hành tía.

Hành tỏi trên đảo Lý Sơn được trồng đặc biệt trên hai lớp đất, ở dưới là đất đỏ từ núi lửa, ở trên là cát hút dưới biển, nên có hương vị đặc biệt, ăn sống không hăng ngái, nổi tiếng cả nước và trong đất liền rất có giá. Sau một mùa phải thay đất cát, ba mùa phải thay đất đỏ nên trồng được cây hành, cây tỏi rất vất vả. Hiện nay, hành bán buôn có giá từ 30.000 – 40.000 đồng/1kg; tỏi có giá 50.000 – 60.000 đồng/1kg nên gia đình anh cũng tạm đủ ăn. Câu nói “biển đảo là sinh mạng…” ở trên là câu nói của anh Cường trong lúc trò chuyện với tôi, và tôi sẽ kể lý do tại sao có câu nói ấy…

Trong chuyến công tác của Đoàn công tác Bộ Quốc phòng, ngoài việc kiểm tra các lực lượng bố phòng, động viên thăm hỏi tinh thần nhân dân, chính quyền, các mẹ Việt Nam Anh hùng tại các huyện đảo, xã đảo kể trên; thì đoàn đi đến đâu, việc đầu tiên cũng là thắp, dâng hương tại các di tích, đền, đài liệt sĩ ghi công các thế hệ anh hùng thời trước đã mưu sinh và bỏ thân gìn giữ biển đảo của Tổ quốc.

{keywords}

Những ngôi mộ lẫn trong ruộng hành, tỏi khắp đảo Lý Sơn. Một số trong những ngôi mộ ấy là “mộ gió”


Ở Lý Sơn là tượng đài Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải và chùa Âm Linh tự (nơi diễn ra lễ khao lề thế lính Hoàng Sa hàng năm). Ở Phú Quý là nghĩa trang liệt sĩ. Ở Côn Đảo là nhóm di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo, nghĩa trang Hàng Dương.

Ở Thổ Chu là đền Thổ Châu, có bia tưởng niệm các liệt sĩ và hơn 500 dân thường đã bị giặc Pol Pot sát hại năm 1975, khi chúng mưu toan chiếm đảo. Ở Phú Quốc là di tích nhà tù Phú Quốc nơi hơn 40.000 chiến sĩ của ta bị giặc giam giữ, hành hạ và sát hại. Đảo nào cũng ghi đầy dấu đau thương của dân tộc ta đã dùng máu và nước mắt không chỉ để giữ gìn biển, đảo mà còn làm cho cuộc sống ở những nơi khô cằn, rừng rú, xa xôi ấy nở hoa, phát triển.

Hoa khôi đồng bằng sông Cửu Long 2015, Nguyễn Thị Lệ Nam Em, hiện là sinh viên năm thứ nhất của Trường Văn hóa Nghệ thuật quân đội đi trong tổ văn nghệ trong đoàn thốt lên một câu hỏi làm tôi giật mình: “Sao đảo nào cũng đẹp như ngọc thế này mà hồi xưa quân giặc nào đến cũng biến thành địa ngục trần gian?”. Không ai trả lời câu hỏi này, nhưng tôi tin, một vài năm nữa, cô hoa khôi 19 tuổi này sẽ hiểu, và tự trả lời được câu hỏi của mình…

Trở lại câu chuyện về anh Phạm Cường, người dân trồng hành, tỏi trên đảo núi lửa Lý Sơn. Khi tôi hỏi về nghi thức của Lễ khao lề thế lính, anh Cường giải thích cho tôi, Lễ khao này có hai phần, một là “khao lề tế lính” là để tế vong linh những người lính Hoàng Sa đã bỏ thân trên biển, đồng đội phải bó chiếu, kẹp tre, buộc dây mây rồi thả xác xuống biển. Hai là “khao lề thế lính” tức là dùng lễ vật, thuyền mã, hình nhân cúng rồi thả ra biển, nghi thức này là để dùng cho người sống, những người sắp đi ra biển để giữ Hoàng Sa không biết đến ngày nào mới về. Ý nghĩa nôm na là cúng “thần biển” để mong rằng, thần linh biển cả dùng những vật tế này mà tha mạng cho những người sắp ra đi.

Tôi hỏi anh Cường, giả dụ bây giờ lại phải có một hải đội Hoàng Sa như thế, anh có dám xung phong gia nhập như cha ông trước kia không? Anh Cường lặng đi một lúc rồi khoát tay chỉ cho tôi những ngôi mộ chung quanh, lẫn trong các ruộng hành. Ở Lý Sơn đất ít, nghĩa trang tập trung không đủ, người ta chôn và xây mộ luôn ngoài ruộng, đi vòng quanh đảo, đâu đâu cũng thấy những khu ruộng – mộ, mộ - ruộng ấy.

Anh Cường giải thích, có rất nhiều ngôi mộ trong những ngôi mộ ấy là “mộ gió” của những người trong hải đội Hoàng Sa xưa kia (chỉ có mộ mà không có xác, vì xác họ vùi trong biển cả, biển cả là nấm mồ vĩ đại của họ). Rồi anh Cường nói, tiếng Quảng khá khó nghe, nhưng đại ý: Cha ông chúng tôi đã sống và chết để gìn giữ nơi đây, rồi chúng tôi cũng sẽ như thế. Biển với chúng tôi nghĩa là sinh mạng, đảo với chúng tôi còn quý hơn cả con mắt, bàn tay. Sao anh lại hỏi tôi là có dám không?

Tôi lặng đi, bàng hoàng trước câu trả lời giản dị của anh Cường. Nếu câu nói đó là phát ngôn của một sĩ quan quân đội f, thì tôi cũng không lấy gì làm ngạc nhiên, bởi họ được trao trách nhiệm cùng quyền lợi để bảo vệ Tổ quốc. Nhưng ở đây, chỉ là câu nói của một người dân bình thường, không cần lên gân, không cần biểu thị quyết tâm gì cả, mà đơn giản như một lẽ tự nhiên. Và tôi hiểu ra một điều, có một chân lý, ai đời đời lấy máu tưới lên mảnh đất, dặm biển để giữ gìn, làm cho vùng đất, nước đó trở nên giàu có tươi đẹp, thì người đó mới là chủ sở hữu thực sự của vùng đất nước ấy.

(Theo Nhân dân)