Những người dân trên hòn đảo nhỏ Yeonpyeong kể rằng, mới buổi sáng, họ còn ngồi bên nhau trò chuyện, trao đổi. Bữa cơm trưa trôi qua chưa lâu, phút chốc, hòn đảo bình yên tan tác vì đạn pháo, người dân tứ tán, thương vong, thất lạc.

Đạn pháo bất ngờ dội xuống, phút chốc người dân tứ tán. Ảnh: Nytimes

2h34 chiều 23/11 (giờ địa phương), từ một căn cứ sát biển ở phía bắc bán đảo Triều Tiên, binh lính Bình Nhưỡng đã nã hàng trăm quả đạn pháo về phía Hàn Quốc. 13 phút sau, Hàn Quốc đáp trả. Sau 30 phút, tiếng pháo chấm dứt, nhưng hòn đảo có lẽ chưa tìm lại được giờ phút bình yên vốn có trong một sớm một chiều.


Hàng chục ngôi nhà bị phá hủy, bốc cháy, bốn người thiệt mạng (trong đó có hai dân thường), hàng chục người bị thương. Người dân chen chúc nơi bến tàu, cố tìm về cảng Incheon sơ tán.


Những người còn lại, ít nhất thêm hai lần nghe thấy tiếng còi báo động, vội vã tìm nơi trú ẩn khi trên đảo lại nghe thấy tiếng pháo từ phía Triều Tiên. Nếu chiến tranh hai miền nổ ra, mọi người có thể gọi đó là Thế chiến III, nhưng cũng không ít người khiếp sợ mà mô tả về cuộc chiến có thể xảy ra vào cuối năm 2010 là Chiến tranh hạt nhân lần thứ nhất.


Tổng thống Mỹ tuyên bố, Mỹ sẽ bảo vệ đồng minh Hàn Quốc. Không lâu sau vụ nã pháo, Washington đã điều động một siêu tàu sân bay hạt nhân tham gia tập trận hải quân chung với Hàn Quốc ở Hoàng Hải.


Tại Thủ đô Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak kêu gọi kiềm chế. Nhưng lời kêu gọi hòa bình “lẻ loi” của ông dường như bị nhấn chìm giữa biển người sôi sục đòi trả đũa.


Nhiều cuộc biểu tình nổ ra ở ngay tại Seoul, những lời chỉ trích nặng nề về phản ứng của quân đội trước cuộc tấn công bất ngờ từ Triều Tiên đã buộc Bộ trưởng Quốc phòng Kim Tae-young từ chức. Nhà Xanh chỉ sau một ngày phải bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng mới, để nhanh chóng “lấy lại lòng tin của dân chúng, cải tổ quân đội”, kịp thời đối phó với tình hình ngày một căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.


Chỉ huy lực lượng hải quân Hàn Quốc thề “đáp trả gấp nghìn lần” cuộc tấn công của Triều Tiên. Còn hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) nhiều lần tuyên bố, Seoul sẽ phải chịu hậu quả không thể lường trước được. “Triều Tiên sẽ tiến hành làn sóng tấn công thứ hai, thậm chí là thứ ba, không hề khoan nhượng, nếu Hàn Quốc có những hành động khiêu khích quân sự gây hấn”.


Những tuyên bố trả đũa lẫn nhau của hai miền Triều Tiên trở nên nóng hơn bao giờ hết. Trong những mục tin tức quốc tế trên các phương tiện truyền thông thế giới, tình hình bán đảo Triều Tiên chiếm thời lượng chủ yếu.


Cả thế giới theo dõi sát sao diễn biến giữa hai bên, giới phân tích đưa ra mọi khả năng có thể, người yêu chuộng hoà bình phập phồng chờ đợi những gì diễn ra ở hai quốc gia quân sự hóa hàng đầu thế giới. Triều Tiên có quân đội lớn thứ tư thế giới, Hàn Quốc thì đứng thứ sáu.


Nếu xảy ra chiến tranh, hậu quả tàn khốc thế nào, chưa ai dám ước đoán.


Thời báo New York đã mô tả về phút giây kinh hoàng khi một người dân thường trên hòn đảo nhỏ Yeonpyeong nghe thấy đạn pháo bất ngờ trút xuống. Hong Kwang-sun và các công nhân khác trong đội xây dựng của ông vội vã lao xuống tầng hầm tòa nhà họ đang xây dựng dở trên đảo. Khi chạy xuống, ông thấy hai công nhân vẫn ở bên ngoài, sau đó một loạt đạn khác lại vang lên, nhấn chìm công trình xây dựng dở trong biển lửa.


Ngày hôm sau, đội cứu hộ tìm thấy thi thể của hai người đàn ông, họ bị cháy khó có thể nhận dạng.


Chúng tôi không bao giờ nghĩ họ sẽ tấn công vào dân thường”, ông Hong nói khi đang ngồi cùng với những người sống sót khác ở thành phố cảng Incheon, Hàn Quốc.

Sau nhiều năm đóng góp viện trợ lương thực và các vật dụng khác cho Triều Tiên, giờ đây, nhiều người Hàn Quốc nói rằng, họ cảm thấy bị phản bội và tức giận. Cho Jong-gu, 44 tuổi, một người bán hàng ở Seoul nói. “Lần này, không chỉ có binh lính, Triều Tiên đã làm tổn thương cả những dân thường”.


Hong Jae-soon, 55 tuổi, người dân ở Yeonpyeong kể lại, bà đang gọt gừng trong bếp để làm kim chi thì nghe thấy tiếng nổ phía xa. Khi mặt đất rung chuyển, bà chạy ra ngoài và nhìn thấy ngôi nhà cách nhà bà bốn hộ bốc cháy và sập xuống.


Chung Young-ae, 72 tuổi, người đã sống cả cuộc đời trên đảo, cho biết, bà đang tìm con hàu trong dòng nước nông, thì nghe thấy nhiều tiếng nổ, nhìn lên thấy núi bốc cháy. “Trong chiến tranh Triều Tiên, tôi 12 tuổi, chúng tôi thấy máy bay bay trên đầu, nhưng chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng thế này”, bà nói.


Chung đã ở trong hầm trú ẩn giá lạnh, tối tăm suốt hai ngày trở không có chăn đệm, chỉ có chút bánh mỳ cho tới khi bà ra được khỏi đảo và tới Incheon. Bà nói, rất nhiều người Hàn Quốc có chung cảm giác tức giận và sợ hãi. “Không, chúng tôi không thể chiến đấu với họ, nhưng chúng tôi sẽ không giúp đỡ họ thêm nữa”, bà cho biết.


Cũng như rất nhiều người trên đảo, bà nói, cho dù Yeonpyeong là nơi bà đã dành phần lớn cuộc đời sinh sống, nhưng bà có thể không bao giờ trở lại, vì sợ hãi bị tấn công một lần nữa.


Tại In Spa World, một trung tâm giải trí giờ đây giống như một trại tị nạn, vài trăm người trên đảo đến đây tìm chốn an toàn. Họ ngủ trên sàn, hay xếp hàng ở một khu vực phát đồ ăn do những người tình nguyện dựng lên tạm thời.


Choi Byung-soo kể lại, anh đang ngồi ở nhà với bạn bè ăn trưa thì cạnh nhà vang lên tiếng nổ, cửa sổ nhà anh bị thổi tung. Khi vội vã chạy ra ngoài, họ nhìn thấy nhiều cột khói đen bốc cao từ thị trấn. Sau khi đến Incheon, Choi phải nhập viện vì không nghe thấy gì, hệ hô hấp tổn thương do ngạt khói, tinh thần bấn loạn.


Cũng như ông Hong, người đã chứng kiến đồng nghiệp tử nạn vì đạn pháo, anh Choi cũng không muốn Hàn Quốc viện trợ lương thực cho Triều Tiên. “Chúng tôi không nên tấn công họ, và tôi có thể nhớ rằng trước đây chúng tôi từng như họ, nghèo và đói. Nhưng nếu chúng tôi viện trợ cho họ, họ sẽ sử dụng chính nó để giết chết chúng tôi”.


Cả một đất nước Hàn Quốc với những phép màu kinh tế, từng bắt đầu từ con số 0 sau chiến tranh để đưa quốc gia phát triển như ngày nay, hơn ai hết hiểu rõ nhất sự tàn khốc, cái giá không thể bù đắp nổi nếu một lần nữa, xung đột bùng nổ.


Nhưng trong men say thành tựu, họ đã chợt “tỉnh mộng” khi hòa bình phút chốc hoá mỏng manh.


  • Thái An