- Trong buổi tọa đàm về “Quyền lợi của hành khách và giải pháp giảm chậm, hủy chuyến bay” do báo Giao thông vận tải tổ chức vào ngày 16/7, nhiều thông tin ít ai biết đã được các chuyên gia giải đáp.

Bồi thường 100-300 nghìn

Theo ông Lê Hồng Hà – Tổng giám đốc Jetstar Pacific, trong trường hợp khách hàng bị chậm, hủy chuyến sẽ được hưởng bồi thường và các dịch vụ theo Quyết định 10/2007/QĐ của Bộ GTVT.

Cụ thể, chuyến bay bị hủy 24 giờ so với giờ hành khách đã mua vé thì hãng hàng không phải trả tiền bồi thường ứng trước không hoàn lại cho hành khách với mức: 100.000 đồng với các đường bay dưới 500km; 200.000 đồng với các đường bay trên 500 km; 300.000 đồng với các đường bay trên 1.000 km.

Thông tư 06/2009 của Bộ GTVT áp dụng trong trường hợp chậm trên 20 phút thì cứ 15 phút hãng hàng không phải thông báo, xin lỗi hành khách. Nếu chậm trên 2 giờ phải phục vụ nước uống, trên 3 giờ phục vụ đồ ăn, trên 6 giờ phục vụ chỗ nghỉ, trên 12 giờ phải đổi chuyến cho hành khách.

Đối với các tuyến quốc tế dưới 1.000km, Jetstar hiện bồi thường 25 USD; Tuyến từ 1.000km đến dưới 2.500km là 50 USD; Tuyến từ 2.500km đến dưới 5.000km là 80 USD; Tuyến từ trên 5.000km là 150 USD.

Nói về mức bồi thường này, Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh đánh giá còn quá thấp.

“Ở Châu Âu mức bồi thường này rất cao. Chúng ta đã áp dụng theo, nhưng mức của chúng ta quá thấp vì phải bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của hãng hàng không và khách hàng nên không trả được như mức của EU. Ở EU mức bồi thường ứng trước không hoàn lại thấp nhất là 250 Euro”, ông Thanh cho hay.

Theo ông Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không, Quyết định 10/2007/QĐ của Bộ GTVT mới chỉ quy định trách nhiệm bồi thường không hoàn lại với trường hợp hủy chuyến chứ không quy định trách nhiệm bồi thường phục vụ với trường hợp chậm chuyến.

Ông Nam đề xuất nên xem xét mở rộng Quyết định số 10 để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng và cần phổ cập thông tin về các chính sách bồi thường để cả hành khách và nhân viên hàng không nắm được.

{keywords}
 
Các khách mời trong buổi tọa đàm. Ảnh: Báo GTVT

“Tôi cũng đề nghị không đánh đồng hàng không giá rẻ với việc chậm hủy chuyến, của rẻ là của ôi. Nếu dư luận cứ hiểu như vậy là sự xúc phạm lớn với hàng không giá rẻ, đây không phải là tiêu chí hoạt động của hàng không giá rẻ. Bởi hiện nay, đứng đầu ở châu Âu lại là các hãng hàng không giá rẻ, như Easy Jet, Ryana, tỷ lệ bay đúng giờ còn tốt hơn cả hàng không truyền thống”, ông Nam nói thêm.

95% đúng tuyến khó khả thi

Tình trạng các hãng hàng không giá rẻ bị chậm, hủy chuyến lên tới 40-50% thời gian qua gây bức xúc rất lớn trong dư luận.

Trước thực trạng này, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã họp, đánh giá toàn diện những tồn tại, hạn chế, để đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng này.

Trong cuộc họp, Vietjet Air hứa sẽ cố gắng đạt 95% đúng chuyến.

Nói về con số này, ông Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không đánh giá đây là con số khó thực thi.

“6 tháng qua, theo thống kê của ngành GTVT Mỹ, tỷ lệ bay đúng giờ ở nước này chiếm 74,66%, tại Anh tỷ lệ đúng giờ cũng chỉ gần 80%. Trên thế giới, có rất ít hãng hàng không đạt được tỷ lệ đúng giờ chiếm 90% và không có hãng nào đạt trên 95%. Nếu các anh đã cam kết trước Bộ trưởng thì các anh cần cân nhắc”, ông Nam phân tích.

Ông Nguyễn Đức Tâm – Phó TGĐ Vietjet Air trình bày thêm: “Đại diện của hãng đã hiểu sai, đây là con số không thực tế. Con số ấy phải siêu sao mới thực hiện được… Chúng tôi chỉ có thể đặt ra mục tiêu giảm 95% nguyên nhân chủ quan do chính chúng tôi gây ra chậm chuyến”.

Nhà báo Lê Thanh Phong, báo Lao động cho rằng, trước mắt các hãng chỉ cần phấn đấu giảm chậm chuyến từ 40-50% xuống 30% đã là lý tưởng rồi. Nếu quá tập trung vào vấn đề chậm chuyến, chúng ta có thể bị phân tán vào các nội dung, phần việc khác.

“Cả hệ thống hiện chưa tương thích với sự tăng trưởng của lượng hành khách, dẫn đến quá tải, ách tắc. Vấn đề đặt ra là phải làm sao giải quyết được ách tắc này”, nhà báo Lê Thanh Phong nêu quan điểm.

Chuyên gia Lương Hoài Nam cũng cho rằng, không nên dồn lực tất cả vào việc giải quyết chậm chuyến, vì việc cần làm là tuyệt đối hóa an ninh hàng không. Không cần phải trả giá bằng an ninh, an toàn để đạt được mục tiêu đúng giờ.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách UBATGT quốc gia kiêm Vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ GTVT cũng khẳng định: “Bộ GTVT và Ủy ban ATGT QG không bao giờ đánh đổi mục tiêu an toàn vì điều gì cả. Chúng ta không bàn đến việc thay an toàn vì mục tiêu khác vì an toàn là tối thượng. Cái đang bàn là làm sao để phục vụ nhân dân tốt hơn. Mục tiêu an toàn không cho phép đánh đổi với bất cứ mục tiêu nào”.

Trước mắt Bộ GTVT giao chỉ tiêu: Vietnam Airlines phải giảm chậm, hủy chuyến bay xuống thấp hơn mức năm 2013 ngay trong Quý II năm nay. Các hãng còn lại phải giảm 50% số vụ chậm, hủy so với 6 tháng đầu năm 2014. Đến năm 2015 phải bảo đảm 90% bay đúng hạn…

M.Anh (lược ghi)