Tối 1/8, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) Phan Nhật Thanh cho biết, cùng ngày có khoảng hơn 3.000 người từ các tỉnh phía Nam đi xe máy về Tây Nguyên, đã làm thủ tục để qua chốt kiểm soát dịch Cai Chanh, xã Đắk Ru.

“Để đảm bảo công tác phòng dịch, chúng tôi đã tổ chức làm 3 đoàn, mỗi đoàn có khoảng hơn 1.000 người di chuyển cách nhau vài tiếng hướng về tỉnh Đắk Lắk”, ông Thanh thông tin.

{keywords}
Người dân tập trung thành từng đoàn ở chốt Cai Chanh chiều 1/8

Cũng theo ông Thanh, sở dĩ người dân vẫn đi xe máy về Tây Nguyên rất đông sau khi Thủ tướng có Công điện chỉ đạo "Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú từ sau ngày 31/7 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép), là vì những người này đã xuất phát từ tối ngày 31/7. Thời điểm người dân xuất phát để về quê là do chưa nắm được thông tin chỉ đạo trong Công điện.

“Những người dân trở về chiều hôm nay (1/8) lý giải với chúng tôi, họ chưa nắm được chỉ đạo của Trung ương. Tuy nhiên, theo dự báo của chúng tôi, tới đây lượng người chắc chắn sẽ không còn cảnh rồng rắn đi xe máy về Tây Nguyên nhiều như những ngày qua nữa”, ông Thanh cho hay.

Cũng trong chiều 1/8, cả hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk cùng cho biết, đã tạm dừng đón, tiếp nhận công dân tự ý về từ vùng đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

Thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã tiếp nhận trên 10.000 người, tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận khoảng 20.000 người về từ vùng dịch bằng phương tiện các nhân.

Cũng liên quan đến công tác phòng chống dịch, UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng (gọi là lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người.

Nhiều đoàn xuất phát từ ngày 30 và 31/7, nay mới qua Đà Nẵng về miền Trung 

XEM CLIP:

Vào lúc 22h15, tại địa điểm giáp ranh giữa hai huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) và huyện Hoà Vang (TP Đà Nẵng), Công an TP Đà Nẵng đã tiếp nhận 360 xe máy với 650 người dân di chuyển từ các tỉnh, TP phía Nam ra các tỉnh miền Trung. 

Hành trình của họ từ TP.HCM và Đồng Nai di chuyển đến Bình Dương, tại đây tập hợp người dân để di chuyển theo đoàn, đi Bình Phước, Đắc Nông, Đăk Lăk, Gia Lai, KonTum, Quảng Nam, Đà Nẵng.

Theo tìm hiểu, những người dân nêu trên xuất phát từ những ngày 29-30/7, đến tối 1/8 họ mới đến Đà Nẵng.

Trung tá Phạm Quyền, Phó Trưởng trạm Công an Hoà Nhơn cho biết, trước đoàn này, khoảng 19h đã có 1 đoàn tự phát gồm 70 xe máy với 125 người được Công an TP Đà Nẵng tiếp nhận. Trong đoàn hôm nay có 3 người Đà Nẵng về và đã được lực lượng chức năng đưa đến chốt kiểm tra C6 (huyện Hoà Vang) để làm thủ tục đi cách ly.

{keywords}
22h15, Công an TP Đà Nẵng đã tiếp nhận 360 xe máy với 650 người dân di chuyển từ các tỉnh, TP phía Nam ra các tỉnh miền Trung. Ảnh: Công Sáng

Với đoàn 360 xe máy, số lượng 650 người, sau khi tới địa phận Đà Nẵng, các nhà hảo tâm ở Quảng Nam và Đà Nẵng đã tiếp sức với những suất ăn, đồ uống để người dân dùng bữa, lấy sức tiếp tục lên đường.

“Những xe hư hỏng nhẹ có đội tình nguyện viên sửa xe tại chỗ cho bà con. Xe nào hỏng nặng, không đi được sẽ được đưa lên xe trung chuyển”, ông Quyền nói.

Sau khi nghỉ chân dùng bữa, uống nước, đoàn sẽ tiếp tục di chuyển đến đường Tạ Quang Bửu (chân đèo Hải Vân) và nghỉ ngơi tại đó 30 phút. Sau đó sẽ di chuyển lên đèo Hải Vân và bàn giao cho Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế tại đỉnh đèo để các lực lượng tiếp tục dẫn đường cho người dân về các tỉnh miền Trung.

Theo Trung tá Quyền, với số lượng 650 người, đây là đoàn đông nhất từ trước đến nay, vì những ngày trước Đà Nẵng tiếp nhận dao động từ 500-1000 người nhưng đi thành nhiều đoàn. Ông Quyền cho biết trung bình những ngày trước tiếp nhận nhận 3-4 đoàn.

{keywords}

Những xe hư hỏng nhẹ có đội tình nguyện viên sửa xe tại chỗ. Ảnh: Công Sáng

{keywords}
Các nhà hảo tâm Quảng Nam và Đà Nẵng đã tiếp sức với đồ ăn, nước uống để bà con tiếp tục lên đường. Ảnh: Công Sáng
{keywords}
Người dân nghỉ tại chốt, sau đó được lực lượng chức năng dẫn lên đèo Hải Vân tiếp tục hành trình. Ảnh: Công Sáng

Hàng nghìn người đi xe máy về TT-Huế và các tỉnh về miền Trung

Tại TT-Huế, thông tin với VietNamNet tối 1/8, một lãnh đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của tỉnh cho biết, các chốt kiểm soát y tế phía Nam của tỉnh ghi nhận hàng ngàn lượt người, phương tiện từ các tỉnh phía Nam đến/đi qua địa phương.

Cụ thể, tại chốt kiểm soát y tế số 6 đặt tại Trạm trung chuyển Bắc hầm Hải Vân (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc), chỉ trong ngày 1/8, lực lượng chức năng ghi nhận 4 đoàn với 1.450 xe máy, 2.551 người đến làm thủ tục khai báo y tế.

Trong số những người này, có hàng ngàn người quê ở tỉnh TT-Huế. Sau khi dịch bệnh bùng phát ở TP.HCM và một số tỉnh phía Nam, họ chạy xe máy về quê để tránh dịch.

Cách chốt kiểm soát y tế số 6 không xa, cũng trên địa bàn thị trấn Lăng Cô, chốt kiểm soát số 4 (kiểm tra người và phương tiện ô tô, xe vận tải hành khách) trong ngày 1/8 ghi nhận 387 phương tiện với 2.536 người đến làm thủ tục, khai báo y tế.

Trong số đó, có 675 người vào địa bàn tỉnh TT-Huế. Số còn lại là những người dân ngoại tỉnh, đi qua địa bàn để về quê tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh…

"Những người này chủ yếu di chuyển khỏi địa bàn TP.HCM và các tỉnh phía Nam trước thời điểm Thủ tướng có Công điện yêu cầu người dân tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương “ai ở đâu ở đấy” đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát”, một cán bộ CSGT tại chốt kiểm soát y tế số 6 cho biết.

Nhóm PV

Từ hôm nay, những nơi giãn cách xã hội 'ai ở đâu ở yên đấy'

Từ hôm nay, những nơi giãn cách xã hội 'ai ở đâu ở yên đấy'

Công điện về phòng, chống dịch Covid-19 của Thủ tướng ban hành ngày 31/7 yêu cầu 19 tỉnh phía Nam tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày; từ 1/8, ai ở đâu ở yên đấy.