- Có lẽ sẽ chẳng ai hình dung hết được khoảng thời gian kinh hoàng của 24 thuyền viên nằm trong tay bọn cướp biển, cũng như niềm hạnh phúc được về với cuộc sống đời thường của họ: Niềm hạnh phúc được tái sinh sau cơn sóng gió kinh hoàng nhất trong đời.

Ký ức kinh hoàng trong tay cướp biển
Sóng gió, biển cả, chết chóc đã ở lại sau lưng, nhưng những gì vừa trải qua thực sự trở thành chuỗi kí ức kinh hoàng, ám ảnh khôn nguôi trong tâm trí họ.


“Như được sống lại”

“Như được sống lại” – đó là câu nói anh Nguyễn Quyết Thắng – (đại phó tàu Hoàng Sơn Sun) lặp lại tới hai, ba lần và chính chị Hương – vợ anh khi tiếp chúng tôi cũng hạnh phúc nói đến khi anh trở về.

Anh Thắng xúc động khi nhớ đến giây phút nhận được cuộc điện thoại đầu tiên, biết chắc chắn anh em sẽ được thả: “Mọi người hạnh phúc lắm, không biết diễn tả như thế nào nữa… Như thể mình mắc một căn bệnh hiểm nghèo, tưởng chừng đã bó tay, nay gặp thầy, gặp thuốc được chữa lành vậy. Lúc ấy sướng lắm, mọi người không cần ăn luôn, mệt mấy cũng chịu được”.

Những khoảnh khắc sum vầy xúc động của hai cha con anh Thắng.
 

Sau khi được thả, đoàn thủy thủ lại phải tiếp tục rong ruổi 4 ngày từ vùng biển Somali để về tới Oman.

Đó là 4 ngày suy kiệt về sinh lực nhưng tinh thần thì vô cùng mạnh mẽ. Trên tàu không còn gì ngoài 4, 5 cân gạo vét và chút nước ngọt. Vậy mà anh em bất chấp tất cả, vẫn làm việc hết công suất. Người yếu nhất cũng phải làm việc được từ 18- 20 tiếng đồng hồ.

Biết mình được sống, biết mình được tự do, anh em mừng rỡ khôn xiết, chỉ biết cật lực lèo lái để cập bến an toàn. Mọi khổ đau, mọi chết chóc dường như quên hết.

“Ngày 23/9, chúng tôi đặt chân về tới sân bay Nội Bài. Nhìn thấy bạn bè, người thân, vợ con ra đón, người khóc, người cười, mình vui đến mức không thể phản ứng được gì. Anh em bạn bè khóc với mình, mình cũng không cười, không khóc lại được, chỉ biết ngồi ôm con trong cảm giác hạnh phúc khó tả…” – anh Thắng chia sẻ.

Ngay cả khi đã ngồi yên vị trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng của mình, anh vẫn không sao tìm được ngôn từ nào diễn tả niềm hạnh phúc ấy.

“Bữa cơm đầu tiên với gia đình ngay tối 23, mình ăn như được ăn bữa cơm “chết đi sống lại”. Dù mệt, dù không ăn được nhiều, nhưng chưa bao giờ thấy hạnh phúc hơn thế. Càng hạnh phúc hơn khi cảm nhận được tình yêu thương, lo lắng mà mọi người dành cho mình.

Hạnh phúc sung sướng khi biết rằng có rất, rất nhiều người lo lắng cho mình, phải cố gắng giữ lấy sinh mệnh này, sống sao cho thật tốt với sinh mệnh mà mình đang được nắm giữ” - anh Thắng chân thành chia sẻ.

Anh bảo, lúc ở trên tàu, anh em viết rất nhiều về những ngày tháng đau khổ, đầy cảm xúc, suy tư ấy.

Nhưng trở về tới Việt Nam, anh đã bỏ hết những gì đã viết, bởi, “được trở về là coi như được sống lại, coi như những tháng ngày ấy đã chết, không còn muốn nhớ tới”.

Đón chồng về từ cõi chết, chị Hương – vợ anh Thắng rưng rưng tâm sự:  “Chồng về là hạnh phúc rồi, tất cả những thứ khác với tôi đều không còn quan trọng nữa”.

Nỗi niềm người thủy thủ

Với những thủy thủ như anh Thắng, cái nghề cũng là cái nghiệp. Gia đình anh có ba anh em trai, đều đi biển, đều là thủy thủ.

Bản thân anh cũng phải học tập, phấn đấu gian nan cả chục năm trời mới được lên Đại phó… Anh bảo, mọi người cứ nghĩ nghề thủy thủ phiêu bồng, lãng tử lắm. Nhưng chỉ trong nghề mới thấm thía những được – mất.

 
 

“Mình và vợ yêu nhau từ thời cấp ba. Lấy nhau xong một tháng thì mình đã phải lên đường, đi tàu sang Địa Trung Hải. Một năm trời mới được gặp lại nhau, về nhà vợ đã đẻ con lớn tướng rồi” – anh cười mà mắt rưng rưng, tâm sự.

Câu chuyện giữa chúng tôi thi thoảng lại bị ngắt quãng hết sức xúc động bởi bé Mai Hân – cô con gái 5 tuổi của anh.

Cô bé được bố gọi yêu là “Ốc Bươu”. Ốc Bươu “quấn” bố không rời một bước.

“Cháu còn nhỏ nhưng cũng đã hiểu về bố. Từ hôm mình về, con lúc nào cũng ôm riết lấy, không chịu rời xa. Có lúc, cháu còn thủ thỉ bảo: “Con không ăn bim bim, không đòi mặc quần áo đẹp nữa để bố không phải đi làm nhiều nữa, bố ở nhà với con”.

Nghe con nói, anh chỉ biết cười ngậm ngùi…

“Đời thủy thủ là thế, hiểm nguy, gian nan nhưng cũng chẳng còn lựa chọn nào khác. Không đi thì để vợ con đói? Mà nếu ai cũng sợ thì bỏ nghề hết? Nghề này là thế, có thể chết mất xác mà vẫn phải chấp nhận… Thôi thì “Cô thương trời đẹp sóng gió tốt, ta đi tới nơi” như câu hát của cánh thủy thủ vẫn dùng để động viên nhau sống chết với nghề”.

Những câu này, anh Thắng nói nhẹ nhàng mà khiến người nghe lặng đi...

Quỳnh Anh