Đó là chia sẻ của đại diện Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương với Góc nhìn thẳng về những vụ án lừa đảo đa cấp gần đây như MB24, Liên Kết Việt...

Xem thêm các đối thoại khác tại chuyên mục Góc nhìn thẳng

Hôm 19/2, một vụ lừa đảo đa cấp gây rúng động xã hội đã bị cơ quan CSĐT, Bộ Công an khởi tố với quy mô số tiền giao dịch lên tới 1.900 tỷ đồng và 45.000 người tham gia. Trên thực tế, kinh doanh đa cấp đã được đưa vào Luật Cạnh tranh 12 năm nay, nhưng vài năm qua, vẫn nhiều vụ đa cấp trá hình xảy ra khiến hàng trăm, hàng nghìn người dân bị thiệt hại lớn.

Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet có cuộc trao đổi với ông Phan Đức Quế, Trưởng Phòng Điều tra xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương xung quanh vấn đề này.

Mời bạn đọc theo dõi cuộc trao đổi tại clip dưới đây: 

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, nhìn lại những vụ việc gần đây như vụ lừa đảo kinh doanh đa cấp công ty MB24, gần đây nhất là vụ công ty Liên Kết Việt, ông có đánh giá như thế nào về các vụ việc này?

Ông Phan Đức Quế: Hoạt động bán hàng đa cấp được thực hiện bởi một hệ thống người tham gia bán hàng bao gồm nhiều cấp, nhiều nhánh và số lượng người tham gia thường rất là lớn. Khi xảy ra vụ việc lừa đảo trên mô hình như thế này thì sẽ liên quan đến số lượng người tham gia rất lớn và giá trị lừa đảo cũng rất là cao.

Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng cũng như các cơ quan công an cũng đã tiến hành rất nhiều vụ việc. Từ năm 2004, cũng đã có những vụ việc bán hàng kinh doanh theo mô hình đa cấp đã bị xử lý như Colony Invest, hay Tâm Mặt Trời, những vụ liên quan đến kinh doanh dịch vụ của Diamond Holiday, gần đây có vụ công ty MB24 và mới nhất là vụ Công ty Liên Kết Việt.

Qua các vụ việc đã được xử lý trên cho thấy, các vụ việc này đều thực hiện trên cơ sở mô hình kinh doanh đa cấp để trục lợi. Các đối tượng vi phạm đều là những doanh nghiệp đa cấp không chân chính.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, trên thế giới, bán hàng kinh doanh đa cấp trên thế giới được coi là một phương thức kinh doanh tiến bộ nhưng ở Việt Nam, lại luôn có nhiều sai phạm xảy ra. Thực tế, bản chất mô hình này trên thế giới hoạt động ra sao?

{keywords}
Vụ lừa đảo đa cấp bằng chiêu  bán gian hàng ảo của Công ty MB24

Ông Phan Đức Quế: Mô hình này đã có từ lâu trên thế giới và xuất phát từ những nước phát triển như Mỹ. Đến thời điểm này, theo số liệu của Liên đoàn các Hiệp hội bán hàng trực tiếp, trên thế giới, có 170 quốc gia có pháp luật điều chỉnh hoạt động lĩnh vực đa cấp này.

Ở Việt Nam, ngay từ năm 1998 cũng đã bắt đầu có hoạt động đa cấp. Lĩnh vực này thực ra rất phát triển vì có những ưu điểm tốt như tiết kiệm chi phí như chi phí quảng cáo, từ đó, họ dành cho người tham gia một lợi ích nhất định.

Ở các nước có hoạt động đa cấp phát triển, giai đoạn đầu, cũng xảy ra những vụ việc lừa đảo tương tự như ở Việt Nam. Ví dụ ở Mỹ có mô hình hình Ponzi, có hình thức huy động tiền từ cấp dưới để trả cho người ở cấp trên. Đến một thời điểm, mô hình đó không tuyển được người tham gia nữa thì mô hình đó bị sụp đổ và những người ở dưới đáy hình tháp đó bị thiệt hại lớn.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, khi bán hàng đa cấp chưa được đưa chính thức vào Luật ở Việt Nam, đã có nhiều tranh cãi về chuyện đa cấp là lừa đảo hay không lừa đảo. Thực tế có nhiều kẻ xấu lợi dụng mô hình này để trục lợi cá nhân. Cơ quan quản lý cạnh tranh và các cơ quan chức năng hiện nay làm thế nào để kiểm soát được những biến tướng đó?

Ông Phan Đức Quế: Đây là một hình thức kinh doanh truyền miệng, rất khó kiểm soát về mặt thông tin. Bên cạnh đó, hình thức bán hàng đa cấp có nhiều tầng lớp, tốc độ phát triển rất nhanh.

Bản thân các công ty, các nhà cung cấp cũng vì hám lợi, vì lòng tham, muốn kiếm tiền thật nhanh nên đã thực hiện hành vi lôi kéo người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp mà không cần quan tâm họ có bán được hàng hoá khi vào mạng lưới hay không.

Thậm chí trong quá trình quản lý, chúng tôi nhận thấy có những người biết đây là mô hình bán hàng đa cấp bất chính hoặc lừa đảo, tuy nhiên họ vẫn tham gia vào để trục lợi.

Thời gian vừa qua, Cục Quản lý cạnh tranh cũng đã tích cực tham vấn cho Chính phủ, Bộ Công Thương trong việ choàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, theo hướng thắt chặt lĩnh vực này, nâng cao chế tài xử lý.

Chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Cục Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý rất nhiều, kết hợp với công tác tuyên truyền phổ biến tới người dân.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, làm thế nào để một người dân bình thường phân biệt được một công ty bán hàng đa cấp hợp pháp và bất hợp pháp?

Ông Phan Đức Quế: Nếu như giả sử những người tham gia chịu khó một chút thì có thể tìm hiểu rất dễ các văn bản quy phạm pháp luật, hiện rất hệ thống và rõ ràng, có thể phân biệt được điều này.

Bán hàng đa cấp bất chính đã được quy định rất rõ ở Điều 48 của Luật Cạnh tranh và Điều 5 của Nghị định 42 của Chính phủ về quản hoạt động bán hàng đa cấp, về những hành vi cấm đối với doanh nghiệp và người tham gia.

Đồng thời, để kiểm tra những doanh nghiệp đã được cơ quan quản lý Nhà nước chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp thì có thể tham khảo trên website của Cục Quản lý cạnh tranh, ở đó có công khai danh sách các công ty bán hàng đa cấp hợp pháp và các thông tin liên quan lĩnh vực này.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn ông về những thông tin bổ ích!
Những vụ lừa đảo đa cấp điển hình gần đây

- 19/2/2016 khởi tố Cty Liên kết Việt lừa đảo bán hàng đa cấp, mạo danh Bộ Quốc phòng, quy mô số tiền giao dịch 1.900 tỷ đồng, 45.000 người tham gia.

- Vụ đặt phòng khách sạn đa cấp ảo ở Cty Holiday VN, Diamond Đông Nam Á, Xuân Bắc: thiệt hại 79 tỷ đồng, 11.000 người (2016)
 - Vụ đa cấp mua gian hàng ảo ở Tâm Mặt Trời: thiệt hại 122 tỷ đồng, 39.000 người (2013)

- Vụ mua gian hàng ảo ở Cty MB24: 631 tỷ đồng, 17.000 người tham gia,

- Vụ mua gian hàng ảo ở cty Xuyên Việt: 13,6 tỷ đồng, hơn 2.000 người tham gia.

8 dấu hiệu cơ bản nhận biết bán hàng đa cấp bất chính

- Người bán hàng yêu cầu người tham gia đặt cọc và phải mua lượng hàng hóa ban đầu hoặc trả tiền để tham gia 

-  Không cam kết mua lại hàng hóa với mức tối thiểu 90% mức giá đã bán trong thời gian luật định là 30 ngày

- Cho người tham gia hưởng lợi ích kinh tế chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới;

- Thông tin sai lệch (như thổi phòng cơ hội siêu giàu) về lợi ích tham gia mạng lưới và chất lượng hàng hóa 

- Lợi nhuận không phát sinh từ việc bán hàng mà chủ yếu từ việc tuyển dụng người tham gia

- Khuyến khích, dạy người khác tuyển người bằng việc hứa trả tiền thưởng

- Không quan tâm tới hàng hóa để bán mà hàng hóa chỉ để tượng trưng, không có giá trị sử dụng và khó tìm thấy để so sánh trên thị trường

- Buộc và hối thúc người tham gia mua hàng mặc dù biết người tham gia không bán được hàng cũng như không có nhu cầu sử dụng

(Theo Cục Quản lý cạnh tranh)

VietNamNet

Tin liên quan: