Hồ nước rộng 10 ha ở xã Tân Hải (huyện Tân Thành, TP Vũng Tàu) để xả lũ về mùa mưa, ngăn mặn xâm lấn đất nông nghiệp cho địa phương luôn có màu đỏ, bốc mùi hôi thối do chứa nước thải cho các doanh nghiệp.

Hồ chứa nước rộng 10 ha nằm ngay bên sông Chà Và là nơi xả lũ về mùa mưa và ngăn sự xâm nhập mặn vào vùng đất nông nghiệp của xã Tân Hải (huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu).

{keywords}

Hồ nước rộng 10 ha trở thành nơi chứa nước thải cho DN chế biến hải sản.

Ông Nguyễn Thành An, cán bộ phụ trách giao thông, thủy lợi xã Tân Hải cho hay, từ khi các DN chế biến hải sản đóng tại xã đi vào hoạt động, hồ nước này lại trở thành nơi chứa nước thải cho các nhà máy.

Kể từ đó, nước hồ luôn có màu đỏ, nhiều chỗ xuất hiện váng đục ngầu và quanh năm bốc mùi hôi thối.

"Trước nhiều cá tôm trong hồ lắm nhưng nay thủy, hải sản chết hết cả rồi", ông Thảo, 50 tuổi, ngụ tổ 10, thôn Cát Hải, xã Tân Hải nói và cho biết thêm, vào đêm khuya tới rạng sáng, hồ bốc lên mùi hôi của hóa chất, cách xa 4-5 km vẫn cảm nhận được.

Ông Thảo và người dân địa phương suy đoán, thời điểm đó, có thể các nhà máy “tranh thủ xả thải”.

Ông Dương Văn Hùng (trú xã Tân Hải) cung cấp, hồ nước rộng 10 ha bị ô nhiễm nằm ở thượng nguồn Chà Và. Nếu như nước thải chảy vào sông thì hậu quả sẽ rất khó lường.

Lo sợ của ông Hùng và người dân là có cơ sở. Bởi vào tháng 9/2015, nước từ hồ này tràn ra sông Chà Và qua cống xả số 6 (xã Tân Hải) khiến 140 tấn cá của 33 hộ nuôi cá bè ở xã Long Sơn (TP Vũng Tàu) chết trắng. Thiệt hại trên 18 tỷ đồng.

{keywords}

Tháng 9/2015, nước từ hồ chạy ra sông Chà Và đã làm 140 tấn cá bè của người dân chết trắng. Ảnh: TT&CL

Cơ quan chức năng kết luận, việc xả thải của các công ty chế biến hải sản chiếm 75% trong các nguyên nhân gây hải sản chết hàng loạt.

Cuối mùa mưa 2015, Trạm quản lý - khai thác công trình thủy lợi huyện Tân Thành đã lập chốt canh giữ ở khu vực cống xả số 6. Theo ông Nguyễn Tam Khôi, nhân viên trạm cống số 6 xuống cấp nên khi đóng chặt nước thải vẫn có thể tràn ra ngoài khi thủy triều rút và ngược lại.

Việc phải sống cạnh hồ nước bị ô nhiễm cũng làm cho sức khỏe của người dân xã Tân Hải bị ảnh hưởng.

Nhiều người trong vùng bị viêm xoang, một số người cũng chết vì bệnh ung thư, ông Trọng, ngụ tổ 9, thôn Cát Hải nói và mong muốn, chính quyền sẽ xử cải tạo hồ nước khỏi tình trạng ô nhiễm.

Ông Nguyễn Thái Sinh, Chánh thanh tra Sở TN-MT Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, đã từng đình chỉ sản xuất những công ty gây ô nhiễm và buộc cải tạo môi trường. Nhưng sau đó các công ty lại tiếp tục vi phạm.

Về hồ nước 10 ha bị ô nhiễm, ông Sinh nói, đang đề nghị Viện môi trường và tài nguyên khảo sát, đánh giá để thực hiện cải tạo, làm nước hồ trong trở lại.

Ngày 27/5, trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chánh án TAND TP.Vũng Tàu cho biết, 33 hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) đã nộp đơn kiện 14 doanh nghiệp chế biến hải sản tại xã Tân Hải, huyện Tân Thành.

{keywords}
Người dân viết đơn kiện 14 doanh nghiệp ra tòa

Tòa đã thụ lý 15 đơn kiện của người dân và cũng thông báo cho các DN bị kiện biết. Nếu như 2 bên không tự thỏa thuận được thì sẽ đưa ra xét xử, ông Sơn nói.

Trước đó, 33 hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và đã ký hợp đồng với 12 văn phòng luật sư trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để khởi kiện 14 doanh nghiệp chế biến hải sản tại xã Tân Hải đòi bồi thường hơn 13 tỉ đồng.

14 DN chế biến hải sản xả thải bị kiện, gồm: Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Trọng Đức, DNTN Tân Thành, DNTN chế biến bột cá Phúc Lộc, DNTN Đông Hải, DNTN Trung Sơn, DNTN Thương Thương, DNTN Đại Quang, DNTN Gia Hòa, DNTN Mỹ Sương, Công ty TNHH Hòa Thắng, Công ty TNHH Phước An, Công ty TNHH Nghê Huỳnh, Chi nhánh DNTN Thành Đạt.

Văn Đức