- Hội thảo quốc tế Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức tại Hà Nội hôm nay quy tụ các nhà nghiên cứu hàng đầu trong và ngoài nước.

>> Dấu ấn Đại tướng trong chiến dịch Điện Biên Phủ
>> 7 tướng Pháp và 1 Điện Biên

37 tham luận của các tác giả Việt Nam và 15 tham luận của các nhà nghiên cứu quốc tế gửi đến hội thảo bao quát hầu hết các khía cạnh quan trọng của sự kiện lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

{keywords}
Hội thảo quy tụ các nhà nghiên cứu hàng đầu trong và ngoài nước.
Ảnh: Chung Hoàng

“Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi, mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam. Chiến công lẫy lừng này đã đi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX”, PGS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện hàn lâm KHXH VN nói trong bài phát biểu khai mạc hội thảo.

“Đối với thế giới, chiến thắng Điện Biên Phủ là ‘một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn’”.

Các nhà khoa học cũng tập trung nêu bật luận điểm này, đặc biệt là vai trò và dấu ấn của các nhà lãnh đạo như Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) phân tích vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Trong khi đó, TS. Rob Hurle đến từ ĐHQG Australia đem đến một tham luận thú vị về việc Bác Hồ sử dụng văn hóa dân gian để vận động nhân dân đồng lòng chiến đấu chống thực dân Pháp và trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

TS. Ngô Vương Anh (báo Nhân dân) thì phân tích vai trò của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với chiến thắng Điện Biên Phủ.

{keywords}
Các nhà nghiên cứu quốc tế tại hội thảo. Ảnh: Chung Hoàng

Các nhà nghiên cứu quốc tế cũng mang đến những góc nhìn của nhiều quốc gia khác nhau đối với một sự kiện lịch sử mà ý nghĩa của nó vượt rất xa khỏi biên giới Việt Nam.

TS. Alain Ruscio (Trung tâm thông tin tài liệu về miền Nam Việt Nam đương thời, Pháp) phân tích tác động “sét đánh” của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với đế quốc thực dân Pháp. TS. Seung-Kyun (ĐH Hawaii Pacific) thì phân tích phản ứng của Mỹ trước chiến thắng này.

TS. Peter Kang (ĐHQG Đông Hoa, Đài Loan) phân tích phản ứng của chính quyền Trung Hoa Dân quốc trước sự kiện này. Trong khi TS. Lưu Chí Cường (ĐH Dân tộc Quảng Tây) phân tích quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong chiến dịch Điện Biên Phủ và hướng tới tương lai.

TS. Bountheng (Viện KHXHQG Lào) nhấn mạnh ý nghĩa “ngọn cờ” của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với Đông Dương. Các nhà nghiên cứu Nga, Ukraine cũng đem đến những góc nhìn mới về sự kiện lịch sử này.

Hội thảo quốc tế Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại nằm trong một loạt sự kiện kỷ niệm 60 năm kết thúc thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chung Hoàng