- Sáng nay, UBTVQH cho ý kiến về dự án luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND. 

Về quy định lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, hiện vẫn có hai loại ý kiến khác nhau. 

Trong đó có ý kiến tán thành như dự luật chỉ quy định chung có tính nguyên tắc về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, còn quy trình, thủ tục cụ thể sẽ thực hiện theo nghị quyết 85. Ý kiến này được Thường trực UB Pháp luật tán thành.

Ý kiến khác đề nghị thu các quy định về lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm từ nghị quyết số 85 vào luật này để đảm bảo thống nhất, dễ theo dõi, dễ thực hiện và giám sát.  

Tuy nhiên, theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội cho rằng việc bỏ phiếu tín nhiệm phải cụ thể ngay trong luật này. “Quyền bỏ phiếu tín nhiệm của QH được thể hiện xuyên suốt trong Hiến pháp. Do đó, phải quy định cụ thể trong luật, phải có bước tiến lên vì bỏ phiếu tín nhiệm, bản chất là bỏ phiếu bất tín nhiệm là quyền của QH”, bà Mai nhấn mạnh.

{keywords}
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý việc lấy phiếu và bỏ phiếu khác nhau, quyền lực pháp lý khác nhau, hiệu lực cũng khác nhau. Trong đó bỏ phiếu là vấn đề cực kỳ hệ trọng. 

“Câu hỏi lớn nhất là tại sao bao nhiêu năm có chữ bỏ phiếu mà ta không làm, Hiến pháp ta cũng có lâu rồi, chứ không phải giờ mới có”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Đề xuất lấy phiếu tín nhiệm thẩm phán toà tối cao

Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cũng lưu ý lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm là việc rất lớn trong hoạt động giám sát của QH và HĐND, thể hiện hiệu quả rõ rệt của cơ quan quyền lực. Bà cũng đề nghị nghiên cứu việc bổ sung lấy phiếu tín nhiệm đối với thẩm phán Toà án tối cao.

{keywords}
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị làm rõ đây là chức vụ hay chức danh. Nếu chức vụ thì xem xét sửa nghị quyết 85 của Quốc hội để bổ sung vào đối tượng cần lấy phiếu tín nhiệm.

Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng ĐBQH khó biết được thẩm phán như thế nào để lấy phiếu. Theo ông Lưu chỉ có Chánh án Tòa tối cao là người thay mặt tòa án báo cáo trước QH nên chỉ cho lấy phiếu vị này. Còn lấy phiếu tín nhiệm thẩm phán Tòa tối cao là vấn đề mới, cần nghiên cứu thêm. Mở rộng quá sẽ khó cho ĐBQH.

ĐBQH có được chất vấn mọi lúc, mọi nơi?

Về chất vấn, ông Lý cho biết điều 80 của Hiến pháp và điều 32 luật Tổ chức QH đã quy định người bị chất vấn phải trả lời trước QH tại kỳ họp hoặc tại phiên họp UBTV, trong trường hợp cần thiết được trả lời bằng văn bản đến ĐBQH. 

Tuy nhiên bà Mai lại cho rằng quy định tại điều 16 của dự luật về chất vấn tại kỳ họp QH là quá hẹp. “Quyền chất vấn là quyền rất rộng đã quy định trong Hiến pháp. Hiến pháp cũng không hạn chế trả lời chất vấn trong kì họp hay ngoài kì họp như dự thảo luật”, bà Mai nhấn mạnh.

{keywords}
Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc KSor Phước

Cùng ý kiến với bà Mai, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước trích dẫn khoản 3, điều 80 của Hiến pháp quy định rõ ĐBQH có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. 

“Như vậy thực chất là có vấn đề chất vấn ngoài kì họp chứ không chỉ trong kì họp”, ông khẳng định. Rồi ông lấy ví dụ: “Chẳng hạn tôi đi qua cầu thấy thu phí không hợp lí, tôi có thể giơ thẻ ĐBQH ra để chất vấn ai quy định thu phí này hoặc có thể gặp ông chủ tịch huyện hỏi ngay, chất vấn ngay”.

Cho rằng dự luật chưa quy định gì về việc chất vấn ngoài kì họp, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc đề nghị, dự luật phải nói rõ cá nhân ĐBQH được làm gì, động tác như thế nào khi chất vấn ngoài kì họp. 

Tuy nhiên, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng đang có sự nhầm lẫn giữa quyền yêu cầu các cơ quan cung cấp thông tin với quyền chất vấn. “Điều 80 Hiến Pháp quy định rõ ĐBQH có quyền chất vấn những ai, người bị chất vấn phải trả lời như thế nào, ở đâu. Nếu chúng ta đặt vấn đề chất vấn ở mọi nơi, mọi lúc thì không đúng  theo tinh thần của Hiến pháp”, ông Lưu nói.

Chưa thấy thuyết phục, ông Ksor Phước nói: “Cách hiểu như anh Lưu chưa ổn đâu. Chúng tôi đang nói về quyền giám sát qua chất vấn chứ không phải tôi nhầm lẫn”. Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc tiếp tục khẳng định điều 80 của Hiến pháp không giới hạn không gian và thời gian chất vấn. 

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý khẳng định: “Hai quyền yêu cầu cung cấp thông tin và chất vấn là khác nhau”. 

Thu Hằng