- Tối 20/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các lãnh đạo TƯ và tỉnh Bình Dương nhấn nút khánh thành tòa nhà hành chính tập trung của tỉnh và chính thức khởi động xây dựng thành phố mới Bình Dương.

Thành phố mới Bình Dương với quy mô 1.000 ha là một khu đô thị văn minh, hiện đại. Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Bình Dương, đây là “trái tim và khối óc” của tỉnh. Nếu xem các khu công nghiệp trên địa bàn này là đòn bẩy giúp Bình Dương phát triển trong thời gian qua thì thành phố mới Bình Dương sau khi khởi động sẽ là nền tảng để tỉnh này đột phá toàn diện với đầy đủ các loại hình phục vụ và hệ thống các cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối chặt chẽ với các tỉnh, thành xung quanh.

{keywords}

Bên trong tòa nhà hành chính tỉnh Bình Dương. Ảnh: Trương Khởi

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung cho rằng, 3 tuyến đường giao thông quan trọng sẽ được hoàn thành trong năm nay sẽ kết nối phát triển với nhiều vùng kinh tế trọng điểm gồm đường Phạm Ngọc Thạch, Mỹ Phước – Tân Vạn, đường 7A.

Cụ thể, đường Phạm Ngọc Thạch là tuyến nối TP. Thủ Dầu Một và mở rộng đối ngoại với TP.HCM và các tỉnh trong khu vực. Tuyến có chiều dài 6,53 km, quy mô 8 làn xe với vốn đầu tư khoảng 1.917 tỷ đồng.

Còn tuyến Mỹ Phước – Tân Vạn là tuyến giải tỏa áp lực cho Quốc lộ 13. Đây là tuyến đầu tư xây dựng nhằm kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như cảng Thị Vải, sân bay Long Thành… Tuyến này dài 26,7 km, quy mô 6 làn xe với tổng vốn đầu tư 1.794 km.

{keywords}

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp đi thăm quan tòa nhà. Ảnh: Trương Khởi

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Dương cho biết, để kết với TP.HCM và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, một hệ thống xe buýt nhanh sẽ được hình thành. “Dự án xe buýt nhanh nhằm cải thiện và nâng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng”, ông Cung nói.

Một dự án cụm cảng và trung tâm logistic Tân Vạn cũng được khởi công nhằm thúc đẩy phát triển dịch vụ logistic kết nối với các trung tâm phân phối hàng hóa như cảng quốc tế TP.HCM, Cái Mép và Thị Vải.

Chủ tịch tỉnh Bình Dương còn cho biết, thành phố mới Bình Dương rất quan tâm đến phát triển các dự án nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân và người thu nhập thấp. Trong năm 2014, sẽ có khoảng 3.000 căn hộ được xây dựng.

Đặc biệt, 21 trường học sẽ được đưa vào sử dụng trong năm nay với vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng. “Đây là một nhu cầu rất bức xúc của tỉnh vì số lượng con em công nhân nhập cư ngày càng tăng”, ông Cung khẳng định. Ngoài ra, 9 trường học khác sẽ được hoàn thành trong năm tiếp theo.

{keywords}

Trung tâm hành chính tập trung tỉnh Bình Dương ngày chính thức khánh thành. Ảnh: Trương Khởi

Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, với việc khánh thành tòa nhà hành chính tập trung của tỉnh và khởi động xây dựng, phát triển thành phố mới Bình Dương thể hiện sự năng động, sáng tạo và tầm nhìn đúng.

“Tôi đánh giá cao và hoan nghênh Bình Dương trong việc xây dựng và phát triển một thành phố lớn, văn minh và hiện đại như thế này. Phương thức công – tư kết hợp, nhà nước chỉ đầu tư một số ít dự án hạ tầng quan trọng, còn lại do doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư là cách làm hay”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng, đây là trung tâm hành chính hiện đại nhất trong cả nước. Đặc biệt, tỉnh Bình Dương không dùng ngân sách mà khai thác từ nguồn nhà đất…

“Đây là cách làm đúng và Chính phủ khuyến khích các tỉnh, thành trong cả nước xây dựng trung tâm hành chính tập trung hiện đại theo hướng này”, Thủ tướng nói.

Tá Lâm