- “Tôi đề nghị Đại hội trong lựa chọn các ủy viên Trung ương kỳ này ngoài tiêu chuẩn chung cần coi trọng tiêu chuẩn: không tham nhũng, lãng phí và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Cần nhìn thẳng vào sự thật những biểu hiện “giàu nhanh”, “lên chức nhanh” - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng TƯ Vũ Tiến Chiến.

Cần làm rõ hiện tượng "giàu nhanh, lên chức nhanh"

Tham gia thảo luận các giải pháp nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tham luận của ông Vũ Tiến Chiến đã gây được sự chú ý của hội trường sáng nay (14/1).

Ông Chiến cho biết, công tác phòng chống tham nhũng được tập trung chỉ đạo có chuyển biến tích cực trên cả nhận thức và hành động, trong phòng ngừa và xử lý hành vi tham nhũng. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã được kiềm chế. So với nhiều năm trước đây, quyết tâm và hiệu quả công tác PCTN đã có bước tiến triển, tạo tiền đề thúc đẩy cho các năm tiếp theo.

Ông Vũ Tiến Chiến: Cần sớm ban hành quyết định về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Ảnh: TTXVN
Trong gần 5 năm (2006 - 2010), đã khởi tố 1.613 vụ án tham nhũng với 3.284 bị can; 8 vụ án trọng điểm được chỉ đạo xử lý nghiêm, bảo đảm các quy định của pháp luật; nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng mới được phát hiện, xử lý…Từ năm 2007 đến nay, Tổ chức minh bạch quốc tế xếp hạng Việt Nam năm sau tốt hơn năm trước: năm 2007 đứng thứ 123/179; 2008 thứ 121/180; 2009 thứ 120/180 và năm 2010 thứ 116/178 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, ông Chiến thừa nhận: giữa quyết tâm chính trị với hành động thực tiễn chống tham nhũng còn có khoảng cách đáng kể. Số vụ án được phát hiện và xử lý còn thấp, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra. Tình trạng sa sút phẩm chất, nhũng nhiễu, gây phiền hà của một bộ phận cán bộ, công chức trong thi hành công vụ chậm được khắc phục; hiện tượng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tội”, “giàu nhanh”, “lên chức nhanh” chưa được quan tâm chỉ đạo làm rõ.

Sự yếu kém trong quản lý, điều hành, dẫn đến các sai phạm, gây thất thoát lớn tiền, tài sản của Nhà nước trong một số doanh nghiệp, trong đó có yếu tố vụ lợi; đã xuất hiện dấu hiệu sự liên kết, móc nối giữa chủ doanh nghiệp với một số người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Đảng và Nhà nước để tiêu cực, tham nhũng.

Coi trọng tiêu chí kiên quyết chống tham nhũng khi chọn ủy viên TƯ

Ông Chiến kiến nghị, trong tình hình tham nhũng đang diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, là một trong các vấn đề quan tâm bức xúc hàng đầu của toàn xã hội, Đoàn chủ tịch Đại hội bố trí thời gian để nhiều đại biểu phát biểu, trao đổi về công tác phòng chống tham nhũng tại hội trường.

“Tôi đề nghị Đại hội trong lựa chọn các ủy viên Trung ương kỳ này, ngoài tiêu chuẩn chung, cần coi trọng tiêu chuẩn: không tham nhũng, lãng phí và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Cần nhìn thẳng vào sự thật những biểu hiện “giàu nhanh”, “lên chức nhanh”, ông Chiến yêu cầu.

Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo TƯ Phòng chống tham nhũng cho rằng: nếu giàu nhanh do làm giàu chính đáng, lên chức nhanh do tài năng là rất đáng trân trọng học tập; nhưng những biểu hiện giàu nhanh là do tiêu cực, tham nhũng, lên chức nhanh là do dùng tiền để “chạy chức”, “chạy quyền” thì phải làm rõ, lên án và nghiêm trị.

“Không thể nói là kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí khi ngay trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương của mình không triển khai nghiêm túc các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và không kiên quyết phát hiện, xử lý các vụ việc vụ án tham nhũng ”, ông Chiến nói thêm.

Xem xét việc công khai kết quả kê khai tài sản của một số chức danh chủ chốt

Chánh văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng cho rằng trong nhiệm kỳ tới, cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc đẩy mạnh cải cách hành chính và hoàn thiện các quy định nhằm khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quản lý, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng: quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, xây dựng cơ bản, quản lý thu, chi ngân sách, quản lý tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, công tác tổ chức, cán bộ…

Cải cách cơ bản chế độ tiền lương, phụ cấp, bảo đảm đời sống cho cán bộ, công chức; thực hiện chính sách tiền lương hợp lý trong một số lĩnh vực đặc thù; nghiên cứu, quy định việc cán bộ, công chức cơ bản thanh toán tiền qua tài khoản thay thế hình thức thanh toán bằng tiền mặt như hiện nay.

"Công chức phải giải trình nguồn gốc tài sản khi có yêu cầu và biện pháp xử lý những hành vi làm giàu bất chính. Có chính sách khoan hồng mạnh mẽ hơn nữa đối với những trường hợp đưa hối lộ nhưng tự giác khai báo trước khi bị phát hiện. Hoàn thiện quy định xử lý tài sản tham nhũng", ông Chiến nêu quan điểm.

Chánh văn phòng Ban chỉ đạo TƯ phòng chống tham nhũng cũng cho rằng, cần nghiên cứu quy định về việc công khai kết quả kê khai tài sản của một số chức danh chủ chốt trong diện phải kê khai tài sản, thu nhập. Sớm ban hành quyết định về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; Luật về quyền được thông tin của người dân.

Thảo Lam - Hạ Anh