- Việc khống chế hạn điền trong sử dụng đất nông nghiệp đã ảnh hưởng quá trình tích tụ ruộng đất để tạo ra những vùng sản xuất chuyên canh lớn.

Sáng 7/6, Quốc hội họp phiên toàn thể thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Các phát biểu hầu hết "kêu" đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của ngành, trong khi thực tiễn khó khăn vừa qua cho thấy chính nông nghiệp là "cứu cánh" cho nền kinh tế.

Băm nhỏ, chia đều đồng ruộng

Theo UB Kinh tế của Quốc hội, giai đoạn 2006-2011, tổng vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ là 432.788 tỷ đồng. Đại biểu Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) cho rằng so với GDP, mức đầu tư ngày càng giảm, tính ra mỗi năm một xã được đầu tư chưa đến 10 tỷ đồng.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) thì cho hay đầu tư cho nông nghiệp chưa tương xứng tiềm năng, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp bất cập, nhiều con em nông dân ra thành thị kiếm việc làm, hoặc học xong không quay về địa phương. Nông thôn giờ chỉ còn người già, trẻ con. Điều đó khiến lực lượng lao động không đáp ứng yêu cầu.

Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu: Một số loại đất đã gần hết thời hạn nhưng Nhà nước chưa có chủ trương, quyết định cụ thể nên nông dân không yên tâm mạnh dạn đầu tư. Ảnh: Quang Khánh

Trong khi đó, những chính sách cho nông nghiệp còn nhiều bất cập như tình trạng một địa bàn nhiều chính sách, nhiều đơn vị quản lý chồng chéo, nhiều vùng đồng ruộng chưa được cải tạo cơ bản, hoặc cải tạo thì bị băm nhỏ chia đều.

Đại biểu Nguyễn Thúy Anh (Phú Thọ) phản ánh tình trạng đô thị hóa nông thôn khiến nông dân có nguy cơ mất việc làm nhưng không được hỗ trợ, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng...

Đầu tư cho nông nghiệp mới thiên về hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp, trong khi chưa chú trọng đổi mới phương thức sản xuất, chuyển dịch cơ cấu, nên chưa hình thành giá trị gia tăng cho sản xuất. Đầu tư hiện chỉ đáp ứng được từ 50-55% nhu cầu.

Một tồn tại là giải ngân các chương trình quốc gia chậm, tình trạng cơ chế xin cho, tâm lý ban phát nặng, ngân sách được Quốc hội duyệt chi từ kỳ họp tháng 11, nhưng đến tháng 5 gối năm sau Chính phủ mới bắt đầu tổ chức giải ngân và phải cuối quý II kinh phí mới đến cơ sở.

Đầu tư giải ngân chậm do thủ tục hành chính chủ yếu ở trung ương, đến cuối năm các chương trình thi công, thực hiện vội vàng, chất lượng kém, và đơn vị hưởng thụ phải chấp nhận vì "thà có còn hơn không".

Không yên tâm đầu tư

Đặc biệt là vấn đề quy hoạch nông thôn thiếu tầm nhìn dài hạn được nhiều đại biểu đề cập. "Nhiều quy hoạch mang từ tỉnh này sang tỉnh kia, không có quy hoạch từng vùng, từng tỉnh, chất lượng quy hoạch thấp" - đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) phản ánh.

Cùng vấn đề quy hoạch, đại biểu Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) cho hay chính sách thiếu quy hoạch vùng sản xuất tập trung đã kêu nhiều lần nhưng nay vẫn chưa chuyển biến, rất ít vùng sản phẩm được xác định, dù có cũng tự phát và người dân chưa được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, sản phẩm.

Các ĐBQH "kêu" đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng tiềm năng

Ngoài gạo và thủy sản của đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên với cà phê, cao su thì đến nay việc điểm ra những vùng sản xuất tập trung như thế không nhiều. Trong khi, cà phê ở Đắk Lắk bị mất thương hiệu về tay người Trung Quốc, gạo xuất khẩu nhiều thứ hai thế giới nhưng giá thành luôn thấp hơn Thái Lan.

Báo cáo giám sát kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Thường vụ Quốc hội đề cập đến những hạn chế, vướng mắc trong việc thực hiện quy định của luật Đất đai liên quan nông nghiệp.

Trong đó chỉ ra việc khống chế hạn điền trong sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân quy định tại điều 70 luật Đất đai đã ảnh hưởng quá trình tích tụ ruộng đất để tạo ra những vùng sản xuất chuyên canh lớn có điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Theo quy định của pháp luật, địa phương khi thu hồi đất của các doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, ban quản lý rừng sử dụng không đúng mục đích, chuyển nhượng, cho thuê trái pháp luật hoặc thu hồi đất của các doanh nghiệp thuê đất mà không thực hiện dự án thì phải đền bù, bồi thường tài sản doanh nghiệp đã đầu tư trên đất nhưng ngân sách địa phương không có khả năng.

Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng cho hay về thời hạn sử dụng đất, đến nay một số loại đất đã gần hết thời hạn nhưng Nhà nước chưa có chủ trương, quyết định cụ thể nên nông dân không yên tâm mạnh dạn đầu tư.

Thường vụ Quốc hội kiến nghị Chính phủ nghiên cứu chính sách đặc thù và ưu tiên đầu tư các nguồn lực phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, miền, chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, hiệu quả đầu tư không cao.

Linh Thư