- "Nếu không làm quy hoạch môi trường một cách bài bản, chúng ta sẽ chỉ thu hút được các DN làng nhàng vào đánh quả là chính, thay vì các doanh nghiệp lớn, uy tín, đầu tư công nghệ cao", ĐBQH Hà Nội Nguyễn Quốc Bình góp ý với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xung quanh việc thực hiện chính sách pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề.

Sau hơn nửa năm đi thực tế tại 19 tỉnh, thành phố và trên cơ sở báo cáo của 58 địa phương, đoàn giám sát do UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường QH chủ trì đã xây dựng xong dự thảo tóm tắt kết quả và tổ chức hội nghị sáng nay (1/9) tham vấn các bộ ngành, chuyên gia.

Địa phương phải nuôi khu kinh tế

Báo cáo của Chính phủ cho hay chất lượng môi trường ở các khu kinh tế "chưa có dấu hiệu ô nhiễm nghiêm trọng". Nhưng theo đoàn giám sát, môi trường nước ở các khu kinh tế ven biển đã bị tác động mạnh. Nước thải của các khu công nghiệp chỉ được xử lý sơ bộ, rất ít nơi có khu xử lý tập trung.

Rất ít khu kinh tế đầu tư khu vực xử lý nước thải tập trung như thế này. Ảnh: Lê Nhung
Kết luận thanh tra của Bộ TN&MT mấy năm gần đây cho thấy nhiều DN thường xuyên xả nước thải chưa xử lý ra môi trường vượt tiêu chuẩn cho phép từ 10 đến vài chục lần. Chất thải nguy hại chủ yếu từ các DN chế biến gỗ, thực phẩm, hóa chất... hầu hết chỉ đang được tập kết tại cơ sở sản xuất, chờ xử lý.

Một trong những nguyên nhân, theo ông Nguyễn Quốc Bình, là do việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung khá tốn kém, đặc biệt nếu muốn theo công nghệ mới.

Còn theo Phó Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Lê Việt Trường, trong khi chi phí xây hệ thống xử lý tập trung đắt đỏ thì các tỉnh đang phải đứng trước thách thức tìm mọi cách thu hút DN đầu tư vào khu kinh tế. Chính quyền cũng không mạnh tay tăng cường công tác thanh tra, giám sát cũng vì e ngại nhà đầu tư nản lòng.

"Các tỉnh thành đều đang ngồi chờ nhà đầu tư đến do đó cũng không có chuyện xét nét này nọ", ông Trường nói. Theo ông, từng địa phương phải thức tỉnh ý thức về vấn đề bảo vệ môi trường.

Một số ý kiến khác đề nghị đánh giá lại chủ trương phát triển các khu kinh tế nói chung, không riêng vấn đề môi trường.

Tính đến hết năm 2010, Thủ tướng đã ra quyết định thành lập 15 khu kinh tế ven biển và mới bổ sung thêm 3 khu. Đoàn giám sát của UBTVQH tập trung vào 15 khu kinh tế thành lập trước năm 2010.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Mai Xuân Hùng, mục tiêu ban đầu lập ra các khu kinh tế là để nuôi địa phương. Nhưng hiện nay, các địa phương đang phải nuôi các khu kinh tế do tỷ lệ lấp đầy chưa đáng bao nhiêu. Cũng theo ông Hùng, hầu hết các vụ vi phạm ô nhiễm  môi trường là do dân tự phát giác khi thấy cá chết, nước bẩn. Rất ít trường hợp do chính quyền vào cuộc.

Phạt hành chính không đủ răn đe

Xuất phát từ những bất cập trên, đoàn giám sát của UBTVQH kiến nghị với Chính phủ tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển các khu kinh tế và giám sát chặt chẽ hoạt động của nhà đầu tư. Đặc biệt, chỉ đạo các tỉnh thành ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực có công nghệ sản xuất sạch, thân thiện môi trường.

Đối với Quốc hội, đoàn giám sát đề xuất sửa đổi một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, đa dạng hóa nguồn vốn cho bảo vệ môi trường cũng như sớm ban hành luật xử lý vi phạm hành chính theo hướng tăng chế tài xử lý. Hiện, vẫn đang có ý kiến cho rằng mức phạt hành chính cao nhất 500 triệu đồng vẫn là quá thấp, không đủ sức răn đe.

Theo đề xuất của ông Nguyễn Quốc Bình, mỗi DN phải xác định trách nhiệm đóng góp bảo vệ môi trường như đã thực hiện nghĩa vụ về thuế. Nếu DN không thực hiện sẽ phải chấp nhận các hình thức như phạt, đóng cửa...

Còn theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Đăng Khoa, công tác bảo vệ môi trường cũng cần phải "quy về một mối", tránh xảy ra tình trạng phân chia không bộ ngành nào chịu trách nhiệm chính. Ông Khoa cho rằng, nên giao đích danh ngành tài nguyên môi trường để dễ quy trách nhiệm khi xảy ra sự cố.

Sau hội nghị hôm nay, đoàn giám sát sẽ còn tiếp tục làm việc với một số tỉnh thành phía Bắc. Dự kiến, kết quả giám sát sẽ được báo cáo tại kỳ họp QH cuối năm nay. Vướng mắc chung mà các thành viên trong đoàn giám sát chỉ ra, đó là các khu kinh tế cần xem xét và điều chỉnh lại quy hoạch, chấp nhận tốc độ tăng trưởng không cao để bảo vệ môi trường lâu dài, nếu không, tăng trưởng cũng không bù lại được cho cái giá phải trả.

Lê Nhung