Bác bỏ các ý kiến về đa nguyên, đa đảng, nhiều đại biểu cho rằng, không nên mơ hồ về chế độ này mà nên giữ con đường độc lập dân tộc và CNXH, giữ vững lòng tin vào sự nghiệp đổi mới mà nghị quyết Đại hội 6 đã vạch ra từ năm 1986.


Với tinh thần “không có vùng cấm”, tọa đàm góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 do Tạp chí Cộng sản và ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức ngày 9/3, cho thấy không khí tranh luận sôi nổi xung quanh thể chế chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng.

Bác đa nguyên, đa đảng

Chính vì tư tưởng “không có vùng cấm” đó, một số đại biểu nêu ý kiến về chế độ chính trị mà Việt Nam nên lựa chọn đưa vào Hiến pháp. Có nhiều ý kiến phản bác lại, cho rằng không nên mơ hồ về chế độ đa đảng, đa nguyên mà nên giữ con đường độc lập dân tộc và CNXH, giữ vững lòng tin vào sự nghiệp đổi mới mà nghị quyết Đại hội 6 đã vạch ra từ năm 1986 đến nay.

VS.TS Nguyễn Chơn Trung - nguyên Chủ nhiệm UB về người Việt Nam ở nước ngoài (TP.HCM) kể lại câu chuyện xảy ra năm 2005. Trong một lần đối thoại với kiều bào, họ đã hỏi: “Ông đánh giá như thế nào đối với những người ký vào ý kiến chung đòi đa đảng, đa nguyên của một số trí thức kiều bào?”.

Ông Trung trả lời rằng, bản thân tư tưởng đa đảng, đa nguyên không sai nhưng có sai hay không là ở người sử dụng nó như thế nào. Bác Hồ khi thành lập nước cũng mời các đảng phái có nhiều xu hướng chính trị khác nhau tham gia nhưng với mục tiêu là chống Pháp xâm lược, xây dựng hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước. Nhưng càng về sau, khi đối đầu với sự sống chết nhiều đảng tự rời bỏ kháng chiến, thậm chí theo giặc để chống lại cách mạng, chống lại nhân dân.

Ông Nguyễn Chơn Trung: Không nên mơ hồ về chế độ đa nguyên, đa đảng

Sau này, chỉ còn các đảng Cộng sản, Dân chủ và Xã hội đi suốt hai thời kỳ kháng chiến. “Như vậy, Đảng ta không bài bác đa đảng, đa nguyên chung chung, mà bài bác không khoan nhượng với những ai lợi dụng đa đảng, đa nguyên để làm chiêu bài thực hiện mưu đồ lật đổ chế độ”, ông Trung nói.

Từ lý giải này, ông đề nghị duy trì chế độ một đảng như trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp. “Lịch sử đã chứng minh không có đảng nào xả thân quên mình làm nên thành tựu vĩ đại như vậy. Từ đó ta khẳng định không có đảng nào thay thế Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay dù Đảng ta còn nhiều khuyết tật cần phải sửa chữa để làm tốt hơn vai trò của mình”, ông nói.

TS Hoàng Văn Lễ - nguyên Tổng biên tập Sổ tay Xây dựng Đảng (TP.HCM) nói, trong khi không thể chấp nhận đa đảng thì Đảng phải đủ tài trí và bản lĩnh để phát huy tính đa dạng tri thức trong Đảng và ngoài xã hội.

Ông cho rằng, trong điều kiện một đảng cầm quyền như ở nước ta, bầu cử đại biểu QH cần có sự cạnh tranh thực sự giữa các đảng viên với nhau, giữa ứng viên do Đảng giới thiệu với ứng viên ngoài Đảng. “Thực tế có những đại biểu bản lĩnh, tạo sinh khí dân chủ trong sinh hoạt QH, cần tôn trọng và cầu thị nhóm đại biểu “đặc biệt” này để tạo nguồn khích lệ cho các khóa tiếp theo. Càng nhiều đại biểu có tâm, có tầm (nhất là người ngoài Đảng) thì uy tín và uy thế lãnh đạo của Đảng càng cao”, ông Lễ nói.

Theo ông, mối quan hệ giữa Đảng và QH thể hiện ở điều 4 dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đã đến lúc cần luật hóa sự lãnh đạo của Đảng, sao cho đường lối chủ trương được nhất quán, đồng thuận và sáng tạo trong vận hành. Khi cần thiết, người đứng đầu Trung ương Đảng cũng tham gia chất vấn và được chất vấn về việc ban hành các chủ trương, chính sách lớn cũng như việc phân công bố trí cán bộ thuộc thẩm quyền.

Ông cũng cho rằng, những người bác bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng là những người vừa không thực tế vừa thiếu hiểu biết hoặc cố tình không muốn biết về lịch sử Việt Nam đương đại. “Đây thuộc cái bất biến trong tổ chức hành động cách mạng, không thể dưới góc nhìn của những học giả say sưa với chủ thuyết đối lập, phân lập mà chùng bước trong đấu tranh của một đảng cầm quyền”, ông nói.

Đề xuất Tổng bí thư là người chịu trách nhiệm về điều 4


Ông Trần Trọng Tân - nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ nhận định, việc điều 4 Hiến pháp tiếp tục xác nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội là rất cần thiết nhưng cũng cần được bổ sung thêm câu: “Tổng bí thư Ban chấp hành TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam là người chịu trách nhiệm trước QH về việc thực hiện quy định ở điều 4”.

Ông Trần Trọng Tân đề xuất Tổng bí thư là người chịu trách nhiệm về điều 4

Trong chương về Hội đồng Hiến pháp, ông Tân cũng đề nghị có thêm một khoản quy định trách nhiệm giám sát Tổng bí thư. Ông đề nghị thêm quy định: “Hội đồng Hiến pháp kiểm tra việc thực hiện quy định ở điều 4 của Tổng bí thư Ban chấp hành TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi xét thấy có dấu hiệu vi phạm, kiến nghị QH có xử lý kỷ luật thích đáng từ khiển trách, cảnh cáo đến đề nghị Ban chấp hành TƯ Đảng họp bầu lại Tổng bí thư theo một thời gian được quy định”.

“Phải có con người rõ ràng. Như vậy mới nghiêm. Càng nghiêm uy tín Đảng càng cao, nhân dân thêm quý trọng Đảng. Đảng lãnh đạo việc sửa đổi Hiến pháp 1992 này nên Đảng tự nêu vấn đề đó, chứng tỏ Đảng tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân”, ông Tân nói.

Bài và ảnh: Tá Lâm