- Phó Chủ tịch UB TƯ MTTQ Nguyễn Văn Pha đề nghị các địa phương "nhắc" ứng viên, nhất là những người thuộc khối doanh nghiệp, đang vận động bầu cử bằng cách tặng quà từ thiện ở thời điểm sát bầu cử là không công bằng.

>> Toàn cảnh bầu cử đại biểu QH và HĐND các cấp

Sáng 16/5, Bộ Nội vụ đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến lần cuối cùng về công tác bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp, khi ngày bầu cử (22/5) đã đến rất gần.

19h mới đóng hòm phiếu

Đề xuất được nhắc lại nhiều lần là việc cho kết thúc bầu cử sớm khi toàn bộ 100% cử tri đã đi bầu. Như đại diện Sở Nội vụ Đắk Lắk cho hay, với các xã vùng sâu vùng xa đang mùa gieo trồng, bà con sẽ đi bỏ phiếu rất sớm để về làm rẫy, lại không có cử tri vãng lai, đề nghị cho kết thúc sớm để có thể chuyển phiếu đi ngay trong ngày.

Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn (đứng): Phải thực hiện đúng luật, chỉ đóng hòm phiếu vào 19h ngày 22/5. Ảnh: Lê Anh Dũng
Còn đại diện Sở Nội vụ Kiên Giang, tỉnh thành rộng lớn với nhiều đảo thì đề nghị với 25 điểm bỏ phiếu của lực lượng vũ trang, việc bỏ phiếu luôn rất tập trung, thường xong trong 2 tiếng, nên cho kết thúc bầu cử sớm, vì rất cần lực lượng này trong ngày bầu cử. Tuy nhiên, cả Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn cũng như Thiếu tướng Bùi Song Nhâm, đại diện Bộ Quốc phòng đều khẳng định phải thực hiện đúng luật, chỉ đóng hòm phiếu vào 19h.

Riêng với khó khăn của tỉnh Thanh Hóa, đến nay vẫn còn khoảng 800.000 phiếu bầu đại biểu HĐND cấp xã phải viết tay, Bộ Nội vụ yêu cầu Thanh Hóa khắc phục ngay, nếu xã gặp khó trong khâu in ấn thì huyện phải hỗ trợ xã.

Đại diện Sở Nội vụ Đồng Nai chia sẻ về trường hợp có những ứng viên phải rút hoặc bị đưa ra khỏi danh sách, dẫn đến không đảm bảo số dư ứng viên theo quy định. Theo đó, Ủy ban bầu cử tỉnh Đồng Nai đã báo cáo Hội đồng bầu cử trung ương và quyết định giảm số đại biểu HĐND được bầu, bởi việc đưa các trường hợp đã bị loại sau vòng hiệp thương thứ 3 vì tỷ lệ tín nhiệm thấp hơn nhiều so với những người được chọn (dù vẫn trên 50%), nay lại đưa họ vào danh sách bầu chính thức (để thay thế ứng viên đã bị đưa khỏi danh sách) thì rất khó thuyết phục họ cũng như cử tri. 

Cá biệt có trường hợp một ứng viên bị thương rất nặng vì tai nạn giao thông, Bộ Nội vụ cũng khẳng định ứng viên đó vẫn ở trong danh sách bầu bình thường.

Đừng làm từ thiện vào thời điểm này

Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị các địa phương "nhắc" ứng viên, nhất là những người thuộc khối doanh nghiệp, đang tiến hành vận động bầu cử bằng cách tặng quà từ thiện nhân đạo, hay khởi công xây dựng công trình cho địa phương ứng cử ngay trong thời điểm sát bầu cử là không khách quan, không bình đẳng, không đúng quy định về vận động bầu cử.

"Luật pháp không cấm làm từ thiện nhân đạo, nhưng đừng làm vào thời điểm này. Dù có bao nhiêu tiền, công sức, cũng không thể vận động được tất cả cử tri nơi mình ứng cử", ông Pha thẳng thắn.

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Tất Tiệp cho hay Nam Định nhận được 45 lượt đơn thư khiếu nại, tố cáo và đã giải quyết thấu đáo. Ảnh: Lê Anh Dũng
Trước đề nghị của các tỉnh với Bộ Công thương phải có trách nhiệm đảm bảo có điện đầy đủ trong đợt bầu cử, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn khẳng định Bộ Công thương sẽ có trách nhiệm, nhưng các tỉnh vẫn phải linh hoạt, đề phòng những trường hợp bất khả kháng. Bộ trưởng cũng hứa sẽ đề nghị Trung tâm khí tượng thủy văn dự báo kỹ lưỡng thời tiết của ngày bầu cử, nhưng vẫn đề nghị các tỉnh chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với những diễn biến bất thường.

Riêng về công tác giải quyết khiếu nại liên quan đến các ứng viên, như báo cáo của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hùng - Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, rất nhiều trường hợp có liên quan đến chuyện bằng cấp, Bộ trưởng Nội vụ khẳng định phải thực hiện theo đúng luật.

Khánh Linh