- Cùng 'mở' cho phép sở hữu nhà nhưng các quy định, điều kiện cho phép sở hữu với người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài ở Việt Nam rất khác nhau.


Các quy định nằm trong dự thảo luật Nhà ở (sửa đổi) được Chính phủ trình tại phiên họp của UBTVQH chiều 10/3. 

Chỉ mua để ở

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng dẫn các điều 153, 155 và 156 của dự thảo, quy định mở rộng đối tượng và điều kiện sở hữu nhà ở theo hướng: cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi được phép về Việt Nam thì sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam ở trong nước (không phân biệt loại nhà và số lượng nhà ở được sở hữu).

Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài (trừ các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao, tổ chức phi Chính phủ) khi được phép vào Việt Nam hoạt động thì được mua và sở hữu nhà ở trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở (bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ), kể cả nhà ở trong khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng.

Quy định không hạn chế về số lượng; thời hạn sở hữu đối với tổ chức thì tối đa không quá thời hạn ghi trong giấy chứng nhận đầu tư, với cá nhân thì thời hạn sở hữu là 50 năm nhưng có thể được gia hạn nếu có nhu cầu; đồng thời có quyền cho thuê nhà ở.

Dự thảo điều 153 quy định rõ việc sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được thực hiện thông qua các hình thức mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân. Mua, thuê mua nhà ở thương mại của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Tránh địa bàn trọng yếu?

Thường trực UB Pháp luật tán thành định hướng mở rộng cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có quyền sở hữu nhà ở. Tuy nhiên, UB này đề nghị cần nghiên cứu quy định điều kiện chặt chẽ hơn nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đặc biệt là tại địa bàn, khu vực trọng yếu.

Chẳng hạn như quy định không được mua nhà ở tại các khu vực đặc biệt; hạn chế về số lượng nhà ở được mua trong một khu vực; hạn chế số lượng căn hộ được mua trong một tòa nhà chung cư... tránh hình thành những khu vực biệt lập hoàn toàn chỉ có người nước ngoài sinh sống.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị làm rõ, với nhu cầu còn rất lớn về nhà ở của người dân đang sinh sống trong nước cũng như điều kiện để tạo lập nhà ở còn rất khó khăn thì việc mở rộng các đối tượng được sở hữu sẽ có tác động như thế nào đến quyền có nhà ở của người dân và thị trường bất động sản?

Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa lưu ý dự thảo quy định 'cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam' được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Theo ông, điều kiện này quá 'đơn giản' vì hiện nay Việt Nam đang ký miễn thị thực cho không ít quốc gia, những năm gần đây mục đích nhập cảnh vào Việt Nam nhiều, số lượng nhập cảnh lớn.

"Nếu quy định quá đơn giản thì khó xử lý nếu có vấn đề. Vậy điều kiện nào để sở hữu nhà ở Việt Nam?" - ông Khoa nêu vấn đề.

Ông cũng cho rằng, chỉ nên mở quy định cho người nước ngoài cư trú ở Việt Nam sở hữu nhà ở. Còn người tạm trú phải có điều kiện bởi thẻ tạm trú hiện dài nhất là 5 năm. 'Không nên mở quá rộng như quy định' - ông nói.

Theo số liệu báo cáo của các địa phương, tính đến hết quý 2/2013, có 126 trường hợp tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam (Chính phủ bắt đầu thí điểm cho mua từ 2008 đến nay), trong đó tập trung chủ yếu ở phía Nam như TP.HCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương... 22 quốc gia có người nước ngoài vào Việt Nam đầu tư và mua nhà, trong đó mua thành công nhiều nhất là người Hàn Quốc.

Linh Thư