- Sóng gió, biển cả, chết chóc đã ở lại sau lưng, nhưng những gì vừa trải qua thực sự trở thành chuỗi kí ức kinh hoàng, ám ảnh khôn nguôi trong tâm trí họ.

Ngày 24/9, sau hơn chín tháng nằm trong tay bọn cướp biển, những thuyền viên của con tàu Hoàng Sơn Sun đã an toàn trở về nhà.

Trong vòng vây cướp biển

Trở về Hải Phòng sau chín tháng trời nằm giữa vòng vây của cái chết, những thuyền viên vừa thoát khỏi bàn tay cướp biển vẫn chưa hết bàng hoàng.

Phải rất khó khăn, chúng tôi mới gặp được anh Nguyễn Quyết Thắng (Dương Kinh – Hải Phòng) - Đại phó tàu Hoàng Sơn Sun. Người thủy thủ dạn dày sương gió sau chuyến đi bão táp đen sạm, hai bên thái dương tóc đã bạc trắng. Trên gương mặt anh vẫn còn hằn những sâu nỗi ám ảnh.

Tiếp chúng tôi bằng nụ cười, nhưng trên nét mặt anh chưa thấy nét tươi vui, nhẹ nhõm.

Nhớ lại quãng thời gian nằm trong tay bọn cướp khét tiếng của vùng biển Somali, anh lắc đầu bảo: “Khổ lắm. Người ở nhà không tưởng tượng được, có nghe cũng không thể hình dung hết… Có những cái khổ muốn chết mà không chết được…”.

Anh Nguyễn Quyết Thắng kể lại ký ức trong vòng vây cướp biển
 

Theo lời anh, những ngày đầu tiên bị cướp biển bắt giữ, toàn bộ 24 thủy thủ đã bị tra tấn, khủng bố hết sức dã man.

Ngày đầu tiên, có tới hàng chục tên cướp. Chúng vừa đông, vừa được trang bị vũ khí tối tân. Anh em thủy thủ hoàn toàn bị động.

“Nó nhốt tất cả anh em trong căn phòng nhỏ, có hai cửa. Một cửa chốt chặt, một cửa cho hai người cầm súng ngắn hai bên canh gác. Lại có thêm 4, 5 thằng ôm AK cận kề. Hôm nào chúng thấy có tàu chiến hoặc nhiều máy bay lượn lờ thì ngay lập tức tăng cường người đứng gác, thậm chí còn vác B40 đến canh.

Chúng thường xuyên bắn dọa xuống thuyền, cứ đứng ở cửa bắn cả băng đạn, ngay cả nửa đêm hoặc là giữa giờ nghỉ trưa cũng không tha” – anh kể.

Thuyền trưởng, trưởng máy Đinh Thái Hùng và anh là hay bị lôi ra ngoài “xử lý” nhiều nhất với ý đồ gây áp lực cho anh em.

“Suốt 3 tháng đầu, anh em ăn đòn như cơm bữa. Nhiều khi chúng đánh anh em ngay trên buồng lái. Song những trận đòn bê bết ấy chưa thấm vào đâu so với màn tra tấn dã man: Bắt các anh em chứng kiến cảnh mình và thuyền trưởng bị tra tấn, muốn chết mà không chết được” – anh Thắng rùng mình nhớ lại.

“Cứ tầm giữa trưa, dưới cái nắng hơn 40 độ, cả hai anh em bị bắt cởi hết quần áo, trói huých chéo tay chân cho bắt lăn trên nắp hầm phơi nắng cả ngày… Dưới cái nắng khủng khiếp, nắp hầm bằng thép có sức nóng phải lên tới hơn 70 độ. 

Mình hễ lăn ra chỗ khác thì chỗ này phồng rộp, lăn đi lăn lại, những vết phồng vỡ nước, thậm chí còn chẳng kịp đọng lại đã khô dưới sàn nóng…”.

Trò “rang người” tàn khốc ấy kéo dài suốt từ khoảng 11h trưa tới 5h chiều, để lại trên người các anh vô số thương tích.

“Mình may mắn bôi thuốc vào những vết bỏng thì còn đỡ, riêng anh Thắng thuyền trưởng bị nhiễm trùng… Bây giờ trên người anh Thắng có vô số sẹo đen sì, lồi lõm, chính là dấu vết của những lần tra tấn này” – anh buồn bã nói.

Không chỉ bị đánh đập, các anh em còn chịu bao nỗi đọa đày khổ sở. Thời gian đầu, anh em phải sử dụng hết sức tiết kiệm lượng thực phẩm dự trữ còn trên tàu. Sau này, khi số ấy hết, chúng cũng không cho ăn. Mỗi ngày chỉ cho cả 24 người một cân bột mì sống, mặc cho ăn thế nào thì ăn.

“May mắn là chuyến trước tàu chở gạo. Khi trả gạo rồi, anh em dọn dẹp tàu bè có giữ lại gần bảy bao gạo “vét”… vứt tạm vào kho, cứ định là khi vào đến kho cảng nảo có nhiều bồ câu sẽ tung cho chúng ăn. Không ngờ lượng gạo ấy đã giúp anh em chúng tôi sống qua được sáu tháng trời ròng rã” – anh Thắng cho biết.

Những trận đòn thừa sống thiếu chết, điều kiện sống khắc nghiệt đẩy 24 thuyền viên vào sự suy kiệt về cả thể xác lẫn tinh thần. Nhiều anh em khi trở về nhà vẫn có biểu hiện mất ngủ triền miên, nóng trong người, chảy máu cam hay mất trí nhớ.

Bản thân anh Thắng đến giờ này vẫn chưa được một giấc ngủ đầy, một ngày thôi ám ảnh.

“Cứu nhau” bằng tình đồng động

Dằng dặc chín tháng trời lênh đênh trên biển, bị khủng bố, hành hạ, với các thuyền viên trên tàu Hoàng Sơn Sun, điều giúp các anh còn trụ lại được chính là niềm tin và tinh thần đồng đội.

Theo anh Thắng, nếu anh em không giữ được tinh thần đoàn kết một lòng thì có lẽ tất cả đã gục ngã từ rất lâu rồi.

“Sau một thời gian bị bắt, tâm lý anh em thậm chí đã “không sợ nữa”. Cũng may là anh em rất đoàn kết với nhau. Anh em đã xác định chết thì cùng chết, về thì 24 người cùng về” – anh Thắng chia sẻ.

“Biết chúng rất hay lôi thuyền trưởng xuống đánh “muội” (đánh giấu- PV). Anh em buộc phải đoàn kết giữ lấy thuyền trưởng. Hễ chúng lôi thuyền trưởng đi riêng thì tất cả anh em đứng quây vòng tròn lại, yêu cầu nói chuyện trực tiếp.

Mình giải thích, anh em thủy thủy không có vũ khí, nếu xảy ra xô xát chắc chắn thuyền viên sẽ chết, mà không có thuyền viên thì sẽ không có tiền… buộc chúng phải chấp nhận”.
 

Nét anh vẫn mặt chưa nguôi nỗi ám ảnh sau quãng thời gian cận kề cái chết
 

Để được một chút khoan nhượng của bọn cướp tàn ác, anh em thủy thủ đoàn phai cẩn trọng từng chút một. Là Đại phó trong đoàn, chính anh Thắng cũng là một trong những người bị đánh nhiều nhất, phải nói chuyện nhiều nhất với bọn cướp.

Anh bảo: “Dù gì mình phải cố gắng tạo ra một không khí thân thiện để chúng không gây áp lực với anh em, nhiều khi cũng phải “nịnh” để nó không hành hạ, làm khổ anh em. Có những lần, chúng bắt tàu chạy đi làm tàu cướp.

Nhưng thực tế, tàu cũng yếu, đã cũ không thể làm được. Mà đi như vậy chắc chắn chỉ có nước chết, vì phải ra vùng biển vô cùng nguy hiểm. Thế là anh em cố tình cho thuyền chạy vòng quanh… Vài lần thì bị chúng phát hiện, lại bị lôi vào tra tấn”.

“Anh em cầm tay nhau, ôm nhau… bảo ban, động viên nhau bằng cách kể chuyện vợ con, gia đình ở nhà cùng nghe và nhất là hát cho nhau nghe. Chú Hùng máy trưởng có máu nghệ sỹ, rất hay làm thơ. Nhiều lúc làm thơ đọc cho anh em, bọn cướp lại tưởng họp bàn, lại xông vào thu giữ, rồi đánh đập.

Những lúc tuyệt vọng nhất chúng tôi lại nghĩ về gia đình, nghĩ đến nỗi đau, nước mắt người thân nếu chúng ta ra đi. Nghĩ đến để mà gắng gượng sống, gắng gượng chịu đựng” – anh nói.

Bản thân anh chia sẻ, những ngày tháng ấy, anh nghĩ nhiều nhất đến bố mẹ: “Cứ nghĩ tới cảnh ông bà ở nhà khóc hết nước mắt, mình làm con, chưa làm được gì cho ông bà ngoài mang lại những lo lắng mà cảm thấy xấu hổ… Rồi nghĩ nhiều đến vợ con, không biết vợ mình có trụ được không? Có ốm đau gục ngã hay không? Con nhỏ biết làm sao, có hiểu chuyện hay không?..”.

Nguồn yêu thương cho gia đình, niềm hi vọng vào sự sống và tình đồng đội gắn kết đã tiếp thêm sinh lực cho các anh trong những giờ phút hiểm nguy nhất của cuộc đời…

Quỳnh Anh

(còn nữa)