Mỗi buổi sáng, khắp phố phường Hà Nội, những người dân ở Lạc Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên lại rong ruổi đi bán bánh dày, cơm nắm, nem chua, giò chả…

Bà Khanh - người Lạc Đạo lên Hà Nội bán cơm nắm gần 8 năm nay, cho biết, ngoài bán cơm nắm với muối vừng, người dân còn kèm theo miếng giò để phục vụ nhu cầu khách.

Cứ mỗi nắm cơm hay cặp bánh dày kèm miếng giò, bà bán với giá 10 nghìn đồng. Bánh chưng, bánh khoai có giá 5 nghìn/chiếc. Mỗi ngày, bà Khanh bán được 60-70 suất bánh các loại. Mỗi tháng thu nhập 3-4 triệu đồng.

‘Công việc này mỗi tháng thu nhập vài triệu nhưng còn đỡ vất vả hơn làm ruộng', bà Khanh nói.

Lúc đầu cả xã chỉ có vài người nắm cơm bán, dần dần hầu như nhà nào cũng làm cơm nắm, có người đi bán cơm nắm ở khắp các tỉnh lân cận.

Gia đình chị Dương Thị Lịch và anh Đỗ Văn Biên cũng là một trong những hộ làm cơm nắm đầu tiên của xã Lạc Đạo. Chị Lịch cho biết, anh chị làm nghề đã được 23 năm nay.

{keywords}
Nghề làm bánh dày giò ở Lạc Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên

Theo chị Lịch, làm cơm nắm không khó, chỉ cần nấu cơm nát, sau đó cho cơm vào vải xô, nặn tròn rồi ép cho thành miếng cơm dẹt.

Tuy nhiên, phải nắm cơm lúc còn đang nóng, để nguội sẽ bị khô, không nắm được. Loại gạo làm cơm nắm là gạo Khang Dân, không được trộn với loại khác, sẽ mất độ dẻo vừa phải. Cơm nắm chấm với muối vừng vừa lành bụng lại ngon.

Ngày xưa, nhà chị Lịch còn bán hàng nghìn nắm cơm, hai vợ chồng phải làm cả đêm. Nhưng hiện tại sức khỏe yếu nên số lượng cơm nắm làm ra đã ít hơn nhiều.

Mỗi ngày chị làm khoảng 30kg gạo, mỗi cân nắm được khoảng 15-17 nắm cơm, cứ 100 nắm lại dùng mất hơn 1kg muối vừng. Nghề sản xuất và bán cơm nắm đã tạo nguồn thu đáng kể cho nhiều người dân.

Dù trời mưa hay nắng, từ sáng sớm, các bà, các chị đạp xe đến bến xe buýt Như Quỳnh, rồi đón chuyến xe sớm nhất lên Hà Nội, từ đó tỏa đi khắp các phố phường để bán hàng.

Nghề cơm nắm muối vừng đã tạo thêm nhiều việc làm cho người dân xã Lạc Đạo với mức thu nhập ổn định. Nhiều gia đình nhờ cơm nắm đã trở nên khá giả, xây được nhà cao tầng, có tiền cho con học đại học.

Xã Lạc Đạo cũng là nơi nổi tiếng với bánh dày giò. Theo người dân ở đây, làm bánh dày giò chỉ cần gạo nếp, mỡ lợn.

{keywords}
 

Bánh dày rất kén gạo, chỉ cần gạo có lẫn hạt đầu ruồi (bị đen) khi giã sẽ rất xấu, hoặc chỉ cần lẫn một vài hạt gạo tẻ nhìn bột bánh sẽ trắng, rắn, bánh khô. Vì thế gạo nếp phải được lựa thật kỹ, phải là loại nếp thơm, chuẩn.

Bánh dày Lạc Đạo được đem bán cho nhiều tỉnh lân cận như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hài Phòng… Khi bán, họ kẹp thêm vào giữa 2 chiếc bánh dày một miếng giò, chả lụa để ăn kèm.

Ông Nguyễn Văn Đậu, Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Đậu cho biết, xã có hơn 17 nghìn dân. Người dân trong xã làm rất nhiều nghề, từ làm bánh, bán bánh cho tới làm gỗ, sản xuất loa thùng, bàn bi-a, nấu rượu.

Theo ông Đậu, bây giờ dân làm nông nghiệp ít. Nghề nông cũng không còn là nghề chủ đạo kinh tế gia đình. Họ sản xuất bánh, còn lại là buôn bán, làm dịch vụ. Những người làm nông, thời gian nhàn rỗi có thể đi nặn bánh thuê, hoặc làm công ngày cho các cơ sở sản xuất khác.

Với nghề làm cơm nắm, bánh dày, ông Đạo cho biết đây là nghề lâu đời của người dân trong xã, đã có từ hơn 20 năm nay. Ngoài cơm nắm, bánh dày, các hộ gia đình còn làm thêm bánh chưng, bánh khúc, xôi, bánh khoai, bánh nếp, giò chả…. để bán kèm.

'Nhìn chung, kinh tế của người dân trong xã tương đối ổn định, khá giả' - ông Đạo cho hay.

Bài: Lê Vũ Phong - Nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Ngọc Quý - Nhóm PV