- Sáng 14/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, chính thức khai mạc. Ông Nguyễn Thiện Nhân, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam dự và chỉ đạo Đại hội.

Đại hội có sự tham gia của 328 đại biểu đại diện cho trên 38.200 đảng viên các dân tộc đến từ 19 đảng bộ trực thuộc.

Theo Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Chính trị đánh giá cao nỗ lực phấn đấu, chỉ đạo quyết liệt và sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân Lâm Đồng trong nhiệm kỳ vừa qua, vì vậy đã đạt được những thành tựu quan trọng và nổi bật: Kinh tế tăng trưởng cao 14,1%/năm, bằng 2,4 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước.

{keywords}
Ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại đại hội.

Đặc biệt, nông nghiệp tỉnh nhà đã phát triển có tính đột phá trên cơ sở nông nghiệp công nghệ cao với tốc độ tăng trưởng cao và giá trị sản xuất vượt trội so với mặt bằng chung cả nước. Du lịch và công nghiệp Lâm Đồng cũng đạt mức tăng trưởng cao.

Hơn nữa, Lâm Đồng đã đạt những kết quả xuất sắc trong công tác giảm nghèo, tỉ lệ hộ nghèo đã giảm từ 12,6% năm 2010 xuống dưới 2% năm 2015, tỉ lệ hộ cận nghèo là 1,7%. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục-đào tạo, khoa học, công nghệ... có nhiều chuyển biến tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được nâng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Phát huy thế mạnh nông nghiệp công nghệ cao

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, thực tế phát triển vượt bậc của nông nghiệp Lâm Đồng thời gian qua là một minh chứng rất tốt cho tính hiệu quả của mô hình tăng trưởng mới với mức tăng trưởng bình quân thuộc hàng cao nhất cả nước (8,4%/năm).

Có được điều này là do diện tích đất canh tác tăng (297.000ha so với 280.000ha theo kế hoạch); vốn đầu tư tăng đáng kể; số lượng lao động sử dụng không tăng nhiều; chất lượng được nâng cao nhờ tăng cường chất lượng lao động nhất là kỹ năng gắn với sản xuất công nghệ cao; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; mô hình đơn vị kinh tế cơ bản là liên kết doanh nghiệp với hộ nông dân và liên kết hình thành hợp tác xã dần bước đầu phát triển; nhiều chính sách hỗ trợ nông dân được đưa vào thực tiễn như chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, đăng ký và chứng nhận tiêu chuẩn sản xuất an toàn, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, trong 7 lí do này, có 2 nội dung là tăng vốn cho sản xuất và hình thành các đơn vị sản xuất cơ bản hiệu quả cao thì mới chỉ đạt kết quả bước đầu.

{keywords}

Người đứng đầu MTTQ Việt Nam đề nghị cần làm rõ, đến 2020, có bao nhiêu phần trăm hộ nông dân, sản xuất làng nghề sẽ tham gia các hợp tác xã và tổ sản xuất, để nâng cao hiệu quả sản xuất của các hộ, nâng cao tính bền vững, tính cạnh tranh của kinh tế nông nghiệp và sản xuất làng nghề. Hơn nữa, trở thành thành viên của một hợp tác xã làm ăn hiệu quả là điều kiện quan trọng nhất để hộ xã viên được tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tín dụng.

Đà Lạt sẽ trở thành đô thị thông minh

Ông Nguyễn Thiện Nhân dẫn Báo cáo chính trị tại Đại hội đã xác định nhiệm vụ: “Xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, hội nghị, hội thảo và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế, trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cấp quốc gia và quốc tế, trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa quốc gia”.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, với mục tiêu như trên và trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chung và cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận, thì việc xây dựng Đà Lạt trở thành một thành phố thông minh là cần thiết và hoàn toàn khả thi.

Xây dựng các thành phố thông minh là xu hướng phát triển mới, tất yếu của các đô thị trên thế giới từ hơn 10 năm nay. 

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, thông qua việc ứng dụng rộng rãi, triệt để công nghệ thông tin và truyền thông, mỗi chủ thể phải trở nên thông minh hơn (chính quyền thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh, doanh nghiệp thông minh, công dân thông minh…).

{keywords}

Hơn nữa, sự kết nối các chủ thể này sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh ngày càng hoàn thiện, hiệu quả hoạt động kinh tế ngày càng cao. Môi trường sống cũng nhờ đó được cải thiện, người dân được chính quyền phục vụ tốt hơn và người dân cũng dễ dàng hơn trong việc tham gia quản lý thành phố và giám sát chính quyền.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, với các tiền đề về quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chính quyền điện tử ở Đà Lạt cùng với sự hợp tác của các trường đại học và doanh nghiệp, sự hỗ trợ của Trung ương, tư vấn của các tổ chức quốc tế, Đà Lạt hoàn toàn có thể xây dựng và thực hiện đề án Đà Lạt - Thành phố thông minh trong 5-10 năm tới.

Người dân hài lòng thì không còn gì khó

Đề cập đến những yếu kém, hạn chế mà Báo cáo Chính trị tại Đại hội đã thẳng thắn chỉ ra về chất lượng quản lý, điều hành tại một số địa phương, quy hoạch sử dụng đất, quản lý và khai thác tài nguyên, thủ tục hành chính cũng như tổ chức bộ máy, công tác cán bộ..., người đứng đầu MTTQ Việt Nam nhận định đây không chỉ là câu chuyện riêng của Lâm Đồng mà nhiều tỉnh khác trong cả nước.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, cần xây dựng cơ chế để chính quyền và cấp ủy Đảng các cấp có thể biết chính xác nhân dân đồng tình và không đồng tình thế nào với hoạt động quản lý của mình.

Khi người dân hài lòng thì trước các khó khăn, thách thức đang tồn tại, nhân dân sẽ phát huy trách nhiệm để cùng Đảng, chính quyền giải quyết khó khăn, thách thức đó. Khi người dân hài lòng thì sẽ không có nền tảng xã hội cho tự diễn biến, kẻ thù bên ngoài sẽ không thể kích động tự diễn biến.

Từ Lương