Theo ông Võ Văn Bảy, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình 135, Ủy ban Dân tộc: Nếu ví việc giảm nghèo như “đàn chim đang bay” thì có những tốp đi đầu và tốp đi sau.

Vậy nếu độc giả quan tâm tới tốp đi đầu, chúng tôi có thống kê như sau: Hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2017 là 864.931 hộ, giảm 91.889 hộ so với năm 2016. Có 12 tỉnh đã giảm được trên 4.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số trong một năm, bao gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đác Lắc, Trà Vinh và Sóc Trăng.

{keywords}
Giảm nghèo cần đổi mới để chính sách đến được tiểu vùng khác nhau

Đây là những địa phương rất đại diện cho từng vùng, mang đặc thù riêng.

Thí dụ, tại đồng bằng sông Cửu Long, hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh cũng nằm trong số này, đây là hai vùng có số lượng đồng bào dân tộc Khmer đông nhất vùng Tây Nam Bộ. Hay như Hà Giang, Tuyên Quang, trước đây cũng từng là những vùng rất khó khăn nhưng hiện cũng đã có được những cách làm hiệu quả giúp người dân giảm nghèo. Con số giảm 4.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số trong một năm là rất ấn tượng, đã được nêu trong hội nghị do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì hồi cuối năm ngoái. Những hộ này đã được các bộ, ngành, trong đó có Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng Ủy ban Dân tộc trao phần thưởng và biểu dương trong hội nghị đó.

Một trong những bất cập của chính sách giảm nghèo hiện nay là kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía bắc và Tây Nguyên.

Mặc dù đã đạt được kết quả trân trọng, nhưng nhìn nhận thẳng thắn thì kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía bắc và Tây Nguyên, nói cách khác là tốc độ giảm nghèo không đồng đều, chưa bền vững.

Có thể nói, hộ nghèo thì xu thế là vùng dân tộc thiểu số, càng làm giảm nghèo thì về sau công tác giảm nghèo càng khó. Như mọi người đã biết, cuối năm 2017, hơn 52% (cứ hơn hai hộ thì có một hộ nghèo) người đồng bào dân tộc thiểu số. Theo tính toán của chúng tôi, có thể cuối năm 2018, tỷ lệ có thể cao hơn, từ 52% lên 57%. Thể hiện sự bất cập, chênh lệch giữa các vùng, khu phát triển, đặc biệt đối với dân tộc thiểu số thể hiện rất rõ. Đây là một trong những vấn đề mà các bộ, ngành vô cùng trăn trở, đặc biệt phía Ủy ban Dân tộc. Giảm nghèo chung của cả nước là thành tựu lớn vậy, nhưng lại xoay vào vùng dân tộc thiểu số.

Theo thống kê Ủy ban Dân tộc, nhiều xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo hơn 50%, có xã chiếm tỷ lệ 60%, 70% hoặc 80%, đặc biệt các xã thuộc Điện Biên, Lai Châu hay xã ở tỉnh phía tây Quảng Nam, tây Quảng Ngãi rất nghèo.

Sự chênh lệch được các bộ, ngành thấy rõ. Trong thời gian tới, Quốc hội hay Chính phủ cũng hướng tới dành nguồn lượng lớn cho khu vực này, nhằm hạn chế khoảng cách giàu nghèo giữa vùng hoặc tiểu vùng từng huyện, từng tỉnh. Đồng thời, công tác giảm nghèo cần có quyết sách, đổi mới làm sao để chính sách đến với tiểu vùng khác nhau. Bởi, Chương trình 135 là một chương trình lớn của Đảng và Nhà nước, chạy theo diện chung, đầu tư như nhau, xã đặc biệt khó khăn ở vùng Tây Nam Bộ cũng giống xã đặc biệt của vùng Mường Tè (Lai Châu), tỉnh Tây Nguyên. Tới đây, những nội dung này sẽ được khắc phục trong giai đoạn sau năm 2020. Các bộ, ngành cũng nhất trí cao trong việc hạn chế sự chênh lệch giữa giàu và nghèo.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương và sự nỗ lực của người dân, chúng ta đã đạt được kết quả to lớn trong công cuộc giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi: bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo đang giảm.

Bài: Lê Vũ Phong - Nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Ngọc Quý - Nhóm PV